Trên 90% bệnh nhân đột quỵ đến các cơ sở y tế mà không có kiến thức cơ bản về phòng chống đột quỵ, cũng như hiểu được “thời gian vàng” và các vấn đề liên quan cần thiết.
Thông tin Y học

Trên 90% bệnh nhân đột quỵ không hiểu biết về căn bệnh này

Hồ Quang 16:01 29/06/2024

Trên 90% bệnh nhân đột quỵ đến các cơ sở y tế mà không có kiến thức cơ bản về phòng chống đột quỵ, cũng như hiểu được “thời gian vàng” và các vấn đề liên quan cần thiết.

Thông tin trên được TS-BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Liên chi hội can thiệp thần kinh TP.HCM, chủ biên Cẩm nang sức khỏe phòng chống đột quỵ - cho biết tại lễ ra mắt Cẩm nang sức khỏe phòng chống đột quỵ vào sáng nay (29.6).

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp bị đột quỵ, trong đó người đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Đột quỵ là căn bệnh điều trị rất khó khăn, tốn kém. Những người may mắn vượt qua cũng sẽ bị ám ảnh tử vong đột ngột hoặc tàn phế lâu dài.

tren-90-benh-nhan-dot-quy-khong-hieu-biet-ve-can-benh-nay-hinh-anh.png
TS-BS Trần Chí Cường (giữa) tại buổi ra mắt "Cẩm nang sức khỏe phòng chống đột quỵ” - Ảnh: PV

Tuy nhiên, theo bác sĩ Cường, bệnh nhân đột quỵ khi đến các cơ sở y tế có trên 90% không có kiến thức cơ bản về phòng chống đột quỵ cũng như hiểu được “thời gian vàng” và các vấn đề liên quan cần thiết. “Điều này là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam ngày càng tăng và trẻ hóa”, bác sĩ Cường nói.

Nhiều người dân không hiểu được nguy cơ về đột quỵ nên không có chiến lược về dự phòng. Những yếu tố là nguy cơ phổ biến của bệnh đột quỵ gồm: bệnh đái tháo đường, hút thuốc lá, rượu bia… Nếu chúng ta biết dự phòng đúng mức sẽ cải thiện được nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, cũng như giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế bởi căn bệnh này.

Ngoài ra, nếu người dân có kiến thức cơ bản về đột quỵ thì “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ sẽ được cải thiện đáng kể. “Thực tế cho thấy, trong gần 10% bệnh nhân đột quỵ có được kiến thức về căn bệnh này nên họ đã đến bệnh viện kịp thời trong “thời gian vàng” và kết quả điều trị được tối ưu”, bác sĩ Cường cho biết.

Phân tích của bác sĩ Cường cho thấy tỷ lệ người dân có kiến thức về căn bệnh đột quỵ còn thấp bởi thông tin về căn bệnh này chưa đến mức để người dân có thể tin tưởng và ứng dụng được.

Có nhiều thông tin sai lầm về bệnh đột quỵ trên mạng xã hội. Điều này đã gián tiếp gây hại cho người dân. Hiện nay, có những thông tin trên mạng xã hội quảng cáo về các loại thuốc, thực phẩm chức năng nhưng không có tính chất dự phòng bệnh đột quỵ, không mang lại hữu ích cho người dân. “Có nhiều trường hợp bệnh nhân đột quỵ do sơ cứu sai cách nên đến bệnh viện đã vượt quá “thời gian vàng”. Không ít trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ thực hiện sơ cứu bằng cách cạo gió, vắt chanh, uống thuốc… Một số trường hợp lại tin và uống thực phẩm chức năng, vì nghĩ mình không phải đột quỵ, đến khi biết đột quỵ thì đã quá trễ, qua “thời gian vàng” rồi nên hiệu quả điều trị không cao”, bác sĩ Cường cho biết.

Bác sĩ Cường cho rằng hiện nay, người dân đang rất cần những thông tin hữu ích về đột quỵ, mang tính chất khoa học được chuyển tải từ chính các bác sĩ, chuyên gia đột quỵ. “Nhiều thông tin về căn bệnh đột quỵ hiện nay là do một số người tự sao chép, dịch chuyển ngữ từ tài liệu nước ngoài, không mang tính thực tế”, bác sĩ Cường cho biết.

Khi người dân được tiếp cận với Cẩm nang sức khỏe phòng chống đột quỵ, bác sĩ Cường tin tưởng họ sẽ không để xảy ra những sự cố đáng tiếc khi người thân của mình bị đột quỵ như: sơ cứu sai cách, không nhận diện được “thời gian vàng”... Đặc biệt, người thân của bệnh nhân sẽ không bị “sốc” khi nghe bác sĩ giải thích về xuất huyết não, nhồi máu não… đồng thời cũng giảm được những thắc mắc không đáng có của người nhà bệnh nhân đột quỵ đối với bác sĩ, nhất là về “thời gian vàng”.

“Người dân khi đọc cuốn sách này họ sẽ hiểu “thời gian vàng” là như thế nào, và sẽ quý giá thời gian đó từng phút, từng giây, chứ không để bác sĩ phải giải thích lê thê, nào là mạch vành tắc, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, xuất huyết não… Khi đó, người dân sẽ có một kiến thức nền, chỉ cần bác sĩ nói vài câu là có thể hiểu, để bác sĩ tập trung cứu chữa bệnh nhân, không mất nhiều thời gian giải thích”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Cẩm nang sức khỏe phòng chống đột quỵ do TS-BS Trần Chí Cường làm chủ biên cùng các bác sĩ chuyên khoa đang công tác tại Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ thực hiện.

Cuốn sách này gồm 6 chuyên đề: Bệnh đột quỵ; Bệnh động mạch vành; Bệnh tăng huyết áp; Bệnh rối loạn mỡ máu; Bệnh rối loạn nhịp tim và Phục hồi chức năng sau đột quỵ với thông tin quan trọng, dễ hiểu... giúp cộng đồng về nhận biết và phòng ngừa yếu tố nguy cơ của đột quỵ.

Bài liên quan
Lần đầu tiên Việt Nam mở trung tâm nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ điều trị đột quỵ
Chi phí bình quân điều trị một bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam có đến 70% dùng để chi trả cho trang thiết bị, dụng cụ công nghệ cao. Trong khi đó, 100% trang thiết bị điều trị đột quỵ hiện nay ở Việt Nam đều phải nhập từ nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào lĩnh vực công nghệ mới, đổi mới sáng tạo
12 phút trước Khoa học - công nghệ
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng mỗi doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào những lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới và không ngừng đổi mới sáng tạo…
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trên 90% bệnh nhân đột quỵ không hiểu biết về căn bệnh này