Không chỉ có những người cao tuổi, người bị di chứng đột quỵ não dễ bị hít sặc thức ăn mà cả những người trẻ tuổi, nhất là những người lạm dụng rượu bia, thuốc an thần… cũng có nguy cơ hít sặc thức ăn dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong.
Thông tin Y học

Người bị hít sặc thức ăn gây tử vong gia tăng: Bác sĩ ra cảnh báo người dân

Hồ Quang 29/06/2024 10:51

Không chỉ có những người cao tuổi, người bị di chứng đột quỵ não dễ bị hít sặc thức ăn mà cả những người trẻ tuổi, nhất là những người lạm dụng rượu bia, thuốc an thần… cũng có nguy cơ hít sặc thức ăn dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân bị hít sặc thức ăn là tình trạng thức ăn không đi vào dạ dày mà đi vào đường thở, khiến bệnh nhân không thở được gây ra tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong.

Chỉ trong 1 tuần có đến 2 người tử vong vì hít sặc thức ăn

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM xuất hiện khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị hít sặc thức ăn rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) ngày nào khoa cấp cứu cũng tiếp nhận 2- 3 trường hợp bị hít sặc thức ăn, trong đó có không ít trường hợp nguy kịch và tử vong.

benh-nhan-bi-hit-sac-thuc-an-tu-vong-tang-cao-bac-si-ra-canh-bao-nguoi-dan-hinh-anh.png
Một bệnh nhân bị hít sặc thức ăn rơi vào tình trạng nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) - Ảnh: PV

Mới nhất là trường hợp của cụ ông N.V.N. (90 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long) được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM trong tình trạng sốt, ho, khó thở, tím tái sau khi bị hít sặc thức ăn. Bệnh nhân lúc này suy hô hấp, các bác sĩ phải tiến hành cho thở máy.

Bác sĩ Trịnh Hải Hoàng - Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Thống Nhất cho biết đây là trường hợp bị hít sặc trong lúc người nhà cho ăn và phát hiện liền đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi hít do hít sặc thức ăn.

“Khi tiến hành nội soi phế quản chúng tôi phát hiện có nhiều đồ ăn, dịch và đàm. Sau 3 ngày điều trị bệnh nhân đã tỉnh táo, dù vẫn còn thở máy. Tiên lượng bệnh nhân tạm ổn”, bác sĩ Hoàng cho biết thêm.

Bác sĩ Hoàng cho biết những trường hợp nguy kịch hoặc tử vong do bị hít sặc thức ăn từ đầu năm 2024 đến nay được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực và chống độc là khoảng 5 ca. Tình trạng này là rất báo động.

Theo BSCK2 Nguyễn Thụy Thùy Trang – Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất nếu như trước đây, khoảng 1- 2 tuần, khoa mới tiếp nhận 1 trường hợp bị hít sặc thức ăn, nhưng trong những ngày gần đây, ngày nào cũng có từ 2- 3 trường hợp bị hít sặc thức ăn chuyển đến cấp cứu. Trong đó, có nhiều trường hợp nguy kịch hoặc tử vong.

“Chỉ trong tuần qua chúng tôi đã tiếp nhận 2 ca hít sặc thức ăn quá nặng đã tử vong khi đưa đến bệnh viện”, bác sĩ Trang cho biết thêm.

Lạm dụng bia rượu, thuốc an thần có nguy cơ bị hít sặc thức ăn

Theo bác sĩ Trang, ngoài trường hợp những bệnh nhân bị di chứng đột quỵ não có nguy cơ bị hít sặc thức ăn thì còn những người mắc bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ, người lạm dụng rượu bia; lạm dụng thuốc an thần, thuốc ngủ… cũng có nguy cơ gây ra tình trạng hít sặc.

Trong đó, những người trẻ tuổi có nguy cơ bị hít sặc thức ăn thường là những trường hợp lạm dụng rượu bia; lạm dụng thuốc, nhất là thuốc an thần. “Những người này, khi sử dụng nhiều rượu bia sẽ làm giảm phản xạ nuốt, gây ra tình trạng hít sặc; còn việc lạm dụng thuốc an thần cũng gây ra tình trạng rối loạn phản xạ dẫn đến nguy cơ bị hít sặc thức ăn”, bác sĩ Trang giải thích.

Điều đáng nói, có nhiều trường hợp hít sặc thức ăn không có triệu chứng rõ ràng, nhất là những trường hợp hít sặc một lượng nhỏ, bệnh nhân chỉ có ho, có thể tống đi được một ít thức ăn, nhưng một số thức ăn không thể tống đi được, tích tụ từ từ phát sinh vi khuẩn gây nguy hiểm đến tính mạng.

“Việc điều trị viêm phổi hít chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, khi chưa có vi khuẩn, chỉ có dịch thức ăn tràn vào phổi. Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ đặt ống thở và bơm rửa những dịch còn sót lại trong phổi. Đối với giai đoạn 2, khi thức ăn ở trong phổi lâu sẽ làm phát sinh vi khuẩn khiến bệnh nhân bị viêm phổi phải điều trị kháng sinh. Vì vậy bệnh nhân bị hít sặc thức ăn cần phải đến cơ sở y tế sớm, để kịp thời xử lý, nếu đến trễ dịch trong phổi nhiều, vi khuẩn phát triển nhiều khả năng điều trị sẽ khó khăn”, bác sĩ Trang chia sẻ.

Qua đây, bác sĩ Trang khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt việc dự phòng đối với bệnh hít sặc thức ăn. Đối với những bệnh nhân bị di chứng của đột quỵ não khi cho ăn phải cần ngồi thẳng trên ghế, nếu trường hợp không ngồi được thì phải nâng đầu giường lên một góc 90 độ; điều chỉnh tốc độ ăn, không cho ăn quá nhanh; cho ăn luân phiên giữa thức ăn lỏng và đặc; kiểm soát việc dùng thuốc, nhất là thuốc an thần và thuốc ngủ. “Đây là loại thuốc làm suy giảm phản xạ ho, suy giảm phản xạ nuốt có nguy cơ dẫn đến hít sặc thức ăn gây nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Trang nói

Bài liên quan
Cô gái 20 tuổi hôn mê sâu, viêm phổi nặng, thở máy sau khi ăn pa tê Minh Chay
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, ông Ngô Đức Tuấn cho biết nữ bệnh nhân N.T.T đang hôn mê sâu và viêm phổi nặng, phải thở máy sau khi ăn pa tê Minh Chay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thông cáo báo chí số 29, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thứ Sáu, ngày 28.6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai mươi bảy của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người bị hít sặc thức ăn gây tử vong gia tăng: Bác sĩ ra cảnh báo người dân