Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ đơn thuần là một công nghệ hỗ trợ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các ngân hàng trên toàn thế giới.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi mạnh mẽ ngành ngân hàng

Lam Thanh 02/11/2024 11:50

Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ đơn thuần là một công nghệ hỗ trợ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các ngân hàng trên toàn thế giới.

AI đang thay đổi toàn diện ngành ngân hàng

Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, đặc biệt là sự tiến bộ thần tốc của trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi nhanh chóng ngành ngân hàng, từ cách thức vận hành đến trải nghiệm khách hàng.

Theo nghiên cứu mới nhất của Gartner về các ưu tiên hàng đầu và kế hoạch đầu tư công nghệ cho ngành ngân hàng năm 2025, những thay đổi lớn nhất được mong đợi trong các khoản đầu tư công nghệ ngành ngân hàng lần lượt là AI tạo sinh (GenAI) (39%), an ninh mạng/bảo mật thông tin (34%) và AI (33%).

Các báo cáo cũng cho thấy 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới và hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hằng ngày. Kinh phí của các ngân hàng cho GenAI được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỉ USD vào năm 2030 trên toàn cầu, tăng mạnh so với mức 6 tỉ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%. Xu hướng đầu tư mạnh mẽ này cho thấy rõ sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống Digital Bank sang AI Bank.

ts-dung-3.jpg
Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi mạnh mẽ ngành ngân hàng

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về dịch vụ nhanh chóng và cá nhân hóa, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý nghiêm ngặt và quản lý rủi ro tài chính phức tạp, ứng dụng AI nổi lên như một giải pháp tiềm năng để giải quyết các vấn đề này.

Theo báo cáo của FPT Digital, doanh thu của ngân hàng được tăng thêm 200 - 340 tỉ USD hàng năm nhờ AI. Như vậy, AI không chỉ đơn thuần là một công nghệ hỗ trợ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các ngân hàng trên toàn thế giới. Có tới 85% ngân hàng đã có chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới.

Đơn vị này cho rằng ứng dụng AI trong ngành ngân hàng cũng mang lại nhiều lợi ích to lớn, giảm thiểu thời gian và chi phí xử lý, nâng cao độ chính xác và tính minh bạch, đồng thời cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa cho khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý rủi ro. Các hệ thống AI có khả năng phân tích lượng dữ liệu khổng lồ trong thời gian ngắn, giúp phát hiện gian lận nhanh chóng và chính xác.

Ví dụ, JPMorgan Chase đã sử dụng nền tảng COIN để tự động phân tích các tài liệu pháp lý, giảm thời gian xử lý từ 360.000 giờ xuống còn vài giây. Bên cạnh đó, AI cũng hỗ trợ tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng thông qua các trợ lý ảo và chatbot. Những công cụ này có khả năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ 24/7, giúp giải đáp thắc mắc và xử lý các yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng.

Nâng cấp hạ tầng, tăng cường bảo mật

Ông Lê Đăng Ngọc, Giám đốc Nền tảng trí tuệ nhân tạo của Viettel AI, nhìn nhận rằng trong bối cảnh ngành ngân hàng đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, việc ứng dụng dữ liệu AI đã trở thành yếu tố cốt lõi, không chỉ giúp đổi mới mô hình kinh doanh mà còn tối ưu hóa chiến lược vận hành, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh trong một thị trường ngày càng khốc liệt.

ts-dung-2.jpeg
AI không chỉ là công nghệ hỗ trợ mà đã là một phần không thể thiếu của hoạt động ngân hàng

Ông cho biết khi áp dụng chuyển đổi số có thể giúp tăng trải nghiệm khách hàng như trả lời và xử lý vấn đề cho khách hàng nhanh chóng (ứng dụng smart email); tự động hóa các quy trình cho vay khách hàng cá nhân, phát hành bảo lãnh; tự động hóa các hoạt động onboard và duy trì, khởi tạo thông tin khách hàng…

Ngoài ra, phát triển và tối ưu nguồn lực doanh nghiệp; quản lý rủi ro (tự động hóa các hoạt động quản trị tuân thủ, kiểm tra kiểm soát, báo cáo định kỳ); ngân hàng số năng động và linh hoạt (số hóa doanh nghiệp bao gồm thẻ và thanh toán; các hoạt động giao dịch: Cắt giảm nỗ lực trong các hoạt động báo cáo, nghiên cứu, phân tích…

Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Dịch vụ Chuyển đổi và AI FPT Digital, khuyến nghị: “Để triển khai AI hiệu quả, các ngân hàng cần đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đảm bảo tính tương thích giữa các hệ thống. Chiến lược ứng dụng AI trong ngành ngân hàng đòi hỏi một lộ trình rõ ràng và có tính linh hoạt cao”.

Theo ông Hậu, bước đầu tiên là khảo sát và đánh giá hiện trạng công nghệ và quy trình hiện có. Các ngân hàng cần xác định rõ mục tiêu và lĩnh vực ưu tiên ứng dụng AI, từ đó lập kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn triển khai.

“Một chiến lược thành công không chỉ tập trung vào công nghệ mà còn phải đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực. Nhân viên ngân hàng cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể thành thạo sử dụng và khai thác tiềm năng AI”, ông Hậu nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc triển khai AI trong ngân hàng không dễ dàng. Vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư luôn là mối quan tâm hàng đầu. Các ngân hàng cần đảm bảo rằng việc thu thập và sử dụng dữ liệu khách hàng phải tuân thủ các quy định pháp lý hiện hành. Thêm vào đó, việc tích hợp các hệ thống AI mới với cơ sở hạ tầng công nghệ hiện có cũng là bài toán khó.

ts-dung.png
TS Nguyễn Đình Dũng, Học viện Tài chính

Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Dũng (Học viện Tài chính) cho rằng một vấn đề rất đáng chú ý là vấn đề bảo mật, an ninh mạng, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng diễn ra ngày càng nhiều, nhất là xu hướng Open Banking (ngân hàng mở), trong đó các ngân hàng hợp tác với fintech (Financial Technology - công nghệ tài chính) như hiện nay và các fintech sẽ được tiếp cận, sử dụng các nguồn dữ liệu của ngân hàng.

Ngoài ra, theo ông Dũng, hành lang pháp lý đối với lĩnh vực này dù đang được đẩy mạnh nhưng còn chưa hoàn thiện cho các dịch vụ số mới (ví dụ như: Blockchain, Bigdata, Cloud, OpenAPI…). Các quy định trong các luật khác nhau vẫn còn những mâu thuẫn, vướng mắc…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tái cơ cấu nhằm tạo sức sống mới cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam
15 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện một số biện pháp nhằm nâng cao năng lực, tạo động lực mới, “sức sống mới” cho ngân hàng trong thời gian tới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi mạnh mẽ ngành ngân hàng