Trong tình thế nguy khốn, Vương Thông đã hạ lệnh cho nấu chảy chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh - hai trong bốn thứ bảo vật được tôn vinh là An Nam Tứ Đại Khí để đúc chiến xa và súng đạn
Kỳ 1: Âm mưu thâm hiểm của nhà Minh sau khi tiêu diệt nhà Hậu Trần
Kỳ 2: Lam Sơn tụ nghĩa, rồng cuộn chờ thời
Kỳ 4: Ai Lao viện trợ vũ khí, Lê Lợi hồi sức chống giặc Minh
Kỳ 5: Lê Lợi giăng thiên la địa võng, đại phá 10 vạn quân Minh
Kỳ 6: Lê Lợi đánh bại tướng Trần Trí, trừng phạt quân Ai Lao
Kỳ 7: Quân Minh - Ai Lao tạo gọng kìm, Lê Lợi mở con đường máu
Kỳ 8: Nguyễn Trãi vung bút lừa giặc, Lê Lợi mài gươm chờ thời
Kỳ 9: Lê Lợi bất ngờ nam tiến, bắt trọn ổ giặc Minh
Kỳ 10: Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, miền Trà Lân trúc chẻ tro bay
Kỳ 11: Lê Lợi: Gươm mài đá, đá núi phải mòn; Voi uống nước, nước sông cũng cạn
Kỳ 12: Lê Lợi dùng kế Điệu hổ ly sơn, xác giặc tắc nghẹn cả sông
Kỳ 13: Cẩm Y Vệ nhúng mũi vào cuộc chiến tốn xương máu của nhà Minh trên đất Việt
Kỳ 14: Bị Lê Lợi vây khốn trong 3 thành, quan quân nhà Minh chấn động
Kỳ 15: Danh tướng Trần Nguyên Hãn ra oai, tương quan lực lượng thay đổi
Kỳ 16: Vua Minh nói lời mị dân, Lê Lợi tung 4 đạo quân Bắc tiến
Kỳ 17: Nhà Minh tung 5 vạn viện binh, Lê Lợi có 20 vạn quân chờ đại chiến
Kỳ 18: Dùng kế phá giáo dài nơi ngõ hẹp , 2 lần đánh bại quân Minh
Kỳ 19: Trận Tốt Động - Chúc Động, xác quân Minh tắc nghẹn cả sông
Chiến thắng Ninh Kiều (trận Tốt Động – Chúc Động) đã đánh tan đạo viện binh của Vương Thông, mở ra một cơ hội lớn cho nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục đà tiến công trên toàn bộ lãnh thổ Đại Việt. Đinh Lễ cùng Lý Triện thừa thắng kéo quân đến trước chân thành Đông Quan vây bức, binh uy vang lừng như sấm dậy.
Từ trước trận chiến này, Bình Định vương Lê Lợi vẫn đóng ở Thanh Hóa là quãng giữa các mặt trận để tiện điều quân trên các hướng tiến công và bao vây, đồng thời củng cố những vùng hậu phương. Khi hay tin quân ta đại thắng, Vương bèn đem đại quân chia hai đường thủy bộ tiến gấp ra bắc, đóng đại doanh ở Thanh Đàm. Chư tướng đều đến đón mừng.
Khi quân dân ta nức lòng vì trận đại thắng thì Vương Thông đã tranh thủ sai người đem thư cấp báo về triều đình nước Minh, xin thêm quân tiếp viện. Vua tôi nước Minh dù rất bối rối trước tin bại trận, nhưng phần đông vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược. Các quan tâu lên vua Minh Tuyên Tông rằng: “Từ khi Hoàng Phúc bị triệu về, trung quan Mã Kỳ sang thay khích thành biến loạn ở Giao Chỉ. Xin lại cho Hoàng Phúc sang nhậm chức cũ, thì loạn ở Giao Chỉ tự nhiên yên được.” (!?) (theo Việt Sử Tiêu Án – Ngô Thì Sĩ)
Sở dĩ có lời tâu này là vì Hoàng Phúc khi làm quan ở nước ta chỉ chuyên tâm lo việc dân sự, không gây nhiều thù oán, tương đối được lòng dân. Các quan lại nước Minh hy vọng rằng Hoàng Phúc quay lại nước ta sẽ giúp hóa giải phần nào lòng căm thù của nhân dân. Thế nhưng thực sự đó chỉ là những ý nghĩ viển vông do thiếu thông tin thực tế. Hoàng Phúc dẫu ôn hòa nhưng kẻ sĩ trong nước ta đều biết hắn là người chuyên lo việc xóa bỏ tín ngưỡng, văn hóa truyền thống của người Việt để thay thế bằng văn hóa phương bắc. Sự ôn hòa của Hoàng Phúc cũng không thể bù được sự tham tàn của quan tướng nước Minh. Chiêu bài vừa đánh vừa xoa của giặc vốn chỉ có tác dụng lúc ban đầu khi mà nhân dân ta chưa nhận rõ bản chất. Minh Tuyên Tông nghe theo lời tâu của các quan viên, bàn kế hoạch điều động thêm quân tiếp viện mới. Vua Minh định bụng rằng trước tiên cho quân đông mạnh đánh bại quân Lam Sơn, rồi sẽ cho Hoàng Phúc lo việc thu phục lòng dân.
Lại nói tình thế chiến trường lúc bấy giờ, cuối tháng 11.1426 Bình Định vương dời đại doanh đến đóng ở Tây Phù Liệt (thuộc Thanh Trì, Hà Nội ngày nay), đốc suất quân thủy bộ vây thành Đông Quan càng chặt. Lúc này Vương Thông vẫn còn một số trại đóng ngoài tường thành làm nhiệm vụ tiền tiêu, với hệ thống hỏa pháo đặt trên thành lũy, nối liền từ nội thành ra căn cứ thủy quân ở Đông Bộ Đầu (thuộc phường Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, Hà Nội ngày nay) khá mạnh. Hệ thống phòng thủ thủy bộ liên hoàn này là niềm hy vọng cho quân Minh cầm cự lâu dài với quân Lam Sơn. Về phía ta, bộ binh, tượng binh đều mạnh nhưng vẫn có điểm yếu là súng ống, thuyền bè ít và kém hơn quân Minh. Là một đội quân đi lên từ gian khổ, nghĩa quân Lam Sơn chưa thể xây dựng một hạm đội hùng mạnh trong thời gian ngắn được.
Để đánh phá thủy quân của giặc, đầu não Lam Sơn đã bày ra một kế hoạch phối hợp liên hoàn giữa thủy và bộ. Đầu tiên, cánh thủy quân với hơn 100 chiến thuyền dưới sự chỉ huy của các tướng Trần Nguyên Hãn, Bùi Bị được lệnh ngược dòng sông Lũng Giang (tức sông Đáy ngày nay) ra cửa Hát Môn (thuộc Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay), là chỗ giao nhau giữa sông Lũng Giang và sông Lô (tức sông Hồng ngày nay). Tại đây, Trần Nguyên Hãn và Bùi Bị sẽ thống lĩnh thủy quân Lam Sơn xuôi dòng xuống đánh căn cứ Đông Bộ Đầu từ hướng đông bắc.
Cánh quân thứ hai do Đinh Lễ chỉ huy với khoảng 1 vạn bộ binh lặng lẽ tiến đóng ở cầu Tây Dương (Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay), chuẩn bị phối hợp tấn công thành Đông Quan từ phía tây. Bình Định vương Lê Lợi thì cầm quân chủ lực và tượng binh tiến đánh cửa nam thành Đại La cũ (cổng thành cũ nằm bên ngoài thành chính Đông Quan). Nửa đêm 23.11.1426, quân Lam Sơn đồng loạt tấn công từ khắp các hướng, phóng hỏa đốt các nhà dân bỏ trống quanh các đồn trại quân Minh để bao vây giặc bằng lửa. Phương Chính phụ trách cầm quân Minh ở các đồn ngoài không thể nào chống nổi thế mạnh áp đảo của nghĩa quân, thương vong rất nhiều. Binh tướng Minh hoảng loạn trước sức tấn công của quân ta, tranh nhau chạy vào thành trong, xác chết nằm chồng lên nhau.
Khi quân ở các đồn đã rút hết vào thành, căn cứ Đông Bộ Đầu của thủy quân Minh hoàn toàn bị cô lập. Thủy quân của Trần Nguyên Hãn và Bùi Bị thuận dòng đánh xuống, phối hợp với bộ binh quân ta đánh kẹp lại, diệt gọn thủy quân Minh. Kết thúc trận đánh, quân Lam Sơn thu được hơn 100 chiến thuyền, khí giới, nghi trượng nhiều vô kể. Những nhân dân Đông Quan trước đây bị buộc theo giặc nay được giải phóng hoàn toàn, đều vui vẻ theo về với Bình Định vương Lê Lợi.
Vương Thông bị vây bức trong nội thành vẫn chỉ huy quân tướng cố sức chống giữ mãnh liệt. Nhưng quân Minh đã bị cô lập, lại chịu sự tấn công dồn dập của quân Lam Sơn nên dần hết khí giới, đạn dược. Trong tình thế nguy khốn, Vương Thông đã hạ lệnh cho nấu chảy chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh - hai trong bốn thứ bảo vật được tôn vinh là An Nam Tứ Đại Khí để đúc chiến xa và súng đạn. Lại thêm một sự mất mát về văn hóa mà dân tộc ta phải chịu do cuộc chiến tranh đem lại. Quân Minh ở thành Đông Quan ngày đêm tăng cường đào hào đắp lũy, gia cố tường thành. Vì lương thực trong thành còn dồi dào và tường thành vững chắc, nên giặc còn hy vọng cố thủ đến chờ viện binh sang cứu.
(còn nữa)
Quốc Huy
10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất
22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
16 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba
18 phần về cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt
33 kỳ cuộc chiến chống ngoại xâm từ nhà Hồ đến nhà Hậu Trần