Các biện pháp hạn chế mới của Mỹ với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc làm dấy lên suy đoán rằng cường quốc châu Á có thể trả đũa, khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng leo thang.
Thế giới số

Trung Quốc có thể trả đũa lệnh hạn chế chip mới của Mỹ bằng những cách nào?

Sơn Vân 19:56 03/12/2024

Các biện pháp hạn chế mới của Mỹ với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc làm dấy lên suy đoán rằng cường quốc châu Á có thể trả đũa, khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng leo thang.

Chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố sẽ hành động để bảo vệ lợi ích của các công ty nước này. Những năm gần đây, Trung Quốc đã tích lũy hàng loạt công cụ mà các nhà phân tích cho rằng họ có thể sử dụng để trả đũa các công ty Mỹ. Dưới đây là một số công cụ đó:

Đánh giá về an ninh

Vào tháng 5.2023, Trung Quốc tuyên bố sẽ chặn một số cơ quan chính phủ mua sản phẩm từ Micron Technology sau khi hãng sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ không vượt qua bài kiểm tra an ninh. Động thái này được coi là một trong những hành động trả đũa đầu tiên của Trung Quốc trong cuộc chiến chip với Mỹ.

Intel có thể là mục tiêu tiếp theo, sau khi Hiệp hội An ninh mạng Trung Quốc (CSAC) cáo buộc hãng chip Mỹ "liên tục gây tổn hại" đến an ninh và lợi ích quốc gia Trung Quốc, đồng thời kêu gọi kiểm tra an ninh các sản phẩm của họ được bán tại quốc gia châu Á này.

Intel là một trong những nhà cung cấp chip lớn nhất được sử dụng trong các thiết bị điện tử như máy tính cá nhân và máy chủ truyền thống ở các trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc. Năm ngoái, Intel nhận được hơn 1/4 tổng doanh thu từ Trung Quốc.

Hành động trả đũa cũng có thể diễn ra thông qua các kênh khác. Những năm qua, các phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc phàn nàn về việc các công ty Mỹ phải đối mặt nhiều vấn đề hơn như thủ tục thông quan chậm hơn và nhiều cuộc thanh tra của chính phủ hơn trong thời kỳ căng thẳng leo thang, chẳng hạn chiến tranh thương mại giữa hai siêu cường.

Danh sách các thực thể không đáng tin cậy

Vào tháng 9, Trung Quốc tuyên bố sẽ điều tra PVH Corp, công ty Mỹ sở hữu thương hiệu thời trang Tommy Hilfiger và Calvin Klein, vì "tẩy chay bất công" bông Tân Cương và các sản phẩm khác, theo khuôn khổ danh sách các thực thể không đáng tin cậy (UEL).

Đó là lần đầu tiên Trung Quốc có hành động chống lại một công ty vì loại bỏ bông Tân Cương khỏi chuỗi cung ứng của mình để tuân thủ các quy định từ Mỹ và là một trong số ít lần họ sử dụng UEL kể từ khi nó được lập ra.

Trung Quốc lập danh sách này trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Trump và đe dọa sẽ cấm các công ty Mỹ nhập khẩu, xuất khẩu và đầu tư vào nước này.

Đến nay, UEL đã bao gồm cả các công ty Mỹ tham gia vào việc bán vũ khí cho Đài Loan như Lockheed Martin và Raytheon Missiles & Defense (thuộc tập đoàn công nghệ quốc phòng và không gian Raytheon Technologies Corp).

Kiểm soát xuất khẩu khoáng chất quan trọng

Trung Quốc thống trị ngành khai thác, chế biến vật liệu đất hiếm toàn cầu và kể từ năm ngoái đã áp dụng các quy tắc để quản lý hoạt động xuất khẩu của họ.

Vào tháng 8, Trung Quốc đã áp đặt giới hạn xuất khẩu với antimon, kim loại chiến lược được sử dụng trong các ứng dụng quân sự như đạn dược và tên lửa hồng ngoại cũng như trong pin và thiết bị quang điện.

Tháng 10.2023, Trung Quốc đã ban hành các hạn chế mới với một số sản phẩm than chì được dùng trong pin ô tô điện, vài ngày sau khi Mỹ cấm các công ty con ở nước ngoài của các hãng Trung Quốc mua chất bán dẫn bị hạn chế.

Hồi tháng 7.2023, Trung Quốc công bố các hạn chế với việc xuất khẩu 8 sản phẩm gallium và 6 sản phẩm germanium, những kim loại được sử dụng rộng rãi trong sản xuất chip, với lý do vì lợi ích an ninh quốc gia.

Kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng

Gần đây, Trung Quốc đã mở rộng giám sát các mặt hàng lưỡng dụng (sản phẩm có cả ứng dụng dân sự và quân sự) với các quy định kiểm soát xuất khẩu mới có hiệu lực từ ngày 1.12.

Các quy tắc mới được công bố lần đầu tiên vào tháng 9, tạo ra danh sách kiểm soát xuất khẩu thống nhất và đơn giản hơn, đồng thời yêu cầu các nhà xuất khẩu Trung Quốc về mặt hàng lưỡng dụng phải tiết lộ thông tin chi tiết về người dùng cuối. Điều đó cho phép Trung Quốc xác định rõ hơn sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào nước này trong tổ hợp công nghiệp - quân sự của Mỹ.

Danh sách đó dự kiến sẽ bao gồm cả nhiều công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc đang dẫn đầu hoặc có tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu, gồm công nghệ chip, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và máy bay không người lái.

Theo trang Financial Times, các lệnh trừng phạt từ Trung Quốc với hãng sản xuất máy bay không người lái Skydio (Mỹ) năm nay khiến công ty này mất nguồn cung pin.

"Khi sự kiềm chế của Trung Quốc gia tăng, nhiều ngành công nghiệp, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế Mỹ sẽ phải trả giá ngày càng đắt đỏ", tờ Thời báo Hoàn Cầu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc viết trong một bài bình luận về Skydio đầu tháng 12.

trung-quoc-co-the-tra-dua-lenh-han-che-chip-moi-cua-my-bang-nhung-cach-nao.jpg
Các biện pháp hạn chế mới của Mỹ với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc làm dấy lên suy đoán rằng cường quốc châu Á có thể trả đũa - Ảnh: Reuters

“Làm suy yếu trật tự thương mại kinh tế quốc tế và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu”

Ngày 2.12 (giờ địa phương), Bộ Thương mại Mỹ đã công bố hàng loạt biện pháp hạn chế mới nhắm vào ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo cho biết hành động này nhằm mục đích ngăn chặn “Trung Quốc thúc đẩy hệ thống sản xuất chất bán dẫn trong nước, vốn sẽ được sử dụng để hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội”.

Cụ thể hơn, Mỹ đã tiến hành đợt trừng phạt thứ ba trong vòng 3 năm qua với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, hạn chế xuất khẩu đến 140 công ty, gồm cả nhà sản xuất thiết bị chip Naura Technology Group, theo hai nguồn tin của Reuters.

Nỗ lực từ Mỹ nhằm cản trở tham vọng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến nhà cung cấp thiết bị tạo chip Piotech và SiCarrier Technology với hạn chế xuất khẩu mới.

Gói biện pháp mới này sẽ ngăn vận chuyển chip nhớ tiên tiến và các công cụ sản xuất chip khác từ Mỹ đến Trung Quốc.

Động thái đó đánh dấu một trong những nỗ lực quy mô lớn cuối cùng từ chính quyền Biden nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận và sản xuất chip AI có thể hỗ trợ các ứng dụng quân sự hoặc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Việc này diễn ra chỉ vài tuần trước lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump vào tháng 1.2025. Dự kiến ông Trump ​​sẽ duy trì nhiều biện pháp cứng rắn với Trung Quốc như thời chính quyền Biden.

Theo hãng tin Reuters, gói trừng phạt mới của Mỹ với Trung Quốc gồm hạn chế vận chuyển chip nhớ băng thông cao (HBM) vốn rất quan trọng cho các ứng dụng cao cấp như đào tạo mô hình AI; hạn chế bổ sung với 24 công cụ sản xuất chip và 3 phần mềm; hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip từ Malaysia, Singapore, Israel, Đài Loan và Hàn Quốc.

Các biện pháp kiểm soát công cụ sản xuất chip có thể sẽ gây tổn hại cho ba công ty Mỹ là Lam Research, KLA và Applied Materials, cũng như hãng nước ngoài như ASM International (Hà Lan).

Trong số các hãng Trung Quốc phải đối mặt với lệnh hạn chế mới từ Mỹ có gần hai tá công ty bán dẫn, hai hãng đầu tư vào ngành chip và hơn 100 nhà cung cấp công cụ sản xuất chip, theo các nguồn tin của Reuters.

Các nhà làm luật Mỹ cho rằng một số công ty Trung Quốc, gồm cả Swaysure Technology Co, Qingdao SiEn và Shenzhen Pensun Technology Co, hợp tác với gã khổng lồ viễn thông Huawei. Bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại từ năm 2019, Huawei hiện là trung tâm thiết kế và sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.

Với các công ty Trung Quốc bị thêm vào danh sách thực thể, nhà cung cấp Mỹ sẽ không thể giao hàng đến họ nếu không nhận được giấy phép đặc biệt trước từ chính phủ.

Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực tự cung tự cấp trong lĩnh vực bán dẫn những năm gần đây, vì bị Mỹ và các quốc gia khác hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến cùng các công cụ sản xuất chúng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tụt hậu nhiều năm so với các công ty dẫn đầu ngành chip như Nvidia (hãng chip AI số 1 thế giới của Mỹ) và ASML (nhà cung cấp thiết bị sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới ở Hà Lan).

Mỹ cũng dự kiến áp đặt thêm hạn chế với SMIC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc), vốn đã nằm trong danh sách đen thương mại từ năm 2020 nhưng vẫn được cấp phép hàng tỉ USD giá trị hàng hóa được xuất khẩu.

Lần đầu tiên, Mỹ sẽ thêm hai công ty Trung Quốc đầu tư vào ngành chip trong danh sách đen thương mại. Đó là công ty cổ phần tư nhân Wise Road Capital và hãng công nghệ Wingtech Technology Co.

Các công ty xin giấy phép giao hàng đến thực thể trong danh sách đen của Mỹ thường bị từ chối.

Một khía cạnh của gói biện pháp mới liên quan đến quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài có thể ảnh hưởng đến một số đồng minh với Mỹ, do hạn chế những gì các công ty nước này có thể giao đến Trung Quốc.

Quy tắc mới sẽ mở rộng quyền hạn của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu thiết bị chip từ các công ty Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan được tạo ra tại nơi khác trên thế giới sang một số nhà máy chip nhất định tại Trung Quốc.

Thiết bị chip được sản xuất tại Malaysia, Singapore, Israel, Đài Loan và Hàn Quốc phải tuân theo quy tắc này, trong khi Hà Lan và Nhật Bản sẽ được miễn trừ.

Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài mở rộng sẽ áp dụng cho 16 công ty trong danh sách đen thương mại được coi là quan trọng nhất với tham vọng sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc.

Quy định cũng sẽ giảm xuống mức bằng 0 lượng nội dung của Mỹ để xác định khi nào một số mặt hàng nước ngoài chịu sự kiểm soát từ nước này. Điều đó cho phép Mỹ kiểm soát bất kỳ mặt hàng nào được vận chuyển đến Trung Quốc từ nước ngoài nếu chứa bất kỳ con chip nào của Mỹ.

Các quy tắc mới được ban hành sau các cuộc thảo luận kéo dài giữa Mỹ với Nhật Bản và Hà Lan. Hiện hai nước này cùng Mỹ thống trị việc cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Một quy định khác trong gói biện pháp này từ Mỹ sẽ hạn chế bộ nhớ được sử dụng trong chip AI tương ứng công nghệ HBM 2 và cao hơn, được sản xuất bởi Samsung và SK Hynix (hai hãng chip nhớ hàng đầu thế giới ở Hàn Quốc) cùng Micron Technology (hãng chip nhớ số 1 Mỹ).

Khi được hỏi về lệnh hạn chế mới từ Mỹ, Lâm Kiến (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc) cho biết hành vi như vậy làm suy yếu trật tự thương mại kinh tế quốc tế và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông nói thêm tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 2.12 rằng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty nước này.

Theo tuyên bố được công bố trên trang web chính thức, Bộ Thương mại Trung Quốc mô tả các hạn chế của Mỹ là một ví dụ rõ ràng về “sự cưỡng ép kinh tế” và “hoạt động phi thị trường”.

Các quy định mới nhất là gói hạn chế xuất khẩu chip lớn thứ ba với Trung Quốc được thực hiện dưới thời chính quyền Biden. Vào tháng 10.2022, Mỹ đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát sâu rộng nhằm hạn chế việc bán và sản xuất một số loại chip cao cấp. Động thái này được coi là sự thay đổi lớn nhất trong chính sách công nghệ của Mỹ với Trung Quốc kể từ những năm 1990.

Phạm vi của lệnh cấm đó đã được mở rộng hồi tháng 10.2023 và một lần nữa vào tháng 9.2024 để bao gồm cả các chất bán dẫn bổ sung, như chip chơi game hiệu suất cao và chip trung tâm dữ liệu cấp thấp hơn.

Bài liên quan
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc gặp Nvidia khi rộ tin Mỹ sắp trừng phạt thêm 200 công ty chip
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đã gặp người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Nvidia hôm 25.11, trước khi Mỹ dự kiến ​​sẽ gia tăng các hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc có thể trả đũa lệnh hạn chế chip mới của Mỹ bằng những cách nào?