Intel hôm 2.12 thông báo Giám đốc điều hành Pat Gelsinger đã nghỉ hưu sau một giai đoạn đầy biến động của công ty từng tiên phong trong ngành chip. Intel đang vật lộn để theo kịp Nvidia và TSMC trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI).
Thế giới số

CEO Pat Gelsinger nghỉ hưu khi Intel đang gặp khó khăn, cổ phiếu tăng vọt

Sơn Vân 22:37 02/12/2024

Intel hôm 2.12 thông báo Giám đốc điều hành Pat Gelsinger đã nghỉ hưu sau một giai đoạn đầy biến động của công ty từng tiên phong trong ngành chip. Intel đang vật lộn để theo kịp Nvidia và TSMC trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI).

Intel đã chỉ định Giám đốc tài chính David Zinsner và quản lý cấp cao Michelle Johnston Holthaus làm đồng giám đốc điều hành tạm thời trong khi hội đồng quản trị tiến hành tìm kiếm giám đốc điều hành mới.

Cổ phiếu Intel đã tăng gần 5% trong giao dịch trước giờ mở cửa hôm 2.12, nhưng đã mất hơn một nửa giá trị tính đến nay trong năm 2024. Hiện vốn hóa thị trường Intel là 106,49 tỉ USD, so với con số 3.400 tỉ USD của Nvidia.

Pat Gelsinger được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Intel vào năm 2021 với mục tiêu lãnh đạo quá trình chuyển đổi nhà sản xuất chip này, vốn từng đứng đầu ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ nhưng đánh mất vị trí dẫn đầu trong sản xuất vào tay đối thủ như Nvidia (hãng chip AI số 1 thế giới) và TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới).

"Dù đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giành lại sức cạnh tranh trong sản xuất và xây dựng năng lực để trở thành nơi đúc chip đẳng cấp thế giới, chúng tôi biết rằng còn nhiều việc phải làm và cam kết khôi phục niềm tin của nhà đầu tư", Frank Yeary, Chủ tịch độc lập của hội đồng quản trị Intel, cho biết trong một thông cáo.

Dưới sự lãnh đạo của Pat Gelsinger, Intel đã thực hiện kế hoạch cải tổ tốn kém tập trung vào việc biến công ty trở thành nhà sản xuất theo hợp đồng cho các công ty chip khác và khôi phục vị thế dẫn đầu công nghệ.

Hội đồng quản trị Intel đã thành lập một ủy ban tìm kiếm để chọn người kế nhiệm Pat Gelsinger.

ceo-pat-gelsinger-nghi-huu-khi-intel-dang-gap-kho-khan-co-phieu-tang-vot.jpg
Pat Gelsinger rời vị trí giám đốc điều hành để nghỉ hưu khi Intel đang gặp khó khăn - Ảnh: Reuters

Cách đây hơn 1 tuần, trang New York Times đưa tin khoản tiền chính phủ Mỹ dự định tài trợ cho hoạt động sản xuất chip trong nước của Intel có thể giảm ít nhất 500 triệu USD.

New York Times trích nguồn tin thân cận cho biết chính phủ Mỹ có kế hoạch giảm tiền tài trợ sản xuất chip cho Intel từ mức sơ bộ 8,5 tỉ USD xuống dưới 8 tỉ USD. Nguyên nhân có thể là Intel trước đó được giao hợp đồng trị giá 3 tỉ USD để sản xuất chip cho Bộ Quốc phòng Mỹ.

Động thái của chính phủ Mỹ được đưa ra sau khi Intel thông báo hoãn một số khoản đầu tư vào nhà máy chip ở bang Ohio. Việc này cũng diễn ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ cân nhắc về công nghệ của Intel và nhu cầu khách hàng. Intel vẫn đang cải tiến công nghệ để bắt kịp các đối thủ.

Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ cấp cho Intel gần 20 tỉ USD dưới dạng tiền tài trợ và khoản vay. Đây là khoản chi lớn nhất của chính phủ Mỹ trong kế hoạch tăng tốc sản xuất chip trong nước. Một phần số tiền này sẽ dùng để xây 2 nhà máy mới và hiện đại hóa một nhà máy đang hoạt động.

Khoản chi này nằm trong đạo luật CHIPS and Science (chip và khoa học) được thông qua năm 2022. Mỹ đặt mục tiêu nâng sản lượng chip trong nước thông qua đầu tư 52,7 tỉ USD, với 39 tỉ USD hỗ trợ sản xuất chip, 11 tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, mục tiêu của đạo luật CHIPS and Science là giảm phụ thuộc vào các quốc gia châu Á. Tỷ trọng của Mỹ trong năng lực sản xuất bán dẫn toàn cầu giảm từ 37% năm 1990 xuống 12% năm 2020.

Việc gần nửa số tiền hỗ trợ đổ vào Intel cho thấy chính quyền Biden đang đặt cược lớn vào hãng này. Intel từng là hãng chip lớn nhất Mỹ, nhưng vài năm nay dần bị các đối thủ như Nvidia, Qualcomm, Broadcom, Texas Instrument và AMD vượt qua. Giới phân tích cho rằng Intel chậm chân khá nhiều trong cuộc đua AI, khiến thị phần dần rơi vào tay các công ty khác.

Intel đang thực hiện quá trình cải tổ, như sa thải nhân viên và đầu tư mạnh tay cho mảng gia công chip. Cuối tháng 10, Intel thông báo lỗ ròng 16,6 tỉ USD trong quý 2/2024. Đây là khoản lỗ lớn nhất lịch sử 56 năm hoạt động, vượt xa dự báo lỗ 1,1 tỉ USD trong khảo sát của hãng dữ liệu tài chính FactSet với các nhà phân tích.

Khi đó, Intel cho biết khoản lỗ lớn do các khoản liên quan đến kế hoạch cắt giảm chi phí, chẳng hạn tiền bồi thường cho lao động bị sa thải. Một số thiết bị phục vụ sản xuất của công ty cũng bị mất giá nhanh. Patrick Gelsinger khẳng định khoản lỗ này "chỉ diễn ra một lần và cần thiết trong quá trình công ty cải tổ hoạt động kinh doanh".

Qualcomm từ bỏ ý định thâu tóm Intel

Qualcomm muốn mua lại Intel từng gây chấn động giới công nghệ thế giới. Song theo trang Bloomberg, thương vụ này sẽ vấp phải sự giám sát gắt gao từ các cơ quan quản lý, cả trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Bloomberg cho biết Qualcomm đang xem xét lại kế hoạch mua lại toàn bộ Intel do lo ngại những phức tạp về pháp lý. Thay vào đó, hãng này có thể chỉ mua lại một số bộ phận của Intel, hoặc chờ đợi thời điểm thích hợp hơn để quay trở lại thương vụ này. Trước đó, Qualcomm được cho là đã tìm hiểu khả năng mua lại mảng thiết kế của Intel.

Việc Qualcomm e ngại rào cản pháp lý là hoàn toàn có cơ sở. Năm 2022, Nvidia đã phải từ bỏ thương vụ mua lại Arm trị giá 40 tỉ USD vì vấp phải sự phản đối của các cơ quan quản lý.

Từng được biết đến với chiến dịch tiếp thị Intel Inside, Intel sản xuất chip máy tính xách tay (laptop) và máy tính để bàn (desktop) được sử dụng trên toàn thế giới. Ban lãnh đạo Intel cho biết việc giới thiệu PC AI sẽ thúc đẩy người tiêu dùng nâng cấp máy tính và tạo ra nhiều doanh số hơn.

Qualcomm đang tăng cường nỗ lực thâm nhập vào ngành công nghiệp PC, nỗ lực đòi hỏi hãng phải đối đầu với một trong những chiến dịch tiếp thị thành công nhất mọi thời đại là Intel Inside của đối thủ Intel.

Một đơn vị tiềm năng mà Intel có thể xem xét bán ra là mảng kinh doanh chip lập trình Altera, mà công ty từng mua lại với giá 16,7 tỉ USD vào năm 2015. Intel đã thực hiện các bước để tách mảng Altera thành công ty con riêng biệt nhưng vẫn thuộc sở hữu hoàn toàn của mình. Ngoài ra, Intel dự định bán một phần cổ phần trong Altera qua IPO (đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trong tương lai, nhưng thời điểm thực hiện vẫn chưa được xác định.

Dù vậy, Intel cũng xem xét khả năng bán toàn bộ Altera cho một nhà sản xuất chip khác quan tâm đến việc mở rộng danh mục đầu tư của mình. Intel đang âm thầm nghiên cứu xem liệu việc bán Altera có thể thực hiện được hay không.

Nhà sản xuất chip cơ sở hạ tầng Marvell là một bên mua tiềm năng cho giao dịch như vậy, theo một trong những nguồn tin của Reuters.

Hồi tháng 9, Intel đã ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ đám mây của Amazon (Amazon Web Services) để sản xuất chip AI tùy chỉnh. Thỏa thuận này mang lại niềm tin cho nhà sản xuất chip Mỹ.

Cổ phiếu tăng sau khi Intel thông báo rằng Amazon trở thành khách của mình, trả hàng tỉ USD cho dịch vụ thiết kế và sản xuất chip.

Amazon Web Services đã thiết kế một số chip để sử dụng trong các trung tâm dữ liệu của mình và thuê Intel đóng gói ít nhất một phiên bản. Intel sẽ sản xuất "chip được thiết kế đặc biệt để tối ưu hóa các tác vụ AI" cho AWS và sử dụng quy trình 18A của mình (phiên bản tiên tiến nhất dành cho khách hàng bên ngoài), hai công ty thông báo.

Intel dự kiến ​​sẽ thực hiện thêm các thiết kế chip từ Amazon cho quy trình sản xuất 18AP và 14A sắp tới của công ty.

Trước khi có hợp đồng quan trọng với Amazon, Intel đã mất một hợp đồng thiết kế và sản xuất chip cho máy chơi game Sony PlayStation 6 vào năm 2022, gây ra cú sốc lớn cho nỗ lực xây dựng ngành kinh doanh sản xuất theo hợp đồng non trẻ của họ, theo ba nguồn tin của Reuters.

Bài liên quan
Nỗ lực mua lại Intel của Qualcomm phụ thuộc vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sự giám sát ở Trung Quốc
Qualcomm có thể sẽ đợi đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 trước khi quyết định có theo đuổi lời đề nghị mua lại Intel hay không, theo hãng tin Bloomberg.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO Pat Gelsinger nghỉ hưu khi Intel đang gặp khó khăn, cổ phiếu tăng vọt