Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây tuyên bố đang điều tra chống bán phá giá và có thể tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm lúa mạch Úc, một trong những mặt hàng xuất khẩu then chốt của nước này vào Trung Quốc.
Theo đó, các mức thuế được đề xuất có thể bao gồm thuế chống bán phá giá lên tới 73,6% và thuế chống trợ cấp lên tới 6,9% với lý do ngành sản xuất lúa mạch của Úc đã nhận được trợ cấp từ chính phủ dưới hình thức giảm giá nhiên liệu và một số hỗ trợ khó khăn do hạn hán gây ra.
Trước khi quyết định được đưa ra, phía Trung Quốc đã thông báo cho Úc thời hạn 10 ngày, từ ngày 9.5 đến ngày 19.5 để giải thích vì sao không nên áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc.
Phản ứng trước động thái trên, Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham cho biết ông “quan ngại sâu sắc” về đe dọa của Bộ Thương mại Trung Quốc. Ông cho biết chính quyền Canberra làm việc với đại diện ngành ngũ cốc để giải quyết thỏa đáng vấn đề trên nhằm bảo vệ người trồng lúa mạch Úc.
“Các nông dân và các nhà sản xuất lúa mạch của chúng tôi có sức cạnh tranh hàng đầu thế giới bởi họ áp dụng khoa học công nghệ, thực thi các kinh nghiệm nhà nông tốt nhất và đưa sản phẩm ra thị trường với giá thấp nhất có thể theo một quy trình thương mại mà không sử dụng bất kỳ trợ cấp thương mại nào của chính phủ, cũng như các biện pháp làm biến dạng thị trường”, ông Birmingham nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Thương mại Úc nói rằng mặc dù ông tôn trọng “quyền của Trung Quốc” trong việc thực hiện một cuộc điều tra về chống bán phá giá, tuy nhiên, ông cho rằng sẽ chẳng có bằng chứng đáng kể nào để có thể kết luận điều đó.
“Quan điểm của chúng tôi khá rõ ràng và mạnh mẽ, rằng không có căn cứ nào cho thấy ngành sản xuất lúa mạch Úc hoạt động dựa trên bất kỳ sự hỗ trợ nào ngoài các quy định về sản xuất thực phẩm thương mại”, ông Simon Birmingham khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phát triển khu vực, Nông nghiệp và Thực phẩm bang Tây Úc Alannah MacTiernan cũng bác bỏ bất kỳ lập luận nào của Trung Quốc cho rằng “lúa mạch Úc đang bị bán phá giá hoặc được trợ cấp tại thị trường Trung Quốc”. “Đây sẽ là một đòn lớn giáng vào nông dân Tây Úc nếu mức thuế này được thông qua”, bà MacTiernan cảnh báo.
Ông Andrew Weidemann, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất ngũ cốc Úc cho biết: “Nếu chính sách tăng thuế được thực hiện, xuất khẩu lúa mạch Úc vào Trung Quốc về cơ bản là không thể tiếp tục được. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng Trung Quốc cũng muốn lúa mạch của chúng tôi. Họ đã mua lúa mạch của Úc trong suốt thời gian dài. Vì vậy, việc tăng thuế cũng sẽ gây thiệt hại cho kinh tế của họ”.
Theo các số liệu hiện có, Trung Quốc nhập khẩu ít nhất một nửa khối lượng lúa mạch xuất khẩu của Úc, ước tính trị giá khoảng 1 tỷ USD vào năm 2018 nhưng đã giảm xuống còn 400 triệu USD vào năm ngooái do ảnh hưởng bởi hạn hán.
Dù Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhưng các mối quan hệ ngoại giao đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây trong bối cảnh Úc cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các cuộc tấn công mạng và cố gắng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chính quyền Canberra.
Căng thẳng ngoại giao giữa hai nước đã leo thang trong những tuần qua kể từ khi Thủ tưởng Scott Morrison cùng nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Úc kêu gọi điều tra về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19.
Đại sứ Trung Quốc tại Úc Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) hồi cuối tháng trước đã cảnh báo rằng việc Canberra theo đuổi điều tra độc lập về đại dịch COVID-19 là “nguy hiểm” và “đe dọa” rằng sẽ có những thiệt hại về kinh tế đối với các ngành du lịch, sản xuất và giáo dục đại học của Úc. Những bình luận này đã bị các quan chức cấp cao Úc chỉ trích và mô tả là hành vi “cưỡng ép kinh tế”.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã chỉ trích nhà ngoại giao Trung Quốc về việc liên kết các vấn đề kinh tế với cuộc điều tra về COVID-19. “Một đánh giá minh bạch và trung thực về các sự kiện trong đại dịch là rất cần thiết để chúng ta học hỏi những bài học quan trọng nhằm cải thiện năng lực phản ứng trong tương lai. Chúng tôi phản đối mọi lời đe dọa ép buộc về kinh tế là một phản ứng cho lời kêu gọi mở một cuộc điều tra như vậy, khi điều chúng ta cần là sự hợp tác toàn cầu”, bà Payne nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham khẳng định nước này “sẽ không thay đổi chính sách về các vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng chỉ vì mối đe dọa cưỡng ép kinh tế”.
Một số nguồn tin của chính phủ Úc cho rằng hành động mới nhất của Bắc Kinh có thể được sử dụng nhằm trả đũa cho việc Canberra thúc đẩy cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Đáng chú ý, lời đe dọa thuế quan được đưa ra vài giờ sau khi Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt xác nhận rằng, Úc ủng hộ một động thái của EU về việc tiến hành điều tra nguồn gốc của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Tuy nhiên, Thủ tướng Morrison đã bác bỏ các bình luận cho rằng đề xuất áp thuế vào lúa mạch là một phản ứng từ Bắc Kinh đối với các nỗ lực của Canberra trong việc kêu gọi quốc tế cho một cuộc điều tra về nguồn gốc và cách xử lý đại dịch của Trung Quốc.
“Thương mại lúa mạch đã là một vấn đề đang diễn ra giữa Úc và Trung Quốc. Chúng ta cần thận trọng và không nên liên hệ nó với việc kêu gọi điều tra COVID-19. Úc mong đợi và hy vọng vấn đề này được xác định dựa trên giá trị của nó. Hiện tại động thái này không theo sau bất cứ tranh cãi nào khác. Tôi sẽ thất vọng nếu nó liên quan”, ông Morrison nói hôm 11.5.
Hoàng Vũ (tổng hợp)