Dự án tuyến đường sắt cao tốc Chennai – Bangalore – Mysore ở phía nam Ấn Độ đã bị hoãn vì đối tác Trung Quốc không phản hồi những yêu cầu gặp mặt của giới chức Ấn Độ.
Thông tin này được nêu ra trong thông báo nội bộ của một đơn vịthuộc Ban Quản lý đường sắt, Bộ Đường sắt Ấn Độ.
Dự án xây tuyến đường sắt cao tốc Chennai – Bangalore – Mysore dài 492km được xem là dự án điểmtrong hợp tác đường sắt Trung- Ấn.
Công ty TNHH Công trình đường sắt Nhị Viện Trung Quốc (CREEC) là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng. Đây là một trong 9 dự án phát triển đường sắt cao tốc của Bộ Đường sắt Ấn Độ nhằm nâng cao vận tốc chuyên chở của xe lửa nước này từ 80km/giờ lên 160km/giờ, theo NDTV.
Theo thông báo: “Phía công ty Trung Quốc (CREEC) đã nộp bản báo cáo cuối cùng vào tháng 11.2016, và sau đó đội ngũ bên Trung Quốc cũng có yêu cầu tổ chức một cuộc gặp mặt trực tiếp với Ban quản lý dự án phía Ấn Độ. Tuy nhiên bên họ không đưa ra thời gian cụ thể”.
Các quan chức của Ban quản lý cho biết đến nay họ vẫn chưa gặp được đại diện bên phía CREEC, mặc dù trong 6 tháng qua đã nhiều lần gửi thư nhắc chuyện gặp mặt, thậm chí thư gửi tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ cũng không có phản hồi.
Theo một quan chức cấp cao của ngành đường sắt Ấn Độ: “Nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến dự án đã được thực hiện từ năm 2014, đến tháng 11.2016 thì họ đã nộp bản báo cáo. Toàn bộ chi phí đều do họ chi trả. Trên thực tế thì họ cũng tỏ ý rất quan tâm đến chuyện hợp tác với chúng tôi trong những dự án khác nữa. Do đó tôi nghĩ chính vụ đối đầu (ở Doklam) đã gieo rắc nghi ngờ”.
Từ ngày 16.6 đến 28.8, quan hệ Trung- Ấn trở nên căng thẳng vì bế tắc quân sự ở cao nguyên Doklam thuộc Bhutan. Tuy căng thẳng đã hạ nhiệt sau khi hai bên đạt được thỏa thuận rút quân, nhưng tình hình chưa trở nên khá hơn:
Ấn Độ vẫn đang đề cao cảnh giácdo Trung Quốc còn giữ một số lượng binh sĩ khoảng 1.000 người đóng tại đây, và đang tiến hành xây dựng một tuyến đường biên giới mới cách điểm xung đột lần trước khoảng 10km.
Trang Economic Times cho biết Ấn Độ đã lên kế hoạch nâng cấp hạ tầng, gồm xây thêm nhiều tuyến đường và cơ cấu lại các đơn vị đóng dọc biên giới, để đối phó với Trung Quốc.
Theo thông báo, ngoài dự án Chennai – Bangalore – Mysore gặp trục trặc, 8 dự án còn lại đều đang được thực hiện đúng kế hoạch. Tuyến Delhi-Agra đã được đưa vào hoạt động vào năm 2016 với xe lửa nhanh nhất Ấn Độ Gatimaan Express, trong khi 7 dự án khác đang được xây dựng rất nhanh.
Báo Time of India cho hay Trung Quốc lâu nay rất chú ý những dự án đường sắt cao tốc của Ấn Độ. Bên cạnh các dự án Chennai – Bangalore – Mysore và Mumbai-Ahmedabad (đã bị Nhật Bản giành mất) Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu phải lấy được dự án Mumbai- Delhi.
Cẩm Bình (theo Times of India)