Trung Quốc đã làm mình làm mẩy khi thẩm phán người Nhật Bản được chỉ định là người chọn thẩm phán cho phiên tòa xử vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài thường trực The Hague.

Trung Quốc hoang mang khi người Nhật chỉ định thẩm phán xử vụ kiện đường 9 đoạn

Hà Ngọc Bách | 11/07/2016, 10:02

Trung Quốc đã làm mình làm mẩy khi thẩm phán người Nhật Bản được chỉ định là người chọn thẩm phán cho phiên tòa xử vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài thường trực The Hague.

Theo tờ Japan Times, trước thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, Bắc Kinh đã tìm nhiều cách để đánh lạc hướng dưluận, thậm chí còn"đặt câu hỏi" về quốc tịch của người chỉ định các thẩm phán xét xử phiên tòa.

Dự kiến, ngày mai 12.7, Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" vô lý của Bắc Kinh trên Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Tuy nhiên, Trung Quốc đã khước từ mọi sự tham gia thủ tục tố tụng của tòa và nhấn mạnh sẽ phớt lờ bản án được Tòa Trọng tài đưa ra trong ngày 12.7.

Trước khi tòa tuyên án, Trung Quốc đã liên tục thực hiện hàng loạt các tuyên truyền về "chủ quyền không thể chối cãi dựa trên chứng lý lịch sử" trên Biển Đông và cáo buộc những lo lắng của phương Tây và Nhật Bản về việc Bắc Kinh xây dựng các hòn đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông là "cường điệu".

Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là việc Bắc Kinh cáo buộc "âm mưu của Nhật Bản" chỉ đạo Tòa án ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc.

Các cáo buộc "thiên vị" của Trung Quốc đã có từ năm 2013 khi Philippines bắt đầu nộp đơn kiện Trung Quốc. Khi đó, Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) là ông Shunji Yanai đã được TòaTrọng tài nhờ chọn ra 4 trong số 5 thẩm phán sẽ thụ lý vụ kiện "đường 9 đoạn".

Theo lý thuyết, mỗi bên tham gia phiên tòa có quyền chọn một thẩm phán với sự đồng ý của 3 bên còn lại, nhưng Trung Quốc đã từ bỏ quyền lợi của mình khi "tẩy chay" không tham gia thủ tục tố tụng tại Tòa Trọng tài. Kết quả là, theo quy định của UNCLOS, ông Yanai - người sẽ không được làm thẩm phán trong phiên tòa này - được quyền chọn thẩm phán đại diện cho Manila và Bắc Kinh.

Theo truyền thông Trung Quốc, vai trò quá lớn của ông Yanai trong việc lựa chọn các thẩm phán của phiên tòa là một sự "thiên vị" trong quá trình tố tụng. Truyền thông Trung Quốc nói rằng việc nước này và Nhật Bản có tranh chấp tại quần đảo Senkaku sẽ khiến một công dân Nhật không thể là người thích hợp để "nắm chìa khóa" giải quyết vụ kiện.

Trong một bài phỏng vấn trên The Jakarta Post, Đại sứ Trung Quốc tại IndonesiaXie Feng tuyên bố rằng ông Yanai, người giữ cương vị Chủ tịch ITLOS 2011-2014 và là Đại sứ Nhật tại Mỹ từ năm 1999-2001, đã "tạo ra một tòa án tạm thời, hầu như không được coi là đại diện phổ quát" khi có 4 trong số 5 thẩm phán là người châu Âu.

Quan điểm này của Trung Quốc được "lặp đi lặp lại" trong các bài phỏng vấn tại Trung Quốc và các bài phỏng vấn tại nước ngoài của các viên chức ngoại giao Trung Quốc trong suốt 2 tháng vừa qua.

Hồi tháng 5, tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng Tòa Trọng tài "không đại diện toàn cầu, quan điểm không đa phương và cũng không cung cấp nhiều quan tòa ở các hệ thống pháp luật khác nhau".

Bài xã luận trên Nhân dân nhật báo được ký với bút danh "Zhong Sheng", một từ đồng âm có nghĩa là "tiếng nói của Trung Quốc" thường được dùng để bày tỏ chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhắm tới ông Yanai như là một mục tiêu nhằmchống đối phiên tòa. Theo Nhân dân nhật báothì 4 trong 5 thẩm phán của Tòa đã "được bổ nhiệm bởi Shunji Yanai, một người Nhật Bản đầy thành kiến".

"Đối chiếu với các tranh chấp trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản... Yanai nên tránh tham gia phiên tòa theo pháp luật", Nhân dân nhật báo bình luận. "Nhưng ông ta cố tình lờ đi thực tế này và rõ ràng là vi phạm các yêu cầu công lý theo đúng thủ tục".

Dù ra cáo buộc đanh thép với ông Yanai, nhưng tờ Nhân dân nhật báo lại không trích dẫn các "luật" hoặc "yêu cầu công lý theo thủ tục" mà họ đề cập đến trong bài xã luận của mình.

Bình luận về các tuyên bố của Trung Quốc thời gian qua, ông Yanai nay đã 79 tuổi nói với tờ Japan Times hôm 7.7 rằng "những yếu tố đó hoàn toàn không liên quan đến vụ kiện này".

"Tình cờ tôi là người Nhật, vì các phụ lục của UNCLOS quy định rằng trong trường hợp các thẩm phán trọng tài không được chỉ định bởi các bên tham gia phiên tòa hoặc theo thỏa thuận của các bên tham gia phiên tòa thì Chủ tịch ITLOS phải làm điều đó", ông Yanai nói. "Tôi đã làm đúng theo quy định. Là chủ tịch của ITLOS, tôi đã không hành động như một đại diện của Nhật Bản. Tôi không đại diện cho Nhật Bản tại tất cả các phiên tòa. Điều đó là khá rõ ràng".

Theo ông Yanai, Trung Quốc đã sai khi bỏ qua không chọn thẩm phán tại tòa. "Vì vậy, trong trường hợp này tôi phải làm công việc đó", ông nói.

Ông Yanai cũng khẳng định thêm là việc tòa có nhiều thẩm phán là người châu Âu là điều bình thường vì "đây là một tòa án. Đây không phải là một tổ chức chính trị của Liên Hợp Quốc. Vì vậy, đầu tiên phải xem xét khả năng pháp lý của các trọng tài".

"Tất cả các thành viên của tòa là người rất am hiểu luật và là con người toàn vẹn. Trong cộng đồng quốc tế, phiên tòa này đã được nhiều phíacông nhận rất tốt - ngoại trừ phía Trung Quốc", ông Yanai nói thêm.

Thiên Hà (theo Japan Times)
Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc hoang mang khi người Nhật chỉ định thẩm phán xử vụ kiện đường 9 đoạn