Với sự gia tăng nhanh chóng trong mức tiền lương trung bình, Trung Quốc không còn được giới đầu tư xem là công xưởng của thế giới.
Ông Paul Robinson, một nhà kinh tế học của IHS Markit tiết lộ rằng trong một cuộc khảo sát mới nhất cho thấy tỷ lệ người chọn Trung Quốc như một nơi gia công giá rẻ đã giảm xuống dưới 50% lần đầu tiên trong năm 2016, so với 70% năm 2012.
Các công ty trên toàn cầu luôn chọn đất nước tỉ dân làm nơi đặt các nhà máy sản xuất gia công vì chi phí nhân công rẻ. Tuy vậy, mức lương của người lao động Trung Quốc đang dần tăng lên qua từng năm. Đó là lý do khiến quốc gia này giảm bớt sự thu hút với các nhà sản xuất như là một công xưởng của thế giới.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), từ năm 2006, mức lương trung bình của người dân Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Đến năm 2014, lương trung bình hằng tháng của người dân nước này ở mức 685 USD, trong khi đó ở Việt Nam là 212 USD, là 216 USD ở Philippines và ở Thái Lan là 408 USD.
Cuộc khảo sát của IHS Markit chỉ ra thay vì tránh chi phí cao tại Thượng Hải và các thành phố xung quanh để chọn đến những vùng chi phí giá rẻ, các nhà đầu tư đều chọn tăng gấp đôi sản xuất tại các khu vực quen thuộc.
"Cuộc khảo sát cho thấy Trung Quốc hiện dần biến thành trung tâm, hoặc nhiều trung tâm của chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu chứ không còn là điểm đến gia công giá rẻ", ông Robinson nói.
Theo nghiên cứu 5 năm trở lại đây, Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico là những quốc gia dễ tìm nguồn cung ứng cho các công ty công nghệ. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu không phải là điểm đến lý tưởng để làm việc này.
Phương Nhi (theo CNBC)