Theo báo Guardian, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) vừa ban hành quy định kỷ luật đảng mới, trong đó có điều khoản bất kỳ đảng viên nào bất trung với đảng thì phải bị khai trừ.
Theo tờ báo Anh, quyđịnh kỷ luật mới của CPC được công bố khuya 26.8, vào lúc Chủ tịch Tập Cận Bình đối mặt với những bất mãn nội bộ, cùng các chỉ trích về cách ông Tập xử lý cuộc chiến thương mại với Mỹ và các vấn đề khác.
Tuần trước, ở vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC), ông Tập kêu gọi Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hoàn toàn trung thành với đảng.
Các quyđịnh kỷ luật mới nhằm phòng chống bất kỳ sự bất mãn nào. Đảng viên không được phép phản đối các quyết sách, chính sách của trung ương đảng, và không được “phát tán tin đồn chính trị hoặc phá hoại tính đoàn kết của đảng. Người bất trung với đảng phải bị khai trừ”.
Còn có các quyđịnh về tín ngưỡng của các đảng viên: Đảng viên có tín ngưỡng tôn giáo nên học bồi dưỡng chính trị. Sau khóa học, nếu họ vẫn chưa thay đổi tôn giáo, thì họ nên được khuyến khích ra khỏi đảng. Đảng viên nào có “hành vi kích động” nhân danh tôn giáo thì phải bị khai trừ khỏi đảng.
Quyđịnh mới được công bố,trùng với việc ông Uông Dương, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị CPC và là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (còn gọi là Chính Hiệp toàn Trung Quốc) có chuyến thị sát khu tự trị Tây Tạng từ ngày 24 đến 26.8.
Theo Tân Hoa Xã hôm 27.8, Tại thủ phủ Lhasa của Tây Tạng, ông Uông Dương kêu gọi các chức sắc tôn giáo ở đây kiên quyết ủng hộ lãnh đạo và can đảm chống lại tất cả những phần tử ly khai, nhằm bảo vệ thống nhất quốc gia, đoàn kết dân tộc và ổn định xã hội.
Ông Uông Dương nói hoạt động tôn giáo có ý nghĩa đối với ổn định xã hội và sự thịnh vượng lâu dài cho Tây Tạng, và ông đề nghị các chức sắc tôn giáo đề phòng - cảnh giác trước những mối đe dọa: “Các chức sắc tôn giáo phải can đảm đấu tranh với tất cả những phần tử ly khai”.
Ông cũng nói xóa nghèo ở Tây Tạng cũng có ý nghĩa lớn lao đối với tinh thần đoàn kết dân tộc và cơ hội của người Tây Tạng.
Theo báo Guardian, từ năm 2008 ở Tây Tạng đã bắt đầu có các hoạt động phản đối chống chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố Tây Tạng là một phần lãnh thổ từ hơn 7 thế kỷ qua, và muốn giảm tầm ảnh huởng của ông Dalai Lama, thủ lĩnh tinh thần của Tây Tạng, đang sống lưu vong ở Ấn Độ. Bắc Kinh đã xếp ông Dalai Lama là một phần tử ly khai nguy hiểm.
Vài tháng qua, Trung Quốc cũng đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế, rằng Bắc Kinh đàn áp tôn giáo và văn hóa địa phương ở các vùng Tây Tạng và Tân Cương.
Hồi đầu tháng 8, Ủy ban bài trừ nạn phân biệt chủng tộc LHQ (CERD) ước tính có 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cươngbị đưa vào các ““trại cải tạo để tẩy não tư tưởng cực đoan”.
Tân Cương (phía tây bắc Trung Quốc) có khoảng 12 triệu tín đồ Hồi giáo, chủ yếu là dân Duy Ngô Nhĩ, cùng khoảng 1, 5 triệu người gốc Kazakhstan.
Bích Ngọc (theo Guardian)