Mỹ đã cảnh báo với Nga, rằng Mỹ đã sẵn sàng hành động quân sự mạnh đối với Syria, nếu Tổng thống Bashar Assad lại sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) để đánh quân nổi dậy ở thành phố Idlib.
Theo 4 nguồn tin giấu tên vì không được phép công bố cuộc đối thoại, tại cuộc họp ở Geneve ngày 23.8, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton cảnh báo với Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev: Mỹ đã sẵn sàng hành động quân sự mạnh đối với Syria, nếu Tổng thống Bashar Assad lại sử dụng VKHH để đánh quân nổi dậy.
Lời dọa của ông Bolton là từ thông tin quân đội Syria có thể lên kế hoạch tấn công hóa học, nhằm tái chiếm tỉnh Idlib ở tây bắc Syria. Đó là ổ kháng cự cuối cùng của quân nổi dậy, trong cuộc nội chiến Syria từ năm 2011 đã làm chết hơn 350.000 người và 1/3 trong tổng số 30 triệu dân Syria phải sơ tán.
Lời cảnh cáo của Mỹ càng mạnh lên trước thềm nguy cơ diễn ra một trận đánh đẫm máu nhất trong cuộc nội chiến Syria: với sức mạnh không quân Nga yểm hộ, bộ binh Nga đang vây thành phố Idlib, nơi có khoảng hàng chục ngàn tay súng nổi dậy, mà hầu hết đã quay ra hợp tác với những tổ chức khủng bố như IS, Al-Qaeda cùng các nhóm cực đoan theo đạo Hồi dòng Sunni khác.
Nhờ sự yểm hộ của quân Nga và Iran, chính phủ Syria đã có thể lội ngược dòng, giành lại 2/3 lãnh thổ từng lọt vào vòng kiểm soát của các nhóm quân nổi dậy và bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Ngày 25.8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói: các quan chức Nga đã cho ông Bolton biết, Nga “rất quan ngại” lời dọa của ông Bolton, và ám chỉ tình báo Mỹ ở Syria giúp “dựng chuyện khiêu khích”, rằng chế độ Assad chuẩn bị tái sử dụng VKHH để có cớ Mỹ lại hành động quân sự.
Ông Ryabkov nói: “Chúng tôi lưu ý Washington chớ nên có hành động phiêu lưu quân sự khác. Khi mọi sự không diễn ra như ý Mỹ và đồng minh của họ, họ lại bày chuyện khiêu khích mới”.
Ông Bolton còn nói, Mỹ đã sẵn sàng phản ứng với sức mạnh quân sự lớn hơn so với những lần từng đánh quân Syria trước đây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói: ông sẽ trừng phạt Tổng thống Assad nếu Syria lại sử dụng VKHH để giết hại dân thường, sau khi ông ra lệnh thực hiện hai cuộc không kích vào các cơ sở quân sự Syria hồi tháng 4.2017 và tháng 4.2018, nhưng kết quả khá hạn chế.
Theo các nguồn tin của Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thuyết phục ông Trump đừng đánh mạnh trong vụ không kích năm ngoái. Các nguồn tin nói nếu Syria lại thực hiện một vụ tấn công bằng VKHH thì ông Trump sẽ không chấp nhận trả đũa hạn chế nữa.
Nga và Syria đều phủ nhận rằng quân đội Syria không hề sử dụng VKHH. Các sự cố xảy ra là do các nhóm nổi dậy gây ra, tạo cớ cho phương tây can thiệp quân sự.
Trong một tuyên bố khác, Bộ Quốc phòng Nga nói: Mặt trận Al-Nusra chuẩn bị “bày trò khiêu khích” sử dụng VKHH ở Idlib. Nhờ sự hỗ trợ của tình báo Anh, chính quyền Mỹ đã xếp Al-Nusra vào danh sách tổ chức khủng bố.
Trong cuộc nội chiến Syria kéo dài 7 năm qua, Mỹ và các đồng minh phương tây và Vùng Vịnh từng ủng hộ quân nổi dậy. Nhưng nay họ từ bỏ mục tiêu lật đổ chế độ Assad, chỉ chú trọng giảm tầm ảnh hưởng của Iran ở Syria.
Hiện có 2.000 quân đặc nhiệm Mỹ ở đông bắc Syria, giúp Lực lượng Syria Dân chủ (SDF) đánh quân IS. SDF gồm những tay súng người Kurd muốn ly khai khỏi Syria. Nhưng SDF cũng đã đàm phán với chính phủ Syria, nghi ngờ việc Mỹ cam kết đánh bọn IS đến cùng.
Vài tháng qua, lãnh đạo chính trị-quân sự Nga hứa sẽ tái thiết Syria, tăng cường kêu gọi quốc tế ủng hộ nỗ lực này. Mỹ và vài đồng minh phương Tây hiện từ chối giúp, với cớ Tổng thống Assad vẫn nắm quyền lực, trong khi họ cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh.
Cuộc đàm phán Mỹ-Nga ở Geneve hôm 23.8 cũng bàn nhiều vấn đề, gồm khả năng quân Mỹ rút khỏi một căn cứ quân sự ở biên giới Iraq giáp Syria, hoặc hợp tác với quân đội Nga ở gần đó.
Theo 4 nguồn tin biết chuyện, cuộc đàm phán không đạt được thỏa thuận nào, và Mỹ cũng bác đề nghị của Nga, là ngưng cấm vận dầu thô xuất khẩu của Iran, như một phần trong nỗ lực tìm một giải pháp hòa bình cho Syria.
Syria nằm giữa Iraq (đồng minh của Iran), Lebanon và Israel, nên đã cho Iran nắm lợi thế lớn, vào lúc Tehran muốn tranh giành tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông với đối thủ Ả Rập Saudi.
Nga-Iran từng khác biệt với nhau về vấn đề Syria, Moscow kêu gọi toàn bộ quân nước ngoài rút khỏi Syria, trong khi Tehran nhấn mạnh việc cần bảo đảm sự ổn định lâu dài ở đó, với sự chấp thuận của chính phủ Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ý sẵn sàng rút quân Mỹ khỏi Syria. Nhưng khi trả lời phỏng vấn của Reuters, Cố vấn Bolton nói Mỹ có mục tiêu khác ở Syria, “vì lo ngại sự hiện diện của quân chính quy Iran và các tổ chức vũ trang thân Iran”, ám chỉ quân Hezbollah (ở Lebanon).
Ông Bolton nói khi đàm phán với Nga, “một điều kiện tiên quyết là toàn bộ lực lượng Iran phải rút về Iran”.
Bảo Vĩnh (theo Moscow Times)