Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc (CAS) gần đây tiết lộ nước này từ năm 2016 đã triển khai và đưa vào hoạt động những cảm biến âm thanh dưới nước ở hai vùng biển chiến lược gần căn cứ Guam của Mỹ. Các nhà phân tích cảnh báo hệ thống này có thể theo dõi được hoạt động của tàu ngầm Washington.
Cảm biến âm thanh được lắp dưới đáy biển, trong đó một vài cái có tầm thu âm thanh lên đến hơn 1.000km. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố chúng được dùng cho mục đích khoa học, những nghiên cứu động đất, bão và cá voi.
Theo thông tin CAS công bố vào đầu tháng 1, hệ thống giám sát tân tiến này đã bắt đầu vận hành từ năm 2016. Một trong những cảm biến âm thanh được lắp ở vực Challenger thuộc rãnh Mariana, nơi sâu nhất Trái Đất với độ sâu 10.916m dưới mực nước biển, và một cái khác ở gần Yap, một hòn đảo của Liên bang Micronesia.
Vực Challenger và đảo Yap cách đảo Guam lần lượt 300km và 500km về phía Tây Nam. Guam là nơi đồn trú quân sự lớn nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và cũng là trung tâm tiếp tế, bảo dưỡng quan trọng cho các tàu ngầm của các lực lượng hải quân Mỹ khác hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho biết cảm biến âm thanh được lắp đặt dưới đáy biển có thể dò ra được những liên lạc của tàu ngầm. Nội dung của thông điệp liên lạc có thể được mã hóa, nhưng các tín hiệu này có thể cung cấp những thông tin hữu ích khác về hoạt động của tàu ngầm gửi đi thông điệp.
Chuyên gia James Lewis từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) đánh giá: “Trung Quốc đã thành một cường quốc và đang hành động như một cường quốc. Tất cả các cường quốc trên thế giới đều lắp những mảng cảm biến dưới đáy biển để phục vụ cho tác chiến chống tàu ngầm”.
CAS còn cho biết các cảm biến âm thanh có kích thước nhỏ và tiêu thụ rất ít điện năng. Chúng được nối với các phao nổi mang thiết bị liên lạc với vệ tinh bằng dây cáp chạy dọc theo đáy biển. Mạng lưới giám sát này chịu được áp suất ở nơi sâu nhất thế giới, thu thập được các sóng âm thanh, bao gồm cả tiếng do tàu ngầm tạo ra.
Khi di chuyển quãng đường dài, các tàu ngầm thường tạo ra các tiếng ồn tần số thấp. Ngoài ra, tàu cũng sẽ phát đi những tín hiệu âm thanh để giữ liên lạc với căn cứ, SCMP cho biết.
Căn cứ hải quân Mỹ ở Guam là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 15 với các tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles, bao gồm USS Oklahoma, USS Chicago, USS Key West và USS Topeka. Căn cứ được cho là thiết lập một đường dây liên lạc dọc theo các tuyến di chuyển mà tàu ngầm đường hoạt động. Những dây cáp dưới đáy biển được nối với các thiết bị thu/nhận sóng âm thanh, cho phép tàu ngầm giữ liên lạc với căn cứ trên đất liền mà không cần nổi lên mặt biển và bị phát hiện.
Từ năm 2008, hải quân Washington cũng đã phát triển một hệ thống liên lạc tàu ngầm mang tên “Deep Siren”, cho phép tàu ngầm từ dưới đáy biển sâu dùng tín hiệu âm thanh để phát và nhận thông điệp. Hệ thống theo dõi của Trung Quốc có thể phát hiện ra những liên lạc này, vì chúng có độ sâu hoạt động tối đa lên đến 12.000m, cùng độ sâu với Deep Siren.
Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hoạt động ở vùng biển gần Guam trong thời gian qua. Vào năm 2017, một tàu nghiên cứu khoa học của nước này đã có hoạt động khảo sát ngọn núi ngầm Caroline ở phía Đông Nam căn cứ Guam, dưới sự giám sát của máy bay trinh sát Mỹ.
Vào tháng 2 năm ngoái, Viện Địa chất và Địa vật lý trực thuộc CAS đã thực hiện một loạt vụ động đất nhân tạo dưới đáy biển ở rãnh Mariana, nhằm thu thập thông tin về địa hình đáy biển.
Guam nằm trong hệ thống Chuỗi đảo thứ hai, một tuyến phòng thủ được Mỹ xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh để kiềm hãm sự bành trướng ra ngoài của Trung Quốc. Theo một nhà khoa học tham gia các dự án của CAS, một mục đích quan trọng của những hoạt động gần Guam và ở những nơi khác ở Tây Thái Bình Dương mà Bắc Kinh thực hiện là nhằm phá vòng kiềm kẹp bởi các chuỗi đảo và tiên liệu về sức mạnh hải quân của nước này ở vùng trung tâm Thái Bình Dương.
Cẩm Bình (theo SCMP)