Vụ thử nghiệm hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên vào ngày 9.9 đã tạo ra một cơn địa chấn mạnh tại các khu dân cư của Trung Quốc dọc theo biên giới giữa nước này với Triều Tiên. Các chuyên gia Trung Quốc cũng lo ngại bụi phóng xạ từ vụ thử hạt nhân sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại các tỉnh giáp biên giới.
Cơ quan quản lý môi trường Trung Quốc đang cố gắng trấn an người dân tại hai tỉnh Cát Lâm và Liêu Ninh với tuyên bố mức độ phóng xạ trong khu vực vẫn ở mức bình thường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng khi Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay, có sức công phá lên đến 10 kiloton.
Theo báo South China Morning Post, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đang tiến hành việc giám sát mức độ phóng xạ tại các khu vực dọc theo tuyến biên giới phía đông bắc với Triều Tiên. Bộ này cho biết kết quả thu được tại 7 trạm đo mức độ phóng xạ gần địa điểm Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm không có dấu hiệu bất thường.
Bất chấp những tuyên bố từ nhà chức trách, người dân Trung Quốc vẫn lo ngại về khả năng ảnh hưởng của bụi phóng xạ đến cuộc sống của họ. Changchun, một nhân viên bán hàng, nói rằng vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên đã khiến cô phải xem xét lại kế hoạch đi du lịch đến các thành phố dọc biên giới vào ngày lễ quốc khánh của Trung Quốc.
“Những ảnh hưởng từ vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên là rất đáng sợ. Quê của tôi rất gần với Triều Tiên nên tôi đang lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình. Tôi không nghĩ chiến tranh sẽ xảy ra vào thời điểm này, nên bụi phóng xạ là nguyên nhân chính gây ra những lo lắng và thu hút sự quan tâm của tôi”, bà Changchun cho biết.
Stella Ding, 23 tuổi, sống tại Tonghua (tỉnh Cát Lâm) nhưng đang học tập tại Hồng Kông, cho biết cô lo lắng cho sự an toàn của bố mẹ khi Triều Tiên thường xuyên có những động thái bất thường.
“Chỉ có 1 con sông ngăn cách Triều Tiên với thị trấn chúng tôi đang sống và mọi người có thể bơi sang bên kia chỉ trong chốc lát. Triều Tiên là một người hàng xóm thiếu tỉnh táo. Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày chiến tranh đột nhiên bắt đầu”, cô Dinh nói.
Ngoài những lo lắng về bụi phóng xạ, các vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên cũng gây ra những cơn địa chấn tại các khu dân cư của Trung Quốc dọc theo biên giới.
Một số cư dân sống gần biên giới cho biết trên các phương tiện truyền thông rằng họ cảm thấy cơn địa chấn mạnhdo vụ thử nghiệm hạt nhân vào ngày 9.9 gây ra. Nhiều người cho rằng cơn địa chấn có độ mạnh tương tự với những rung chuyển trong tháng 1.2016, khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân khác.
Hàn Giang