Là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song hiện nay Trung Quốc mới chỉ là thị trường nhập khẩu xếp thứ 12 về cà phê và đứng thứ 4 về chè của Việt Nam.

Trung Quốc muốn thành lập thương hiệu chè chung với Việt Nam

tuyetnhung | 15/10/2019, 06:00

Là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song hiện nay Trung Quốc mới chỉ là thị trường nhập khẩu xếp thứ 12 về cà phê và đứng thứ 4 về chè của Việt Nam.

Hiện Việt Nam là nước đứng thứ 7 về sản xuất chè, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè. Trong năm 2018 lượng chè xuất khẩu của cả nước đạt 128.000 tấn, trị giá đạt 219 triệu USD.

Đối với ngành cà phê, hiện tại, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai thế giới và dẫn đầu toàn cầu về cà phê robusta. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 1,88 triệu tấn, trị giá 3,5 tỉ USD tăng gần 20% về lượng, tăng 1% về trị giá so với năm 2017.

Tại diễn đàn Hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê Việt Nam - Trung Quốcngày 14.10, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Hàn Trường Phú cho biết, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn và truyền thống nhập khẩu nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ là thị trường nhập khẩu xếp thứ 12 về cà phê với kim ngạch đạt trên 109 triệu USD và đứng thứ 4 về chè của Việt Nam đạt kim ngạch gần 20 triệu USD. Tiềm năng và nhu cầu nhập khẩu các loại nông sản của Trung Quốc còn rất lớn.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PT-NT Nguyễn Xuân Cường cho biết Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, nông sản của 2 nước mang tính bổ trợ lẫn nhau để phát triển, có cùng điểm tương đồng về văn hóa trong sử dụng chè và cà phê. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp 2 nước hợp tác phát triển sản xuất, chế biến và thương mại chè và cà phê không chỉ phục vụ nhân dân 2 nước mà còn hướng đến thị trường toàn cầu với dân số 7,7 tỉ người.

Theo Bộ trưởngCường, Việt Nam hiện có sức sản xuất nông nghiệp khá lớn. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu nông sản đi 185 nước với hơn 40 tỉ USD. Năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 8,5 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nông sản và trang thiết bị máy móc từ Trung Quốc khoảng 2,6-2,7 tỉ USD.

“Đây là những con số còn khá khiêm tốn trong tiềm năng hợp tác giữa đôi bên vì nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc mang tính bổ trợ mà không xung đột. Việc phát triển nông nghiệp mang tính thúc đẩy cùng phát triển”, Bộ trưởng Cường nói.

Với riêng mặt hàng chè và cà phê, Bộ trưởng NN-PT-NT nhìn nhận, tiềm năng còn quá lớn nếu hợp tác chặt chẽ. Hiện nay, tổng sản lượng cà phê toàn thế giới là 9 triệu tấn. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, sản xuất gần 2 triệu tấn, đem về giá trị 3,2 tỉ USD.

Với mặt hàng chè, cả thế giới có 4,3 triệu ha, sản lượng khoảng 5 triệu tấn chè khô, tạo ra giá trị khoảng 8 tỉ USD. Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về diện tích, thứ 5 thế giới về sản lượng chè. Việt Nam có điều kiện sinh thái thuận lợi với 2/3 miền núi và cao nguyên với chuỗi những cây chè cổ.

Xung quanh câu chuyện hợp tác thúc đẩy phát triển ngành chè và cà phê, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốccho hay nước này đang thực hiện chiến lược phát triển ngành chè để đáp ứng nhu cầu của toàn thế giới.

Việt Nam có điều kiện tự nhiên rất ưu đãi cho trồng chè. Trung Quốc và Việt Nam đều có truyền thống và sản lượng chè lớn, có địa vị quan trọng trong thị trường chè thế giới. Chè và cà phê Việt Nam cũng đóng địa vị quan trọng tại thị trường Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn thành lập thương hiệu chè của cả 2 nước để thúc đẩy hợp tác của 2 nước lên tầm cao mới. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức những triển lãm về ngành chè và cà phê, hy vọng được đón tiếp đoàn đại biểu Việt Nam đến cùng tham gia để đem lại sự phát triển lớn hơn cho ngành chè và cà phê Việt Nam”, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốcnói.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc muốn thành lập thương hiệu chè chung với Việt Nam