Nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xác định rằng các nền kinh tế lớn nhất châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ nằm trong số nước thực thi ít tích cực nhất việc chống hối lộ trong kinh doanh quốc tế.

Trung Quốc, Nhật và 16 nước đội sổ về buông lỏng xử lý các công ty hối lộ ở nước ngoài

Nhân Hoàng | 13/10/2020, 17:03

Nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xác định rằng các nền kinh tế lớn nhất châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ nằm trong số nước thực thi ít tích cực nhất việc chống hối lộ trong kinh doanh quốc tế.

Trong báo cáo có tiêu đề "Tham nhũng xuất khẩu 2020" được công bố hôm 13.10, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Đức đã đánh giá 47 nền kinh tế chiếm 83% xuất khẩu của thế giới, dựa trên các chỉ số chống tham nhũng như số cuộc điều tra được bắt đầu và số lượng các trường hợp đã kết luận có chế tài.

6 nền kinh tế châu Á được khảo sát gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore xếp vào nhóm cuối cùng trong bốn hạng mục, với việc thực thi "ít hoặc không" với hành vi hối lộ cho các quan chức ở nước ngoài. Trong nhóm này còn có Mexico, Ireland, Nga, Bỉ, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Séc, Luxemburg, Hungary, Phần Lan, Slovakia, Peru, Bulgaria.

Theo báo cáo, 18 quốc gia và Hồng Kông trong nhóm trên chiếm 36,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.

Úc nằm trong nhóm tốt thứ hai với mức độ thực thi "vừa phải", trong khi New Zealand nằm trong nhóm thứ ba, được phân loại là "hạn chế".

Chỉ có 4 nước trên thế giới lọt vào danh sách "thực thi tích cực" hàng đầu: Mỹ, Anh, Thụy Sĩ và Israel.

trung-quoc-va-17-nuoc-doi-so-ve-buong-long-xu-ly-cac-cong-ty-hoi-lo-o-nuoc-ngoai1.jpg
46 nước và Hồng Kông thuộc 4 hạng mục trong thống kê của Tổ chức Minh bạch Quốc tế

Theo Gillian Dell, người đứng đầu bộ phận quy ước của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, điều này không có nghĩa là các quốc gia châu Á tham nhũng nhiều hơn các nước khác, nhưng đồng nghĩa là có ít khả năng răn đe chống lại tham nhũng liên quan đến các công ty kinh doanh ở nước ngoài.

Bà Gillian Dell nói với trang Nikkei: “Nếu các công ty không phải lo lắng về việc đất nước của họ đưa ra các vụ kiện chống lại mình, họ có thể cảm thấy tự do hơn trong hoạt động của mình”.

“Dù báo cáo không xem xét cụ thể lý do vì sao các nước châu Á ít tích cực hơn trong việc thực thi, nhưng những vấn đề này cuối cùng đi đến một câu hỏi về ý chí chính trị. Có vẻ như thiếu cam kết", bà Gillian Dell cho biết thêm.

Cuộc khảo sát của tổ chức này không thể tìm thấy một cuộc điều tra nào của Trung Quốc về hối lộ ở nước ngoài từ năm 2016 đến 2019, dẫu các công ty Trung Quốc đã vướng vào nhiều vụ bê bối và bị các nước khác điều tra.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế trích dẫn một số trường hợp đã được báo cáo rộng rãi trong bản tin, trong đó có một cuộc điều tra của Mỹ với hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc - ZTE vì nghi ngờ hối lộ cho các quan chức ở nước ngoài.

Tương tự Trung Quốc, Hồng Kông và Ấn Độ đã không mở bất kỳ cuộc điều tra nào như vậy trong 4 năm. Trong khi Singapore chỉ tiến hành một cuộc điều tra và kết luận một trường hợp vi phạm với các biện pháp trừng phạt.

Báo cáo nhấn mạnh: “Các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Singapore có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng bên cung trong thương mại quốc tế và giúp ngăn chặn cuộc trốn chạy xuống đáy”.

Nhật Bản và Hàn Quốc không làm được nhiều hơn thế. Trong cùng giai đoạn 2016 đến 2019, Nhật Bản chỉ mở một cuộc điều tra và kết luận một trường hợp vi phạm với các biện pháp trừng phạt. Hàn Quốc đã mở ít nhất một cuộc điều tra và kết luận 5 trường hợp vi phạm với các biện pháp trừng phạt.

Để so sánh, Mỹ đã mở ít nhất 72 cuộc điều tra và kết luận 130 trường hợp vi phạm với các biện pháp trừng phạt.

Hối lộ trong kinh doanh quốc tế có thể làm suy yếu sự phát triển kinh tế của nước là điểm đến bằng cách bóp méo khả năng quản trị và cạnh tranh bình đẳng.

Ngoài ra, Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng chỉ ra rằng hành vi này có thể cản trở nỗ lực của các chính phủ trong việc khắc phục thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Delia Ferreira Rubio, Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Tiền bị mất do hối lộ nước ngoài gây lãng phí hàng triệu USD đáng ra có thể được chuyển đến các dịch vụ cứu sinh như chăm sóc sức khỏe.

Quá nhiều chính phủ chọn cách làm ngơ khi các công ty của họ sử dụng hối lộ để giành được công việc kinh doanh ở thị trường nước ngoài".

Tổ chức này kêu gọi các nước làm nhiều hơn nữa để kiềm chế nạn hối lộ. Các khuyến nghị bao gồm công khai kết quả vụ việc để cho biết tham nhũng quốc tế đang được xử lý như thế nào, cũng như tăng cường luật pháp và hệ thống thực thi để xử lý các vụ việc phức tạp.

Bài liên quan
Chuyên gia chỉ các công ty cách rút khỏi Trung Quốc êm thấm, tránh bị kiện
Vấn đề lao động và phương tiện truyền thông xã hội là điều mà các công ty Nhật Bản phải đối mặt khi muốn rút khỏi Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc, Nhật và 16 nước đội sổ về buông lỏng xử lý các công ty hối lộ ở nước ngoài