Căng thẳng mới nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến giá trị đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp trong 4 tháng qua. Các nhà quan sát thị trường nhận định có thể chính quyền Bắc Kinh cho phép phá giá đồng tiền để đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 15.5 đặt tỷ giá tham chiếu ở mức 6,8649 tệ đổi 1 USD. Một ngày trước tỷ giá tham chiếu chỉ có 6,8365 tệ đổi 1 USD - thấp nhất kể từ tháng 1 đến nay.
Đầu tuần này vừa xảy ra tình trạng bán tháo Nhân dân tệ tại thị trường nước ngoài, giao dịch ở mức 6,91 tệ đổi 1 USD. Theo nhà giao dịch ngoại hối của một ngân hàng lớn: “Mối quan hệ Mỹ - Trung xấu đi chính là nguyên nhân. Giới giao dịch đang cố xác định giới chức Bắc Kinh chấp nhận để cho đồng tiền nước mình suy yếu đến mức nào”.
Chính quyền Washington nhiều lần đổ lỗi đồng Nhân dân tệ yếu góp phần gây nên thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Trung Quốc. Động thái chấp nhận để tiền mất giá nếu là sự thật sẽ là dấu hiệu cho thấy phía quốc gia châu Á không sẵn sàng nhượng bộ trong đàm phán.
Nhà nghiên cứu Vương Hữu Hân thuộc Ngân hàng Trung Quốc (BOC) khẳng định đồng Nhân dân tệ yếu bù đắp được một phần tác động do thuế quan Mỹ áp đặt năm ngoái đem lại.
Đầu năm 2018, 1 USD đổi 6,2 tệ. Sau đó đồng tiền Trung Quốc liên tục biến động nhưng chủ yếu là mất giá.
Thị trường đang chờ đợi xem liệu Trung Quốc có bán bớt trái phiếu Mỹ hay không, sau khi tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Hoàn cầu thời báo (phụ san của Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) kêu gọi làm vậy.
Trung Quốc nếu quyết định bán trái phiếu sẽ khiến lãi suất lẫn tiền dùng để trả nợ của Mỹ tăng, doanh nghiệp Mỹ phải chịu chi phí vay cao hơn.
Phá giá Nhân dân tệ có thể làm giảm bớt thiệt hại từ thuế quan, tuy nhiên kèm theo đó là rủi ro kích động làn sóng chuyển tiền ra nước ngoài. Vị thế Nhân dân tệ trong mắt giới đầu tư nước ngoài cũng sẽ giảm, cản trở mục tiêu quốc tế hóa đồng tiền mà Trung Quốc đặt ra.
Trung Quốc chịu áp lực phải kích thích kinh tế
Nền kinh tế châu Á bộc lộ nhiều dấu hiệu suy yếu qua những số liệu trong tháng 4 vừa qua. Sản lượng công nghiệp nước này chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái - thấp hơn dự kiến và kém mức tăng 8,5% của tháng 3. Chỉ số bán lẻ tăng 7,2% - mức tăng trưởng thấp nhất trong 16 năm.
Sự sụt giảm có thể buộc chính quyền Bắc Kinh phải có hành động nhằm kích thích kinh tế, trong bối cảnh phải chịu thêm thuế quan Mỹ. Cắt giảm thuế và chi nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng là hai biện pháp họ vừa thực hiện gần đây.
Nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard thuộc hãng nghiên cứu Capital Economics nhận định nên bắt đầu từ chính sách tiền tệ. Tuy vậy, ông dự đoán kích thích kinh tế chỉ đem lại tăng trưởng nhẹ trong năm nay chứ chẳng thế giúp Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ.
Trước tình hình kinh tế khó khăn cùng với chiến tranh thương mại, Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 15.5 cam kết sẽ tiếp tục mở cửa với thế giới. Ông không trực tiếp đề cập căng thẳng với Mỹ mà cố gắng thể hiện hình ảnh Trung Quốc như một quốc gia chẳng gây nguy hiểm cho nước khác.
“Trung Quốc ngày nay không chỉ là đất nước của chúng tôi. Đây là Trung Quốc của châu Á và của thế giới. Trung Quốc trong tương lai sẽ cởi mở hơn. Không quốc gia nào có thể đứng một mình. Các nền văn minh sẽ mất đi sức sống nếu các quốc gia quay lại với sự biệt lập và tách mình khỏi phần còn lại”, Chủ tịch Tập phát biểu Hội nghị đối thoại Văn minh châu Á tổ chức tại Bắc Kinh.
Cẩm Bình (theo Tân Hoa Xã, Nikkei Asian Review, CNN, Reuters)