Vào chiều mai, lượt về vòng loại giải U.19 quốc gia sẽ diễn ra. Lúc này, người ta chờ đợi sự thức tỉnh từ SLNA cũng như màn phô diễn sức mạnh của Hà Nội, PVF, Viettel.
Lượt đi vòng loại U.19 quốc gia với 5 vòng đấu đã được tiến hành. Nhìn chung các đội được đánh giá cao đều đã thể hiện được sức mạnh và dần đạt phong độ đúng thực lực. Lượt về hứa hẹn sẽ có những bất ngờ bắt đầu từ vòng 6.
Bảng A: Hà Nội có cắt đuôi được Thanh Hóa?
Tại lượt trận thứ 5, Hà Nội đã vượt lên giành ngôi nhì bảng sau khi có chiến thắng trước Hải Phòng, trong khi Thanh Hóa để thua trận thứ 2 liên tiếp. Thực tế, Hà Nội bước vào vòng loại với sức ì lớn khi để Công an Hà Nội cầm hòa 1-1 trận lượt đi. Kể từ đó, Hà Nội rơi vào thế phải rượt đuổi, núp bóng Thanh Hóa suốt 4 lượt đầu.
Lượt về, Hà Nội đã có đủ thế và lực để bứt phá, và trận gặp Công an Hà Nội sẽ chứng minh cho đẳng cấp thực sự của nhà đương kim vô địch. Đội bóng này rất khó để Công an Hà Nội ngáng đường như trận lượt đi. Trận đấu đó, Hà Nội thậm chí còn bị thủng lưới trước ngay phút thứ 14 và phải đợi đến phút 56 mới gỡ hòa. Nhưng lúc này, Hà Nội đã khác và khiến người ta phải nhớ đến kịch bản của vòng loại năm ngoái.
Năm ngoái, Hà Nội cũng bị Công an nhân dân (tiền thân của Công an Hà Nội) cầm hòa 4-4 ở trận lượt đi nhưng trận lượt về, Hà Nội đã thắng đậm đối thủ đến 7-0. Tất nhiên, Công an Hà Nội sẽ không để thua đậm như năm ngoái vì năm nay, sau khi đổi tên CLB thì đội bóng ngành vũ trang đã thi đấu rất tiến bộ. Sau lượt đi, Công an Hà Nội cũng có 7 điểm và tinh thần vừa lên sau khi giành chiến thắng 3-0 trước Quảng Ngãi.
Viettel sẽ có cơ hội củng cố vị trí số 1 bảng tử thần khi chỉ phải gặp Quảng Ngãi. Sự chênh lệch giữa hai đội đã được thể hiện trong trận lượt đi khi các cầu thủ á quân thị uy sức mạnh bằng chiến thắng 7-0 trước Quảng Ngãi. Viettel cũng không cần phải thắng quá đậm như lượt đi mà chỉ cần thắng lợi nhẹ nhàng, giữ sức trụ cột để chuẩn bị cho trận tiếp theo với Hải Phòng.
Thanh Hóa sau 2 trận thua liên tiếp sẽ có cơ hội vực lại tinh thần khi chỉ phải gặp Hải Phòng. Lượt đi, Thanh Hóa đã thắng nhàn Hải Phòng 3-0 với cả 3 bàn ghi trong 45 phút đầu. Trong khi đó, tinh thần của Hải Phòng lúc này còn xấu hơn khi bắt đầu giải, vì sau 5 vòng lượt đi, đội bóng này chẳng những không kiếm được điểm mà còn không ghi được bàn nào.
Bảng B: Chờ SLNA thức tỉnh
Chủ nhà PVF sẽ gặp đội nhì bảng Đà Nẵng. Trận lượt đi, PVF dù là ứng cử viên vô địch nhưng bị Đà Nẵng cầm hòa 1-1. Thậm chí, PVF còn bị thủng lưới trước vào giữa hiệp 2 và phải nhờ bàn gỡ phút 84 mới giật lại được 1 điểm. Nhưng PVF lúc này đã lột xác hoàn toàn so với nửa tháng trước. Sau khi không thắng 2 lượt đầu tiên, PVF đã tranh thủ việc được nghỉ lượt thứ 3 để xốc lại tinh thần, chấn chỉnh lối chơi. Sau khi thắng đậm Huế 4-0, PVF tiếp tục thắng Nam Định 2-0 để vươn lên ngôi đầu bảng.
Đà Nẵng cũng chơi ấn tượng trong giai đoạn lượt đi. Họ không chỉ cầm hòa được PVF mà còn đánh bại SLNA 3-0, thắng Huế 3-0 để trở thành ứng cử viên sáng giá cho 1 tấm vé của bảng B. Trận đấu với PVF sẽ là dịp để đội bóng sông Hàn thể hiện sức mạnh thật sự của mình. Năm ngoái, Đà Nẵng xếp thứ 4 vòng loại nhưng họ chỉ kém đội nhì bảng PVF có 2 điểm. Trong 2 trận đối đầu, Đà Nẵng sau khi thua PVF 0-1 lượt đi đã thắng lại 2-1 ở lượt về.
Một trận đáng chú ý khác là SLNA và Nam Định. Trận lượt đi, SLNA đã chơi rất ấn tượng nên dù Nam Định rất cố gắng nhưng chỉ duy trì được tỷ số cân bằng đến cuối hiệp 1 và chấp nhận thua 0-2. Lúc này, cả hai đội đều bước vào trận đấu với tâm trạng không tốt. Nam Định vừa thua PVF nên chẳng những mất ngôi đầu bảng mà còn tụt xuống vị trí thứ 3.
Tuy nhiên, vấn đề của SLNA mới đáng nhắc. Sau khi khởi đầu ấn tượng ở 2 vòng đầu thì SLNA liên tiếp gây thất vọng ở lượt trận thứ 3 khi để thua ngược 1-2 trước Huế rồi thua đậm trước Đà Nẵng. Cả 2 trận thua này, SLNA là đội chơi chủ động nhưng hàng công phung phí các cơ hội trong khi hàng thủ mắc sai lầm. Điều đó khiến đội bóng xứ Nghệ bị thủng lưới trong những đợt phản công.
Người hâm mộ xứ Nghệ chỉ còn biết hy vọng SLNA học được cách của PVF là tận dụng việc nghỉ thi đấu ở lượt trận thứ 5 để xốc lại tinh thần, chấn chỉnh lối chơi. Dẫu sao, SLNA cũng có truyền thống chơi tốt tại giải trẻ với kỷ lục 5 lần liên tục có mặt tại vòng bán kết giải U.19 quốc gia. Các cầu thủ xứ Nghệ đủ bản lĩnh để vượt qua hiểm cảnh. Hơn nữa, Nam Định cũng là đối thủ dễ chịu với SLNA. Trước khi thua trận lượt đi, Nam Định cũng có 2 trận thua 0-1 và 0-2 trước SLNA hồi năm ngoái.
Bảng C: Kỷ lục tiếp cho HAGL
Sau lượt đi, HAGL là đội duy nhất toàn thắng tại vòng loại và họ có cơ hội để nới rộng thành tích khi gặp Kon Tum. Trận lượt đi, Kon Tum đã gây khó cho HAGL trong suốt 1 giờ thi đấu đầu tiên và phải đến phút 59 thì HAGL mới phá được thế bế tắc. HAGL chỉ có thể nắm chắc chiến thắng khi ấn định tỷ số 2-0 vào phút 88.
Tuy nhiên, đó cũng là trận hay nhất mà Kon Tum thể hiện tại giải. 4 trận sau đó, Kon Tum toàn thua cho dù chỉ phải gặp những đối thủ yếu hơn. Trận đấu gần nhất, Kon Tum thua Bình Định đến 0-5, cho thấy họ không còn tinh thần thi đấu hăng hái như khi mới bắt đầu vòng loại. Với 0 điểm sau 5 trận, không ghi được bàn nào và thủng lưới đến 14 bàn, Kon Tum đang là đội có thành tích yếu nhất trong số 28 đội dự vòng loại. Việc đội bóng có thành tích cao nhất vòng loại là HAGL và đội có thành tích yếu nhất là Kon Tum gặp nhau thì kết quả rất dễ hình dung ra trước.
Trong khi đó, trận derby duyên hải giữa Khánh Hòa và Bình Định được hứa hẹn hấp dẫn. Trận lượt đi, Khánh Hòa gây sốc khi đã thắng đậm Bình Định 5-0. Tuy nhiên, sau đó thì Khánh Hòa cũng chững lại và có 10 điểm sau lượt đi. Bình Định cũng có sự phục hồi nhất định nhờ chiến thắng 5-0 trước Kon Tum để sẵn sàng cho trận đòi nợ hàng xóm.
Trận còn lại của bảng, Lâm Đồng gặp Phú Yên trong sự kỳ vọng của cả 2. Lâm Đồng đã chơi tốt trong lượt đi và có lúc vươn lên nhì bảng. Trận lượt đi, Lâm Đồng hòa Phú Yên 2-2 đầy đáng tiếc vì họ đã dẫn 2-0 sau hiệp 1. Do vậy, Lâm Đồng có ưu thế để giành chiến thắng và cạnh tranh vị trí nhì bảng với Khánh Hòa.
Bảng D: Khó thay đổi cục diện
Cục diện bảng D sau lượt đi có vẻ dễ đoán nhất khi hai đội đầu bảng là Bình Dương và Bình Phước vượt trội về điểm số so với các đội còn lại. Cả hai đội của tỉnh Sông Bé cũ đều có 13 điểm, bỏ xa đội gần nhất là TP.HCM đến 6 điểm.
Trận lượt đi, chủ nhà Bình Phước đã làm nức lòng người hâm mộ khi thắng TP.HCM đến 4-0 với 2 bàn thắng chia đều 2 hiệp. Nhưng sau lần mưa bàn thắng đó, Bình Phước toàn thắng nhỏ giọt với cách biệt 1 bàn trước các đối thủ yếu hơn như Tây Ninh, Bình Thuận hay Đồng Nai.
Trong khi đó, TP.HCM sau khi thua liên tiếp Bình Phước và Bình Dương đã kịp hoàn hồn với 2 trận thắng đậm 3-0 liên tiếp trước Bình Thuận và Đồng Nai. Tất nhiên, rất khó để TP.HCM có thể đòi món nợ trước Bình Phước khi chủ nhà đang thể hiện sự lạnh lùng đáng sợ. Dù vậy, TP.HCM chắc chắn không thể để thua sốc như lượt đi.
Trận đáng chú ý khác, Bình Dương sẽ gặp Tây Ninh. Lượt đi, đội bóng đất Thủ thắng Tây Ninh 3-0. Sau đó, Bình Dương thể hiện sự ổn định bằng việc cùng Bình Phước song hành thống trị bảng xếp hạng. Đặc biệt, trong lượt trận gần nhất, Bình Dương đã có dịp ra oai bằng một chiến thắng đến 6-0 trước Bình Thuận để lần đầu vươn lên vị trí số 1. Với tinh thần và phong độ hiện giờ, Bình Dương không khó để có 3 điểm trước Tây Ninh.
Bảng E: Tiếp tục phân hóa
Cũng khá giống với cục diện bảng D thì bảng E là sự thống trị của An Giang và Đồng Tháp khi hai đội cùng có 8 điểm, bỏ xa đội xếp thứ 3 là Long An mới có 5 điểm.
Lượt này, An Giang có cơ hội để tạo khoảng cách với Long An khi hai đội gặp nhau. Trận lượt đi, An Giang thắng Long An 2-0 khá dễ dàng với 2 bàn thắng đầu trong hiệp 1.
Nếu An Giang không thể thắng đậm thì Đồng Tháp có cơ hội lấy lại ngôi đầu bảng. Sau 4 trận lượt đi, Đồng Tháp có cùng 8 điểm như An Giang nhưng An Giang xếp trên nhờ có hiệu số 6/1 còn Đồng Tháp là 7/3. Ngôi đầu sẽ thuộc về Đồng Tháp nếu họ thắng chủ nhà Tiền Giang.
Trận lượt đi, Tiền Giang đã không thể tạo ra bất ngờ trước đội bóng mạnh nhất bảng khi thua Đồng Tháp 1-4 cho dù Tiền Giang là chủ nhà và đã có bàn mở tỷ số ngay phút thứ 7. Cũng sau trận đó, Tiền Giang không còn tạo ra được bất ngờ nào ngoài việc cầm hòa An Giang ở lượt thứ 2.
Có thể thấy so với 5 đội là chủ nhà các bảng đấu thì Tiền Giang đang thi đấu kém thuyết phục nhất. Trong khi Viettel, PVF, HAGL, Bình Phước đều biến lợi thế của chủ nhà để dẫn đầu bảng đấu một cách thuyết phục (riêng Bình Phước nhì bảng nhưng cũng như nhất bảng) và không thua trận nào. Còn Tiền Giang thì chẳng những không ở 2 vị trí dẫn đầu mà còn chưa thắng được trận nào nên xếp cuối bảng E. Do vậy, việc thắng trận nằm trong tầm tay Đồng Tháp.
Theo thể thức, các đội thi đấu vòng tròn 2 lượt (đi - về) tại địa phương đăng cai vào các ngày 26.3, 28.3, 31.3, 2.4, 5.4, 7.4, 10.4, 12.4, 15.4 và 17.4. Kết thúc vòng loại sẽ chọn 5 đội xếp thứ nhất, 5 đội xếp thứ nhì và 1 đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất ở 5 bảng, vào VCK. Nếu đội chủ nhà VCK kết thúc thi đấu tại vòng loại với vị trí trong nhóm 11 đội có thành tích tốt nhất ở 5 bảng, thì đội xếp thứ 3 có thành tích tốt thứ nhì sẽ giành quyền tham dự VCK.
Thể thức vòng loại