Giải bóng đá trẻ U.21 Báo Thanh Niên chuẩn bị đến hẹn lại lên và một lần nữa sân chơi bóng đá trẻ lại mở ra lẫn đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến câu chuyện dang dở của một nền bóng đá đang muốn vượt ngưỡng.

Từ chuyện giải U.21 Báo Thanh Niên đến lối thoát cho bóng đá trẻ

Một Thế Giới | 20/10/2015, 10:08

Giải bóng đá trẻ U.21 Báo Thanh Niên chuẩn bị đến hẹn lại lên và một lần nữa sân chơi bóng đá trẻ lại mở ra lẫn đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến câu chuyện dang dở của một nền bóng đá đang muốn vượt ngưỡng.

Vui với bóng đá nước nhà nhưng lại thấy lo khi lâu nay gần như các CLB tự bơi và trong quá trình tự bơi đây họ đã tự tạo cho mình những tuyến trẻ gọi là để tự cứu mình.
Tự cứu mình
Trở lại với quá khứ tại những chương trình mục tiêu, FIFA và AFC đã rót tiền rất nhiều cho bóng đá Việt Nam để phát triển bóng đá trẻ nhưng bây giờ nếu hỏi các đơn vị đóng góp bóng đá trẻ cho các đội tuyển rằng họ có nhận được đồng nào từ các quỹ đầu tư đó không thì chắc chắn đơn vị nào cũng lắc đầu.
Thực chất thì chính các đơn vị tự bỏ tiền túi, tự đầu tư tuyến trẻ và tự làm theo cách riêng của mình chứ cũng không được sự hướng dẫn của những bộ phận chuyên môn và phần nào họ đã mang lại thành công lẫn tiếng vang cho bóng đá nước nhà về sức sống bóng đá trẻ.
Chính bầu Đức trong lần kể về lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HAGL – Arsenal JMG mà ông đóng góp vào 12 cầu thủ cho đội U19 VN đã nói rằng ông chẳng nhận được sự quan tâm hay đóng góp dù là về mặt tinh thần từ VFF nhưng vẫn sẵn sàng cho các cầu thủ này thi đấu trong màu áo U19 VN làm nở mặt nở mày VFF và bóng đá Việt Nam.
Qua thành công của lứa U19 Việt Nam, đúng ra thì những nhà làm bóng đá nên khuyến khích lẫn giúp đỡ các CLB nhân rộng những mô hình đào tạo trẻ, tuy nhiên đến nay thì lại thấy khuynh hướng “đóng khung” ở một học viện. Nói như những người làm chuyên môn thì thấy HA Gia Lai làm học viện tốt và bắt đầu có hướng ra thì “ôm” vào và xem đó như hệ quả của một nền bóng đá.
Thực tế thì cần có nhiều mô hình và nhiều cách đào tạo trẻ để bóng đá trẻ Việt Nam thêm đa dạng thay cho việc “bám” vào lối đi của một học viện với bước đầu cho những thành công vượt bậc.
Một học viện và nhiều học viện
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia bóng đá rất quan tâm đến công tác đào tạo trẻ nói rằng ông chưa thấy ai trong bộ máy đào tạo hoặc xây dựng chiến lược của bóng đá Việt Nam tìm hiểu vì sao Thái Lan đã hợp tác với Arsenal JMG ngay trước bầu Đức 2 năm nhưng đến năm thứ 4 thì Thái Lan bỏ ngang không tiếp tục hợp tác nữa. Nên nhớ hợp tác của Thái Lan không phải là cá nhân của một ông bầu hay một tập đoàn mà là chính phủ Thái Lan thực hiện dưới sự tư vấn của LĐBĐ Thái Lan.
Cũng chưa thấy chuyên gia nào trăn trở với việc dùng “hàng” của một học viện và bức xúc với việc chúng ta chơi tấn công rất tốt nhưng để tổ chức phòng ngự thì vẫn còn là những biện pháp dặm vá. Hoặc cũng chưa bao giờ thấy những nhà làm công tác chiến lược bức xúc với việc chỉ một học viện đào tạo theo kiểu “nuôi gà chọi” và làm sao có nhiều học viện hoàn thiện hơn hay nhiều lò đào tạo đáp ứng được mặt bằng đào tạo đa dạng hơn là chỉ biết chơi tấn công và chỉ sản sinh ra những tiền vệ, tiền đạo và xuất khẩu.
Trong đề án chiến lượcphát triển bóng đá Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030 có nói rất nhiều đến bóng đá trẻ nhưng đến nay có nhiều nơi chưa thể triển khai thì lại cứ chăm chăm “ôm” vào một lứa “gà nòi” của bầu Đức.
Có thêm một học viện và một lứa cầu thủ tốt là điều đáng mừng nhưng đừng vì thế mà bỏ dang dở hết những phần việc còn lại.
Làm bóng đá không đơn giản với suy nghĩ bỏ nhiều tiền làm một học viện rồi xem đấy là nền tảng là tài sản của cả nền bóng đá cùng giấc mơ World Cup.
Cảm ơn bầu Đức đã có lứa cầu thủ tốt nhưng nếu dựa hết vào “gà” bầu Đức và sống nhờ vào đấy xem như thành quả của một nền bóng đá thì lại rất hạn hẹp.
Hướng phát triển cho các tài năng U.21
Tại giải U.21 quốc tế năm ngoái, sau trận thắng của U.21 Việt Nam, trợ lý Trần Doãn Dũng của ban huấn luyện U.21 Việt Nam, chia sẻ: “Bóng đá trẻ Việt Nam không thua kém châu lục. Cái chính là khi tiếp cận với bóng đá tuổi trưởng thành bắt đầu từ 19, 20 tuổi các em thiếu cơ hội cọ xát và thiếu một giải vô địch chất lượng để các em tiến bộ”. HLV Doãn Dũng lấy hai ví dụ cầu thủ Đình Bảo và Sỹ Sâm đều của Nghệ An: “Các em đá hay thế ở giải U.21 nhưng về CLB không tranh nổi suất với các tiền đạo ngoại hoặc phải chơi trái vị trí sở trường nếu muốn được ra sân. Đó là lý do nhiều em giỏi ở giải trẻ nhưng về CLB thì “chột”…”.
Trong khi đó HLV Lương Trung Dân của đội U.21 Vĩnh Long năm ngoái thì chỉ ra một vấn đề đáng quan tâm: “Các em U19 Việt Nam vừa qua xuất sắc đấy. Điều quan trọng nhất là các em cần có một giải quốc gia, một sân chơi chất lượng để ở đó nhiều tài năng trẻ của các CLB thể hiện thì bóng đá mới đi lên được. Cái khó bây giờ là khi các em hòa nhập sẽ phải đối đầu với mặt tích cực lẫn tiêu cực và nếu không khéo thì hòa tan...”.
Nói về vấn đề này HLV Triệu Quang Hà, từng dẫn dắt U19 vượt qua vòng loại châu Á năm 2010 thừa nhận khi chớm đến tuổi 20, 21 các em hầu như không có cơ hội cọ xát tốt hơn nên chựng lại và thậm chí thui chột. Để các em phát triển hơn nữa bóng đá Việt Nam cần rất nhiều những ông bầu như bầu Đức để ngay trong nước các em có cơ hội cạnh tranh với những đội khác chất lượng cao thì mới đẩy bóng đá lên được.
Hy vọng bầu Đức, người đi tiên phong trong chính sách đào tạo trẻ khoa học và bài bản sẽ có nhiều đội bóng khác tiếp nối theo.
Hồng Ân
>> Uẩn khúc việc U.21 Gia Lai không gắn tên Hoàng Anh
>> Nữ sinh bị lột áo, đánh hội đồng, bắt nhảy xuống sông
>> Mỹ nhân giúp người Việt hả hê trước quân Ngô
>> Thanh niên 9x bị phạt 2,5 triệu vì lăng mạ công an trên Facebook
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ chuyện giải U.21 Báo Thanh Niên đến lối thoát cho bóng đá trẻ