Các thành viên của “Tứ giác kim cương” (QUAD) gồm Mỹ, Nhật, Ấn và Úc mới đây đã tổ chức các cuộc tập trận trên biển Philippines và Ấn Độ Dương, nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.
Theo Nikkei, Hải quân Mỹ hôm 21.7 đã xác nhận nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan, USS Nimitz, tàu tuần dương USS Antietam, tàu khu trục USS Mustin đang tiến hành diễn tập trên cả Ấn Độ Dương và biển Philippines cùng các tàu chiến của Ấn Độ, Úc và Nhật Bản.
USS Nimitz đã tiến về phía tây, băng qua vùng biển gần Singapore hôm 20.7 và tiến hành tập trận bắn đạn thật với hải quân Ấn Độ. Nhóm tàu sân bay Mỹ đã diễn tập di chuyển theo đội hình với 4 tàu chiến Ấn Độ trên Ấn Độ Dương. Hoạt động này nằm trong một loạt cuộc giao lưu hải quân giữa Mỹ và Ấn Độ nhằm xây dựng “năng lực tương tác” trên biển giữa quân đội hai nước.
Trong khi đó tại biển Philippines, nhóm tàu sân bay Ronald Reagan đã có màn phô diễn sức mạnh cùng với tàu chiến Úc và Nhật Bản. Phía Úc điều các tàu hộ vệ Stuart, Arunta cùng tàu khu trục Hobart, tàu đổ bộ trực thăng Canberra tham gia. Trong khi đó, Nhật Bản điều tàu khu trục Teruzuki tới tập trận.
Các cuộc tập trận diễn ra vài ngày sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz diễn tập với nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan trên Biển Đông. Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) cũng cho biết, trước khi tiến ra biển Philippines, tàu khu trục JS Teruzuki của lực lượng này đã diễn tập chung với nhóm tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông.
Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz cùng tàu hải quân Ấn Độ lập đội hình ở Ấn Độ Dương hôm 20.7 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Việc 4 thành viên của “Tứ giác Kim cương” đã tập trận gần như cùng lúc với nhau trên Ấn Độ - Thái Bình Dương trong những ngày qua được cho nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc về các hành động của Bắc Kinh trong khu vực.
Được biết, khái niệm "Tứ giác Kim cương" (QUAD) được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra vào cuối năm 2007 trong nhiệm kỳ đầu của ông. Ý tưởng cũng ngắn ngủi như nhiệm kỳ đầu tiên chỉ kéo dài 1 năm của ông. Tuy nhiên, đến năm 2017, "Tứ giác Kim cương" trở lại trong lần thứ 2 Abe làm thủ tướng Nhật. Thách thức đối với "bộ tứ" này đã lớn hơn rất nhiều so với năm 2007, nhưng đó cũng lý do các nước đồng ý xúc tiến nó.
Được xem là nhóm quân sự chiến lược phi chính thức và là nền tảng cho một NATO châu Á, “Tứ giác Kim cương” gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc thời gian qua không chỉ chia sẻ tầm nhìn mà còn tăng cường các bước đi mới giữa lúc Trung Quốc mở rộng hiện diện quân sự và đẩy mạnh hành động ngang ngược ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương.
Tất cả cơ chế hoạt động và vận hành của tứ giác này sẽ đặt lợi ích an ninh toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương lên trên hết, mà dẫn dắt tứ giác này không ai khác ngoài Mỹ. Mỹ đang dọn đường cho một liên minh rộng lớn hơn trong tương lai mà ở đó nước này sẽ giữ vai trò chủ đạo.
Thúc đẩy hình thành bộ tứ kim cương còn có ý nghĩa đặc biệt trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ. Trong đó có thể nhận ra Nhật Bản sẽ là nhánh hạn chế Trung Quốc từ phía Đông, Ấn Độ là nhánh ở phía Tây, Úc là phía Nam.
Giới phân tích hiện đang trông chờ một cuộc tập trận 4 bên Malabar gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc vào cuối năm nay. Theo các nguồn thạo tin, Ấn Độ có thể sẽ mời Úc tham gia tập trận hải quân cùng hai nước đã liên tục góp mặt là Mỹ và Nhật Bản. Trước đó Úc, từng tham gia cuộc tập trận này vào năm 2007 như một thành viên không chính thức. Tuy nhiên, vào năm 2018, Ấn Độ đã tạm loại tên Canberra ra khỏi cuộc tập trận nhằm tránh những suy đoán rằng họ đang lập một nhóm quân sự để đối đầu với Trung Quốc.
Căng thẳng leo thang giữa Trung - Ấn ở biên giới trong những tuần gần đây được xem đang tác động tới sự cân nhắc của chính quyền New Delhi. Ngoài Ấn Độ, 3 thành viên còn lại của “Tứ giác kim cương” cũng đều đang có căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc.
"Việc Ấn Độ xuất hiện để mời Úc tham dự cuộc tập trận hải quân Malabar năm nay, sẽ thể hiện quyết tâm thống nhất để đối phó và cạnh tranh với Trung Quốc trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương và trên thế giới", Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao từ tổ chức Rand tại California (Mỹ), nhận định.
Theo chuyên gia quân sự Sameer Lalwani tại Washington Mỹ, cả 4 thành viên cùng thực hiện tập trận với nhau sẽ mang lại sự lạc quan mới cho hoạt động quân sự của “Tứ giác kim cương”.
Còn cựu giám đốc tình báo hải quân Ấn Độ, đô đốc nghỉ hưu Sudarshan Shrikhande cho biết quan hệ đối tác của “Tứ giác kim cương” có thể có khả năng mở rộng với sự tham gia của nhiều nước trong khu vực.
"Có thể là chúng ta đang nhìn thấy nhiều dấu hiệu hơn, không chỉ trong bộ tứ, mà ở các nước ở Ấn Độ - Thái Bình Dương khi mà Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động gia tăng ảnh hưởng. Tứ giác kim cương có thể cùng một số thành viên ASEAN hợp tác để đối phó các tham vọng và uốn cong cơ bắp của Trung Quốc”, ông Shrikhande nói.
Hoàng Vũ (theo Nikkei)