Nỗ lực của Mỹ để xây dựng một liên minh chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc đang ngày càng có được nhiều sự ủng hộ khi nhiều quốc nhận thức được rằng an ninh và chủ quyền sẽ “lâm nguy” nếu không kiềm tỏa ảnh hưởng của Bắc Kinh.
“Mỹ đang làm rất nhiều việc để minh chứng cho thế giới thấy mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho họ và từ đó có thể xoay chuyển được tình thế”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong một buổi đối thoại kinh tế với các doanh nhân tại New York hồi tuần trước.
Ông Pompeo còn thúc giục các đồng minh nên thực hiện các cuộc điều tra của riêng mình để hiểu rõ hơn về mối đe dọa đến từ Trung Quốc, thay vì hành động theo lời “Mỹ đã bảo họ” phải làm như vậy.
Chính phủ Anh gần đây đã cấm Huawei tham gia cung cấp thiết bị vật tư trong kế hoạch xây dựng hệ thống mạng 5G, đồng thời yêu cầu loại bỏ tất cả các thiết bị của công ty Trung Quốc hiện vẫn còn tại cơ sở hạ tầng viễn thông của Anh trong vòng 7 năm.
“Anh đưa ra quyết định này bởi vì họ đã tiến hành phân tích kỹ lưỡng dựa trên một loạt thông tin vốn đã được thu thập và chia sẻ thông qua liên minh tình bào Ngũ nhãn (Five Eyes: gồm Mỹ, Úc, Anh, New Zealand, Canada) với lập luận rằng, không nên để thông tin cá nhân của người Anh truyền qua các mạng lưới không đáng tin cậy và có thể bị Trung Quốc can thiệp và chi phối”, Ngoại trưởng Pompeo cho biết.
Mặt khác, Liên minh châu Âu (EU) gần đây cũng đã nhận ra sự không công bằng trong giao thương với Trung Quốc. Dó đó, khối này gần đây đã tìm cách giải quyết sự bất bình đẳng trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, theo Sách trắng được Ủy ban EU thông qua hồi tháng 6, và đã tìm kiếm một cuộc đối thoại với Mỹ để tham gia các nỗ lực chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, Ấn Độ đã ra lệnh cho các công ty viễn thông và nhà cung cấp internet của họ chặn hơn 50 ứng dụng của Trung Quốc, sau khi nhận ra mối đe dọa bảo mật do các ứng dụng này gây ra cho người dân Ấn Độ.
“Ngoài ra, các doanh nhân Mỹ cần đánh giá rủi ro khi điều hành các doanh nghiệp của họ ở Hồng Kông hoặc dựa vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, vốn có thể đã bị ảnh hưởng bởi những vi phạm nhân quyền”, ông Pompeo cho hay.
Người đứng đậu Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ chính quyền Washington đang đẩy mạnh hợp tác với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Israel và Brazil về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
“Dù các quốc gia này có văn hóa và truyền thống khác nhau, nhưng họ có chung mục tiêu bảo vệ người dân của mình và mang lại cho họ sự thịnh vượng. Những nền kinh tế tương đối lớn này muốn Trung Quốc tuân theo các quy tắc và các hành xử tương ứng trên trường quốc tế như các quốc gia khác”, ông Pompeo nói thêm.
Thất bại của Chính sách “Đối thoại bằng mọi giá” với Trung Quốc
Chính sách “Cam kết ngoại giao và đối thoại bằng mọi giá” với Trung Quốc do cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger khởi xướng vào những năm 1970 đã không đạt được mục tiêu của mình, Ngoại trưởng Pompeo nói và mô tả các hành động của Trung Quốc là hành vi “xâm lược đơn phương”, viện dẫn những chiêu trò đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc, phá vỡ lời hứa sẽ không triển khai quân sự tại Biển Đông và gây ảnh hưởng xấu lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Những người lao động thuộc tầng lớp trung lưu của Mỹ đã mất công ăn việc làm, bởi vì những công việc tốt được thực hiện bởi các doanh nghiệp Mỹ để tạo ra giá trị thực sự đã bị tàn phá bởi hành vi trộm cắp của Trung Quốc”, ông Pompeo khẳng định.
Trong khi đó, WHO bị nhiều nước cáo buộc là công cụ tuyên truyền thường xuyên của Trung Quốc trong các cuộc họp và báo cáo, mặc dù có bằng chứng cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã thao túng thông tin để che giấu sự thật liên quan đến sự bùng phát COVID-19 - xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tình Hồ Bắc, Trung Quốc. Mỹ sau đó đã chấm dứt hợp tác với và không còn là thành viên của WHO.
Đáng chú ý, Mỹ chính thức bác bỏ gần như hầu hết các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại Biển Đông vào ngày 13.7.
“Tất cả các quốc gia có tuyên bố hàng hải hợp pháp và được công nhận theo luật pháp quốc tế sẽ được Mỹ ủng hộ”, ông Pompeo tuyên bố và cho biết Mỹ thực hiện hành động này để hỗ trợ Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Ngoại trưởng Mỹ nói: “Mục tiêu chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc dựa trên sự công bằng, lợi ích song phương và an ninh đối với người dân. Mỹ muốn Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp”.
“Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra một loạt các quyết định đơn phương hung hăng và không sẵn sàng để đáp ứng những kỳ vọng này của Mỹ, ông Pompeo nhận định.
Châu Âu liệu có thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Quốc?
Trong một bình luận do The Telegraph của Anh công bố hôm 15.7, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cảnh báo hệ thống mạng 5G của châu Âu không nên sử dụng các nhà cung cấp không an toàn,
“Để công nghệ 5G có thể phục vụ chúng ta thật tốt, việc thực hiện nó phải dựa trên sự tin tưởng và kiểm soát dân chủ. Chúng ta không thể chấp nhận để hệ thống mạng 5G của chúng ta rơi vào tay tội phạm mạng, dù có được nhà nước nào bảo trợ hay không”, ông Morawiecki nói.
Nhà lãnh đạo Ba Lan cũng nhấn mạnh, châu Âu nên rút ra một bài học từ suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, và ngăn chặn “sự tái diễn của nền kinh tế phụ thuộc vào các đối tác không đáng tin cậy”.
“Đại dịch đã khiến chúng ta đau đớn nhận ra tầm quan trọng của việc có được dây chuyền sản xuất an toàn của riêng mình đối với dược phẩm, thiết bị y tế và phòng thí nghiệm. Điều tương tự cũng xảy ra với các quyết định về mạng 5G. Đánh giá thấp nhu cầu bảo mật công nghệ quan trọng sẽ là một sai lầm mà người châu Âu có thể phải trả một cái giá đắt”, ông Morawiecki cho biết, đồng thời ám chỉ tập đoàn viễn thông Huawei với cáo buộc bị chi phối bởi chính quyền Bắc Kinh.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia thành viên EU cơ bản có cùng quan điểm rằng sự kết nối với Trung Quốc là cần thiết nhưng nên được thực hiện với sự thận trọng hơn, trên cơ sở rằng Trung Quốc là đối thủ mang tính hệ thống.
Tuy nhiên, những cáo buộc nhằm vào Bắc Kinh về sự che đậy đại dịch COVID-19 thời gian đầu, phát tán thông tin sai lệch và chính sách ngoại giao khẩu trang gây tranh cãi, đã “kích hoạt” một cuộc tranh luận toàn cầu đầy khó khăn về việc liệu các nước phương Tây có nên suy nghĩ lại về quan hệ với Trung Quốc hay không.
Vấn đề này thực sự đã gây “nhức nhối” với Liên minh châu Âu (EU) sau vài năm châu lục này đẩy mạnh hợp tác và kết nối với Bắc Kinh, mà mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy đầu tư hai chiều và tiếp cận các thị trường rộng lớn của nhau.
Hành động của Trung Quốc trong thời điểm khủng hoảng đã gây lo ngại tại châu Âu, với các âm mưu được cho là đẩy các quốc gia đối đầu nhau và làm suy yếu các nền dân chủ. Và khi điều đó trở nên rõ ràng hơn trong các cuộc tranh luận chính trị quốc gia, châu Âu có thể hiểu hơn về Trung Quốc.
Nếu châu Âu tạm dừng các cuộc đàm phán hiện thời với Trung Quốc để đánh giá lại những gì đã xảy ra và những ưu tiên của châu lục này hậu COVID-19, đó có thể là điều khôn ngoan, dù hứng chịu tổn thất về kinh tế. Điều đó cũng sẽ được hoan nghênh và ủng hộ tại Washington.
Hoàng Vũ (tổng hợp)