Một thập kỷ trước, Microsoft là một công ty đang suy sụp.
Steve Ballmer, người được chỉ định kế nhiệm Bill Gates vào năm 2000, đã ra đi sau một nhiệm kỳ làm giám đốc điều hành thất bại, trong đó Microsoft rơi xuống mặt đất, còn các đối thủ như Apple và Google trỗi dậy.
Với hãng công nghệ từng giữ vị trí là công ty có giá trị nhất thế giới, đó là một khoảng thời gian đầy khó khăn không chỉ vì những trò hề kỳ quái mà nhân viên buộc phải chịu đựng từ người lãnh đạo sắp ra đi.
Microsoft trở thành một công ty có sức hấp dẫn phụ thuộc rất nhiều vào lịch sử lâu đời của mình nhưng điều này giảm sút nhanh chóng vào thời điểm đó. Đó là một quá khứ đau buồn mà Microsoft đã vượt qua. 2023 là năm mà công ty hoàn thành quá trình thăng hoa của mình.
Satya Nadella tái thiết Microsoft thành công
Kể từ khi thay thế Steve Ballmer làm Giám đốc điều hành Microsoft vào năm 2014, Satya Nadella đã cẩn thận tái thiết công ty để tung ra hàng loạt đòn hạ gục đối thủ trong năm nay.
Đầu tiên, Microsoft được cho là nhà môi giới quyền lực có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Vào tháng 1, Microsoft công bố đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI, nhà phát triển ChatGPT. Điều này trao cho Microsoft cổ phần trong OpenAI - công ty khởi nghiệp đã khơi dậy niềm phấn khích mới về AI vào năm 2023.
Sự đặt cược đó dường như đã được đền đáp trên nhiều mặt.
OpenAI đã trở thành một nguồn thu lớn, tạo ra doanh thu ở mức khoảng 1,3 tỉ USD/năm, theo Giám đốc điều hành Sam Altman báo cáo cho nhân viên, trang The Information đưa tin.
Để có cái nhìn rõ hơn, doanh thu của OpenAI chỉ mới là 28 triệu USD vào năm ngoái, khiến việc giới thiệu phiên bản trả phí cho chatbot AI dựa trên nền tảng đám mây của Microsoft trở thành động thái sinh lợi mang tính quyết định.
Việc chuyển trọng tâm sang AI cũng giúp Microsoft cải tiến bộ sản phẩm của riêng mình.
Tháng trước, công ty đã giới thiệu Copilot, tầm nhìn mới về các công cụ được mô tả là “người bạn đồng hành AI hàng ngày” với người dùng Microsoft trên nhiều thiết bị. Satya Nadella mô tả nó như một "trải nghiệm thống nhất duy nhất xoay quanh bạn".
Công ty cũng chứng tỏ được sự khéo léo trong việc thực hiện các giao dịch.
Hôm 13.10, Microsoft đã nhận được sự chấp thuận từ cơ quan quản lý chống độc quyền của Vương quốc Anh để mua lại công ty game Activision Blizzard (nhà sản xuất game Call of Duty) với giá 68,7 tỉ USD. Điều đó tạo cho hãng con đường rõ ràng để hoàn tất thương vụ lớn nhất trong lịch sử của mình.
Dù Microsoft phải đối mặt với một chặng đường khó khăn để hoàn tất thương vụ, buộc phải đưa ra những nhượng bộ làm giảm giá trị của thỏa thuận. Thế nhưng, hãng này vẫn có thể điều chỉnh lại thỏa thuận theo cách khiến tất cả các bên hài lòng.
Activision Blizzard (Mỹ) vào tháng 8 đã đồng ý bán quyền phát trực tuyến của mình cho Ubisoft Entertainment (Pháp), còn Microsoft vào tháng trước đã đưa ra các biện pháp khắc phục để đảm bảo các điều khoản mua bán được cơ quan quản lý thông qua, xoa dịu một số lo ngại còn sót lại.
Theo thỏa thuận được điều chỉnh, Microsoft sẽ không thể độc quyền phát hành các game của Activision Blizzard như Overwatch và Diablo trên dịch vụ phát trực tiếp nền tảng đám mây Xbox Cloud Gaming của mình, hay độc quyền kiểm soát các điều khoản cấp phép cho các dịch vụ cạnh tranh.
Thay vào đó, Ubisoft Entertainment sẽ giành được quyền phát trực tiếp trên nền tảng đám mây các game trên máy tính cá nhân và máy chơi game của Activision Blizzard cùng bất kỳ game mới nào do công ty này sản xuất trong 15 năm tới.
Quy định trên sẽ được áp dụng trên toàn cầu trừ châu Âu, nơi đã chấp thuận thỏa thuận ban đầu.
Ở châu Âu, Ubisoft Entertainment sẽ nhận được giấy phép không độc quyền để phát hành các game của Activision Blizzard.
Microsoft sẽ cần giấy phép từ Ubisoft Entertainment để phát trực tiếp game của Activision Blizzard, trên nền tảng riêng Xbox ngoài Khu vực kinh tế châu Âu.
Cơ quan quản lý chống độc quyền Anh (CMA) cho biết: “Thỏa thuận mới sẽ ngăn Microsoft hạn chế các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực game trên nền tảng đám mây khi thị trường này phát triển, duy trì mức giá và dịch vụ cạnh tranh cho khách hàng chơi game trên nền tảng đám mây ở Vương quốc Anh”.
Hồi tháng 4, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) gửi đơn kiện nhằm ngăn kế hoạch mua Activision Blizzard của Microsoft với lý do công ty phần mềm Mỹ có thể tạo vị thế độc quyền, gây tác động xấu lên thị trường. Tòa án Mỹ đã từ chối yêu cầu của FTC về việc dừng thương vụ sáp nhập lịch sử này.
Giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft ở mức gần 2.500 tỉ USD nhưng hãng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo Sky News và các hãng tin khác, Sở Thuế vụ Mỹ cho biết Microsoft nợ Bộ Ngân khố Mỹ 28,9 tỷ USD tiền thuế truy thu, cộng với các khoản phạt và tiền lãi.
Trong bài viết trên blog đề cập đến vấn đề này, Microsoft cho biết đã thay đổi cơ cấu và hoạt động công ty kể từ những năm bị Sở Thuế vụ Mỹ kiểm toán. Do đó, công ty tin rằng vụ việc không còn phù hợp với thực tiễn hiện tại và có kế hoạch kháng cáo kết quả kiểm toán.
Khi nói đến những thách thức liên quan đến AI, Satya Nadella cho biết trong lời khai của mình ở vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ chống lại Google rằng, ngay cả AI cũng không đủ để giúp công cụ tìm kiếm Bing cạnh tranh đáng kể với Google Search.
Microsoft cũng gặp rủi ro khi đưa mọi thứ vào AI vì sự cường điệu đằng sau công nghệ này có khả năng bị trục trặc nếu người dùng bắt đầu coi các công cụ như ChatGPT là thứ gì đó cần thận trọng khi sử dụng. Điều này đặc biệt đáng chú ý, do thói quen tạo ra thông tin không chính xác và bịa đặt của chatbot AI.
Chatbot Bard của Google và Bing Chat của Microsoft gần đây bị phát hiện cung cấp thông tin không chính xác về cuộc xung đột Israel - Hamas đang diễn ra. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, hai chatbot này đã tuyên bố sai sự thật về sự tồn tại của thỏa thuận ngừng bắn ở Israel.
Bard và Bing Chat được thiết kế để cung cấp cho người dùng thông tin nhanh chóng và chính xác về nhiều chủ đề khác nhau. Song trong trường hợp này, câu trả lời của chúng đã không phản ánh đúng tình hình thực tế.
Google và Microsoft từng đăng các tuyên bố từ chối trách nhiệm rõ ràng về chatbot AI của họ, cảnh báo rằng chúng chỉ mang tính thử nghiệm và có thể trả lời không chính xác.
Đây là những những vấn đề phức tạp không thể coi thường. Song nhìn chung, 2023 là một năm đáng chú ý cho Microsoft.