Có lẽ không ít người sẽ phải ngậm ngùi nếu biết rằng, con số 11.500 tỉ đồng tiền đền bù của Formosa mà hàng triệu hộ gia đình đang phải trông chờ kia, thực ra vẫn chưa bằng số tiền thuế mà một vài công ty FDI phải đóng cho ngân sách nhưng do ưu đãi nên được miễn gần hết.

Ưu đãi thuế để thu hút đầu tư và cái kết đắng

Nhàn Đàm | 07/09/2016, 11:40

Có lẽ không ít người sẽ phải ngậm ngùi nếu biết rằng, con số 11.500 tỉ đồng tiền đền bù của Formosa mà hàng triệu hộ gia đình đang phải trông chờ kia, thực ra vẫn chưa bằng số tiền thuế mà một vài công ty FDI phải đóng cho ngân sách nhưng do ưu đãi nên được miễn gần hết.

Câu chuyện giải ngân tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại trong các lĩnh vực kinh tế đang là câu chuyện được quan tâm nhất trong những ngày này, từ việc vì sao quỹ hỗ trợ khẩn cấp trị giá 2.000 tỉ đồng cho nông dân bị hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã 2-3 tháng qua vẫn chưa được triển khai, cho đến việc bao giờ thì người dân bốn tỉnh miền Trung nhận được tiền bồi thường từ Formosa dù tập đoàn này đã nhận lỗi và chấp nhận bồi thường từ tận… tháng 6.

Hàng triệu hộ ngư dân tại bốn tỉnh miền Trung đang trông chờ vào số tiền đền bù trị giá 11.500 tỉ đồng từ Formosa để ổn định cuộc sống,dù cũng chưa biết là họ có được nhận toàn bộ số tiền đó hay không, cũng như không ai dám khẳng định nó có đủ để giúp quay trở lại cuộc sống ổn định như trước hay không. Nhưng có lẽ không ít người sẽ phải ngậm ngùi nếu biết rằng, con số 11.500 tỉ đồng của Formosa mà bao nhiêu gia đình đang trông chờkia, thực ra vẫn chưa bằng số tiền thuế mà một công ty FDI phải đóng cho ngân sách nhưng do ưu đãi nên được miễn gần hết. Đó là một trong những cái giá rất đắt mà Việt Nam đang phải chấp nhận do chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư FDI của mình.

Nếu so sánh về giá trị thì con số 11.500 tỉ đồng đền bù trêncòn không bằng số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp mà hai công ty con của tập đoàn Samsung ở Việt Nam phải đóng cho ngân sách mỗi năm. Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2015, trong số 5 công ty con của tập đoàn Samsung tại Việt Nam, thì doanh thu của 2 công ty SEV (Samsung Electronics Vietnam) và SEVT (Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên) đạt tổng cộng 33,4 tỉ USD. Lợi nhuận sau thuế của 2 công ty này đạt khoảng 3,1 tỉ USD, và với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là 22%, thì khoản thuế mà 2 công ty này phải đóng là khoảng 13.000 tỉ đồng (tương đương 600 triệu USD),theo CafeF.

Tuy nhiên, do những ưu đãi khổng lồ về thuế, nên số thực nộp của 2 công ty này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số 13.000 tỉ đồng kể trên. Cụ thể, theo số liệu từ cơ quan thuếthì mức nộp thuế trong năm 2015 của SEV chỉ là 1.684 tỉ đồng, còn của SEVT là 950 tỉ đồng, tổng cộng là trên 2.600 tỉ đồng.

Nói cách khác, 2 công ty con này của Samsung đã được miễn giảm thuế tổng cộng lên tới gần 10.400 tỉ đồng chỉ trong năm 2015. Và đó vẫn chưa phải là điều đáng nói nhất trong câu chuyện này. Trong năm 2015, các công ty con của Samsung đã nộp tổng cộng khoảng 5 tỉ USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn cầu, trong khi đó số thuế mà các công ty này đóng ở Việt Nam lại quá nhỏ so với việc Việt Nam là quốc gia đem lại 20% lợi nhuận cho tập đoàn này. Chỉ số tiền miễn giảm thuế cho 2 công ty FDI trong 1 năm đã gần ngang ngửa với số tiền đền bù cho đại thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, phải chăng chúng ta đã quá dễ dãi cả về môi trường thiên nhiên lẫn môi trường ưu đãi thuế?

Điều đáng nói không kém là trường hợp miễn thuế với 2 công ty con của Samsung kể trên không phải là những ngoại lệ duy nhấttrong nền kinh tế Việt Nam. Hầu như bất cứ dự án FDI nào ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây đều nhận được những ưu đãi tương tự, cả về thuế lẫn sử dụng đất đai. Có không ít lãnh đạo cả trung ương lẫn địa phương đã tuyên bố thẳng thừng là phải có ưu đãi thuế thì mới có thể thu hút và mời gọi các doanh nghiệp FDI đến đầu tư.

Nói cách khác, thay vì chọn giải pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, xây dựng pháp luật minh bạch… vốn là những điều kiện khung cơ bản cần thiết để thu hút các nhà đầu tư theo cách mà các nền kinh tế phát triển vẫn làm, Việt Nam lại chọn giải pháp đơn giản và tiện lợi nhất là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế đất đai, giống hệt như cái cách mà các quốc gia kém phát triển ở châu Phi đang làm.

Và việc thất thoát các khoản thu thuế có giá trị khổng lồ hiện nay là cái giá đắt mà Việt Nam phải hứng chịu. Thật xót xa khi một đại thảm họa môi trường như những gì đã diễn ra tại bốn tỉnh miền Trung lại chỉ được đền bù một khoản tiền bằng với số tiền thuế thu nhập mà chúng ta đã giảm cho 2 công ty FDI vì chạy theo thu hút đầu tư bằng mọi giá một cách mù quáng. Chúng ta đã không chỉ tự định giá môi trường của mình quá rẻ, mà còn tự định giá trị của chính bản thân mình một cách rẻ không kém khi thiếu tự tin về sức hấp dẫn đầu tư của bản thân đến nỗi giảm gần hết thuế để thu hút doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài cái giá về thất thu thuế khổng lồ, thì việc sử dụng ưu đãi thuế để thu hút đầu tư còn dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng khác. Ưu đãi về thuế thường đi kèm với những lơi lỏng về tác động môi trường, mà sự cố liên quan đến Formosa là một ví dụ điển hình. Khi chính quyền một địa phương tự ti về sức hấp dẫn môi trường đầu tư của mình đến mức sẵn sàng giảm gần hết số thuế thu nhập doanh nghiệp cho một dự án, thì nó thường đi liền với việc nới lỏng các quy định về môi trường để đạt được mục tiêu là dự án sẽ được thông qua bằng mọi giá.Thậm chí, không ít địa phương và cơ quan chức năng còn sử dụng tiền thuế của người dân để trợ giá cho các doanh nghiệp FDI có dính líu đến môi trường, mà những vấn đề xung quanh việc hoàn thuế gần 13.000 tỉ đồng cho Formosa vừa qua là một ví dụ,theo The Saigon Times.

Ngoài ra, sự dễ dãi đến mức kỳ lạ trong việc ưu đãi thuế và các quy định về môi trường trong phê duyệt các dự án FDI, còn dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng khác. Các điều kiện bắt buộc về chuyển giao công nghệ hay những quy định về sử dụng linh kiện thiết bị sản xuất trong nước (vốn là điều kiện cần thiết để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nội địa) cũng đã bị bỏ qua theo cách rất có lợi cho các doanh nghiệp FDI.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ có khoảng 5-7% các dự án FDI thuộc diện đã chuyển giao công nghệ cho các đối tác trong nước (phần lớn là các công nghệ cũ). Ngoài ra, theo thống kê của cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) thì tỷ lệ linh kiện thiết bị sản xuất trong nước bởi các doanh nghiệp nội địa được các công ty Nhật sử dụng tại Việt Nam chỉ đạt khoảng hơn 13% mà thôi. Đó là những con số biểu hiện cho sự thất bại của chính sách thu hút FDI bằng mọi giá dựa trên ưu đãi về thuế nhưng lại dễ dãi về các điều kiện khác của Việt Nam trong những năm vừa qua.

Điều đáng nói không kém trong câu chuyện này, là số phận hẩm hiu của các doanh nghiệp trong nước. Họ ít khi được hưởng những ưu đãi về thuế lớn như vậy dù mức đóng góp về ngân sách, về tạo công ăn việc làm thậm chí còn lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI.Chẳng hạn như tập đoàn Viettel, trong năm 2015 tập đoàn này đạt doanh thu 45.000 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD) và mức thuế phải đóng là 10.600 tỉ đồng (theo CafeF); trong khi đó 2 công ty con của Samsung có doanh thu 3,1 tỉ USD lại chỉ phải đóng có 2.600 tỉ đồng. Ưu đãi lớn đến mức gần như bất công với các doanh nghiệp trong nước như vậy, sẽ là một tín hiệu rất xấu đối với phong trào khởi nghiệp mà chính phủ đang cố gắng phát động.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu đãi thuế để thu hút đầu tư và cái kết đắng