Trong bối cảnh ngành sản xuất thép trên thế giới đang dư thừa và giá cả giảm chóng mặt, Việt Nam vẫn quyết tâm đầu tư vào một dự án thép có quy mô khổng lồ khác bên cạnh Formosa, và một trong những lý do chủ yếu được đưa ra lại liên quan đến một lý giải rất quen thuộc: yếu tố an ninh. Sau an ninh lương thực, an ninh dầu khí, giờ đây Việt Nam đang hướng tới “an ninh thép”?

Việt Nam liệu có cần 'an ninh thép'?

Nhàn Đàm | 07/09/2016, 10:23

Trong bối cảnh ngành sản xuất thép trên thế giới đang dư thừa và giá cả giảm chóng mặt, Việt Nam vẫn quyết tâm đầu tư vào một dự án thép có quy mô khổng lồ khác bên cạnh Formosa, và một trong những lý do chủ yếu được đưa ra lại liên quan đến một lý giải rất quen thuộc: yếu tố an ninh. Sau an ninh lương thực, an ninh dầu khí, giờ đây Việt Nam đang hướng tới “an ninh thép”?

Nhiều người dự đoán rằng năm 2016 sẽ là một năm đột phá của nền kinh tế Việt Nam, và quả thực là đúng như vậy. 2016 là một năm mà hàng loạt các dự án tỉ USD trong nền kinh tế đều gây tiếng vang, không theo cách này thì theo cách khác. Lần lượt từ dự án tỉ USD của Samsung với mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khủng, cho tới dự án Lọc hóadầu Nghi Sơn tỉ USD mà nhiều khả năng mức bù chi phí của Việt Nam cũng sẽ lên mức tỉ USD, hay đại thảm họa về môi trường tại bốn tỉnh miền Trung liên quan đến dự án gần 10 tỉ USD của Formosa tại Hà Tĩnh.

Và giờ đây, góp thêm vào bộ sưu tập dự án tỉ USD trong năm 2016 đang là một cái tên mới toanh: dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná tại Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen trị giá hơn 10 tỉ USD. Trong bối cảnh ngành sản xuất thép trên thế giới đang dư thừa và giá cả giảm chóng mặt, Việt Nam vẫn quyết tâm đầu tư vào một dự án thép có quy mô khổng lồ khác bên cạnh Formosa, và một trong những lý do chủ yếu được đưa ra lại liên quan đến một lý giải rất quen thuộc: yếu tố an ninh. Sau an ninh lương thực, an ninh dầu khí, giờ đây Việt Nam đang hướng tới “an ninh thép”?

Có rất nhiều điều để nói xung quanh dự án luyện cán thép khổng lồ trị giá hơn 10 tỉ USD của Tập đoàn Hoa Sen. Tạm thời gác sang một bên vấn đề về môi trường khi mà một đại dự án thép khổng lồ khác là Formosa đã gây ra thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và rất có khả năng dự án thép Cà Ná cũng sẽ có nguy cơ tương tự, thì bản thân yếu tố hiệu quả kinh tế của dự án này cũng đang gặp phải nhiều vấn đề tương tự nhưdự án của Formosa từ giai đoạn phê duyệt. Việt Nam đã bỏ ngoài tai những cảnh báo về hiệu quả kinh tế của dự án thép Formosa và giờ đây đang phải trả một cái giá khá đắt khiến không ít người phải hối tiếc, và ở thời điểm hiện tại có vẻ như chúng ta sẽ tiếp tục lặp lại những sai lầm đã phạm phải trước đó.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất được đặt ra khi xem xét phê duyệt dự án thép gần 10 tỉ USD của Formosa là, liệu Việt Nam có nên theo đuổi việc đầu tư vào ngành thép hay không, khi mà trên thế giới ngành thép đang dư thừa công suất một cách nghiêm trọng và giá thành các sản phẩm thép đang rất rẻ. Không ít các quốc gia châu Âu đã quy hoạch giảm quy mô hoạt động ngành sản xuất thép của mình và chọn cách nhập khẩu từ Trung Quốc vì nước này có những lợi thế cực lớn về sản xuất thép như giá thành rẻ và chất lượng tốt. Nói cách khác, đầu tư vào ngành thép ở thời điểm hiện tại là không hiệu quả, khi nhập khẩu có lợi hơn và có thể chuyển bớt nhân công và vốn đầu tư sang các lĩnh vực khác quan trọng hơn. Khi thế giới đã bước vào giai đoạn toàn cầu hóa và phân công sản xuất, thì việc tiếp tục theo đuổi đầu tư vào những lĩnh vực không có lợi thế lớn là một cách làm không hiệu quả.

Hiện tại, với giá thép khoảng 300 USD/tấn thì ngay cả các công ty sản xuất thép lớn trên thế giới cũng chỉ lãi bằng 1,2%/doanh thu mà thôi,theo The Saigon Times. Việt Nam vốn là láng giềng của quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, thì lại càng không nên theo đuổi việc sản xuất thép làm gì, khi mà giá cả sản phẩm thép sản xuất ra không cạnh tranh nổi với thép nhập khẩu từ Trung Quốc vốn lại càng rẻ do giá vận chuyển giảm vì khoảng cách ngắn. Thậm chí Nhà nước sẽ có thể rơi vào tình trạng phải bù lỗ cho thép được sản xuất trong nước do chênh lệch giá cả với thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, dự án thép Formosa vẫn được chấp thuận, với lý do chủ yếu là để đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu thép trong nước. Nói cách khác là một dạng lý do để đảm bảo “an ninh thép”. Và giờ đây lý do này cũng đang được lặp lại với dự án thép Cà Ná có quy mô hơn 10 tỉ USD của Tập đoàn Hoa Sen. Theo tính toán của Bộ Công thương – đơn vị đã tiến hành bổ sung dự án vào quy hoạch – thì với mức tăng trưởng bình quân 6%/năm, dự báo đến năm 2020 nhu cầu thép cả nước sẽ ở mức 27 triệu tấn/năm và sẽ vượt mức 35 triệu tấn/năm vào năm 2030. Trong khi đó, ngay cả khi Formosa đi vào hoạt động trong giai đoạn I thì cũng sẽ chỉ cung cấp được 7,5 triệu tấn, nếu tính tổng lượng thép được sản xuất tại các cơ sở trong nước thì đến năm 2020 vẫn thiếu hụt 15 triệu tấn, và đến năm 2025 sẽ thiếu hụt khoảng hơn 22 triệu tấn (theo CafeF). Vì vậy, theo Bộ Công thương thì dự án thép của Hoa Sen nếu đi vào hoạt động sẽ cung cấp thêm một phần lớn lượng thép đang thiếu và giúp giảm nhập siêu, tạo nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo.

Lý do được Bộ Công thương đưa ra để giải thích cho sự cần thiết của dự án thép Cà Ná, về cơ bản cũng tương tự như lý do mà các bộ ngành đã đưa ra để lý giải sự cần thiết của dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đó là để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam theo nghĩa có thể tự túc nguồn cung dầu khí thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Nói cách khác, lý do về sự cần thiết của dự án thép Cà Ná cũng là để đảm bảo an ninh thép cho Việt Nam theo nghĩa tự túc nguồn cung, tránh nhập khẩu từ nước ngoài. Như nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, lập luận này là không phù hợp và đi ngược lại với xu thế chung của thế giới. Việc cố gắng đảm bảo tự túc cung ứng các nguồn nguyên liệu và nhiên liệu cho phát triển kinh tế là động thái đi ngược lại với xu thế toàn cầu hóa, nơi sự phân công sản xuất đã ở một mức rất cao; kể cả các nền kinh tế phát triển nhất thế giới như Mỹ, Nhật, châu Âu cũng không tìm cách đảm bảo tự túc cung ứng nguyên liệu và nhiên liệu cần thiết.

Trường hợp câu chuyện nhà máy thép Nghi Sơn là một bài học cay đắng và điển hình cho tư duy tự túc của Việt Nam. Với lý do đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đã chấp nhận những điều khoản bất lợi khủng khiếp với mức bù giá lên tới 2-3 tỉ USD cho dự án này khi đi vào hoạt động, do các hiệp định thương mại mà chúng ta ký kết với Hàn Quốc hay ASEAN đang cho phép dầu giá rẻ tràn vào Việt Nam với quy mô khổng lồ. Nó đang nói lên một nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam hiện nay: một mặt chúng ta mở cửa tối đa nền kinh tế thông qua các hiệp định thương mại, mặt khác chúng ta lại cố gắng tự túc cung ứng nguyên nhiên liệu cần thiết trong khi các hiệp định đã ký kết lại có xu hướng đi ngược lại với điều này, thông qua việc tăng cường cung ứng nguyên nhiên liệu giá rẻ.

Việc theo đuổi đảm bảo tự túc cung ứng nguyên nhiên vật liệu kiểu như “an ninh lương thực”, “an ninh năng lượng” hay giờ đây là “an ninh thép” sẽ chỉ khiến Việt Nam ngày càng lạc lõng với thế giới. Bài học xương máu với dự án Lọc hóadầu Nghi Sơn vẫn còn âm ỉ thì Việt Nam lại có thể mắc thêm một sai lầm tương tự với dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen hiện nay. Với tình trạng giá thép thế giới rẻ mạt như hiện nay, có gì đảm bảo chính phủ sẽ lại không phải trợ giá cho dự án thép của Hoa Sen như những gì đã diễn ra với dự án Lọc hóadầu Nghi Sơn? Và đến bao giờ chúng ta mới thôi bị ám ảnh bởi những thứ an ninh theo kiểu tự túc chỉ mang lại những gánh nặng khổng lồ cho nền kinh tế?

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam liệu có cần 'an ninh thép'?