Lúc nóng nực ăn vài que kem, hộp kem rất ngon, nhưng rất ít người biết được rằng họ đang đầu độc cơ thể bằng nhiều loại hóa chất độc hại.

Vạch trần 'kỹ thuật' sản xuất kem bán dạo bằng thuốc nhuộm vải

Một Thế Giới | 08/05/2016, 06:50

Lúc nóng nực ăn vài que kem, hộp kem rất ngon, nhưng rất ít người biết được rằng họ đang đầu độc cơ thể bằng nhiều loại hóa chất độc hại.

Kỹ thuật sản xuất kem siêu bẩn

Mùa này, nhiều nơi ở Tiền Giang nắng hạn khô khốc, nên những chiếc xe bán kem dạo cũng vào cao điểm làm ăn. Trên các con đường giao thông nông thôn ở vùng Gò Công và các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước… những chiếc xe đạp, xe gắn máy chở những chiếc thùng đựng kem cây, kem ký mát lạnh chạy ngược xuôi…

Họ rung chuông leng keng hoặc sử dụng loa phóng thanh phát hết công suất để quảng cáo, mời gọi mọi người mua kem giải khát. Muốn kem cà phê, có ngay. Còn chuộng hương sầu riêng hay ca cao,.. cứ chọn là được đáp ứng.

Võ Quốc, cư dân TP.Mỹ Tho, nói: “Các loại kem cây, kem ký không có thương hiệu, không có địa chỉ sản xuất cụ thể đang được bán dạo ở những vùng nông thôn đều là kem bẩn. Thoạt nhìn, sản phẩm kem mát lạnh, thơm phức ngon lành, hương vị ngào ngạt, nhưng ẩn chứa nhiều nguy hiểm về an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Quốc dám khẳng định như vậy vì anh chàng này đã có thâm niên hơn 20 năm mua bán các loại hóa chất cho những người sản xuất kem bẩn và bản thân anh ta cũng có thời gian gần 5 năm hùn hạp làm kem cùng vài người bạn, nhưng nay đã giải nghệ.

Mất rất nhiều ngày thuyết phục, Quốc mới đồng ý tiết lộ “kỹ nghệ” sản xuất kem siêu bẩn, bởi theo anh ta thì: “Mình giải nghệ rồi thì thôi, bây giờ phơi bày các chiêu trò làm kem bẩn giống như đập bể nồi cơm của anh em chiến hữu”.

Theo Quốc, các nguyên liệu để sản xuất 1 mẻ kem bẩn gồm có: chất bột tạo dẻo (dân trong nghề thường sử dụng bột Gum hay chất CMC), xốp kem, sữa bột, đường hóa học, hương liệu, bột mì và màu công nghiệp.

Tất cả các nguyên liệu như chất tạo dẻo, xốp kem, đường hóa học, hương liệu và phẩm màu được người sản xuất kem pha trộn với nước theo công thức riêng của từng người rồi đem đun sôi, để nguội.

Sau khi mớ nguyên liệu này nguội, người sản xuất tiếp tục cho sữa bột vào rồi đưa tất cả vào máy quay, đánh đến khi đạt được độ sền sệt như mong muốn.

Đến lúc này nhà sản xuất bắt đầu cho nguyên liệu vào các hộp, khuôn hoặc bao nilon nhỏ và cho vào tủ đá trong thời gian từ 3 đến 4 giờ đồng hồ sẽ có 1 mẻ kem như ý, sẵn sàng tung ra thị trường.

“Nếu bán kem ký thì người ta cho vào hộp trọng lượng từ 500g đến 2 ký/hộp. Còn sản xuất kem cây thì cho nguyên liệu vào khuôn, bịch nilon… nhỏ, cắm chiếc que tre vào rồi đem đông lạnh là xong”, Quốc nói.

Theo Quốc, hiện nay các cơ sở sản xuất xuất kem bẩn đều sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc. Các loại nguyên liệu này chẳng cẩn phải tìm đâu xa, cứ ra các cửa hàng bán hóa chất đều có bán tất cả.

Giá nguyên liệu để sản xuất kem có giá rất rẻ: sữa bột không béo (sữa gầy) giá 10.000 đồng/kg, xốp kem 35.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại, phẩm màu hóa học 100.000 đồng/kg và tất cả các loại hương liệu có mùi trái cây, cà phê… như thật giá cũng rất rẻ.

“Sở dĩ người ta sử dụng sữa bột không béo (sữa gầy) là vì lợi nhuận. Nhưng kem mà không béo thì chẳng còn là kem, nên các cơ sở sản xuất nghĩ ra cách pha thêm nước cốt dừa vào nguyên liệu làm kem để có độ béo cho kem thành phẩm.

Mẻ nguyên liệu kem vừa hoàn chỉnh được cho vào hộp xốp, chuẩn bị đưa vào tủ đông.

Còn chất tạo dẻo như bột Gum (hay chất CMC) và xốp kem có tác dụng ngăn sự đông đá của sản phẩm. Nếu không có 2 chất này, khi cho nguyên liệu vào tủ đông sản phẩm sẽ biến thành cục nước đá cứng ngắc, ném vỡ đầu chứ đừng nói đến ăn”, Quốc giải thích.

Riêng nguyên liệu bột mì, Quốc cho biết các cơ sở sản xuất kem trộn thêm vào cho nặng ký để gia tăng lợi nhuận chứ chẳng có ích lợi gì đối với kem, bởi sản phẩm này đánh lừa người khác bằng mùi vị thơm ngon của hương liệu, đường hóa học và màu sắc bắt mắt.

“Theo tui biết thì hiện nay sản xuất 1kg kem thành phẩm có giá chưa đến 10.000 đồng, nhưng khi xuất xưởng nhà sản xuất thu về ít nhất 30.000 đồng/kg. Còn khi các mẻ kem đến tay người tiêu dùng nông thôn thì giá thành có thể tăng lên 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Vì vậy vào những tháng mùa khô người ta đua nhau sản xuất kem cung cấp cho thị trường nông thôn, chứ ở thành thị thì lâu nay người tiêu dùng đều chọn sử dụng sản phẩm kem của các thương hiệu có uy tín, chất lượng”, Quốc cho biết.

Nguy hiểm ẩn chứa từ kem trôi nổi

Quốc dẫn chúng tôi đi lòng vòng các cửa hàng bán hóa chất ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, để tìm mua nguyên liệu sản xuất kem bẩn, nhưng không nơi nào chịu bán. Lý do các bà chủ cửa hàng hóa chất đưa ra rất đơn giản: các loại nguyên liệu này không bán lẻ, chỉ bán nguyên bao, loại 25kg/bao.

Cuối cùng, 1 “chiến hữu” của Quốc ở xã Trung An (TP.Mỹ Tho) đồng ý cho chúng tôi 2 hộp kem (loại ½ kg/hộp) với màu sắc, mùi vị bắt mắt vừa được sản xuất để… làm mẫu, còn có dám ăn hay không thì tùy chúng tôi.

Nhìn 2 hộp kem mẫu, Quốc giải thích: “Trong sản phẩm này thực ra bột gum (hoặc chất CMC), xốp kem và sữa bột, chẳng gây hại gì nhiều đến sức khỏe con người. Bột gum là chất Guar flour, là chất không mùi, không gây độc hại, tan hoàn toàn trong nước, đặc hơn tinh bột từ 5 - 8 lần và được phép dùng trong công nghệ sản xuất phô mai, dầu giấm, kem, súp.

Chất CMC có tên là Carboxymethiylcellulose, là một phụ gia thực phẩm nên CMC được sử dụng trong khoa học thực phẩm như là một chất làm đặc, ổn định nhũ tương trong các sản phẩm khác nhau, trong đó có sản phẩm kem”.

Một mẻ kem thành phẩm vừa ra lò.

Theo Quốc, độc hại nhất trong các mẻ kem bẩn chính là đường hóa học, hương liệu trái cây bằng hóa chất và phẩm màu công nghiệp.Sở dĩ người ta sử dụng đường hóa học để sản xuất kem vì nó rẻ hơn đường tinh luyện, nhưng có độ ngọt cao gấp hàng trăm lần (1kg đường hóa học bằng 500kg đường tinh luyện).

Còn màu sắc, nếu sử dụng màu thực phẩm giá 500.000 đồng/kg thì đắt đỏ nhưng không đẹp, trong khi màu công nghiệp dùng để… nhuộm vải… giá chỉ có 100.000 đồng/kg nhưng cho màu rực rỡ, bắt mắt.

“Hiện nay công nghiệp hóa chất có thể sản xuất ra tất cả các mùi hương trái cây như thật, nên thị trường kem luôn có đủ mùi hương như sầu riêng, cam, nho, dâu... để chiều theo thị hiếu của khách hàng.

Lúc nóng nực ăn vài que kem, hộp kem rất ngon, nhưng rất ít người biết được rằng họ đang đầu độc cơ thể bằng nhiều loại hóa chất độc hại. Đó là chưa kể do sản xuất chui nên hầu hết các lò làm kem bẩn đều có tình trạng vệ sinh rất kém”, Quốc nói.

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề kiểm soát việc sản xuất kem bẩn, 1 cán bộ ngành y tế tỉnh Tiền Giang cho biết: chỉ có thể kiểm soát được sản phẩm kem của các cơ sở có đăng ký thương hiệu và chất lượng sản phẩm, bởi các cơ quan hữu trách có kiểm tra định kỳ.

Riêng các sản phẩm kem bẩn không có địa chỉ sản xuất cụ thể thì ngành y tế không thể kiểm soát được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm vì họ không đăng ký, sản xuất chui, rất khó phát hiện.

Trong khi đó, dù các cơ quan hữu trách có kiểm tra các xe bán kem dạo thì cũng không làm được gì, vì người bán dạo cho biết họ lấy kem đi bán qua nhiều tầng nấc trung gian, không biết rõ nơi sản xuất.

Anh Trung

Ảnh: Hầu hết những người bán kem dạo ở vùng nông thôn đều cung cấp những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vạch trần 'kỹ thuật' sản xuất kem bán dạo bằng thuốc nhuộm vải