Tiêu thụ vải thiều được mở rộng cả ở trong và ngoài nước. Việc quảng bá, xúc tiến sản phẩm ngày càng chuyên nghiệp, giúp người nông dân có một mùa quả bội thu.

Vải thiều Việt Nam chinh phục thế giới

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 08/07/2023, 06:57

Tiêu thụ vải thiều được mở rộng cả ở trong và ngoài nước. Việc quảng bá, xúc tiến sản phẩm ngày càng chuyên nghiệp, giúp người nông dân có một mùa quả bội thu.

Mặc dù đã xuất hiện trên thị trường Thái Lan từ một vài năm trước, nhưng ngày 7.7 là lần đầu tiên, vải thiều Bắc Giang được một doanh nghiệp Việt Nam chính thức xuất khẩu và đưa vào một hệ thống siêu thị lớn của Thái Lan.

358080732_641949191318030_6735459966611820455_n.jpg

Lô vải thiều xuất khẩu lần này sẽ được đưa ra bán tại các siêu thị Gourmet Market nằm trong 7 trung tâm thương mại lớn của Tập đoàn The Mall. Đây là các siêu thị chuyên bán các loại thực phẩm, đồ ăn và đồ gia dụng hàng đầu ở Thái Lan.

Tại trung tâm thương mại Siam Paragon, có rất nhiều khách hàng khi nếm thử vải của Việt Nam đã tỏ ra rất thích thú. Ông Somkiat Wongsakulchai - Giám đốc điều hành công ty Ekthai, đơn vị phân phối vải thiều Bắc Giang tại Thái Lan - cũng đánh giá cao chất lượng của quả vải Việt Nam: "Vải Việt Nam có vị ngon hơn vải của Thái Lan và Trung Quốc. Quả vải có màu đẹp, hạt nhỏ, cùi mọng nước và rất thơm, ngọt. Đây là lần đầu tiên chúng tôi bán quả vải Việt Nam tại 7 cửa hàng thuộc tập đoàn The Mall ở Bangkok và sẽ mở rộng ra tất cả các chi nhánh trong năm tới. Tôi nghĩ rằng trong năm nay người Thái sẽ quan tâm nhiều tới quả vải của Việt Nam".

vai-thieu.png

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Huy - Phụ trách cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan - cho rằng, ngoài những yếu tố cần là về chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới yếu tố mùa vụ. Ví dụ như thời điểm tháng 7, khi sản lượng vải của trong nước và vải của Trung Quốc nhập khẩu sụt giảm thì đây chính là cơ hội lớn để đưa trái vải Việt Nam vào thị trường Thái Lan. Đây sẽ là "chìa khóa" giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Thái Lan, không chỉ có trái vải mà còn rất nhiều các mặt hàng nông sản khác.

Mới đây, gần 20 tấn quả vải tươi được vận chuyển theo đường biển đã nhập khẩu thành công và chính thức được phân phối, bày bán tại hệ thống siêu thị Safeway và Albertsons tại các tiểu bang bờ Tây Hoa Kỳ, trong đó có Washington, Oregon và California, đúng dịp phục vụ người dân Hoa Kỳ trong dịp Quốc khánh ngày 4.7.

Hệ thống siêu thị Safeway là chuỗi siêu thị có mạng lưới lớn nhất bờ Tây của Hoa Kỳ. Safeway có 913 cửa hàng, Albertsons có hơn 300 cửa hàng. Việc tiếp tục đưa quả vải vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị này với giá khá cạnh tranh, chỉ 3,99 USD/pint, tương đương với 200.000 đồng/kg là một thành công lớn trong quá trình thúc đẩy tiêu thụ trái cây của Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng tại thị trường Hoa Kỳ. Bởi lẽ, phần lớn trái cây của nước ta xuất khẩu sang Hoa Kỳ mới chỉ tiếp cận được hệ thống chợ, siêu thị nhỏ phục vụ người tiêu dùng gốc Á.

Mức giá 200.000 đồng/kg được xem là mức giá rất cạnh tranh so với vải tươi nhập từ Trung Quốc và Mexico (đang được bán ở chợ châu Á tại San Francisco là 4,99 USD/lb, tương đương 259.000 đồng/kg), là hai nguồn cung cấp chính và cũng là hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất của quả vải tươi Việt Nam.

Quả vải thiều tươi Việt Nam được marketing với thương hiệu Golden Lychee, bao bì đẹp mắt, hấp dẫn, chuyên nghiệp, phù hợp với tâm lý và thị hiếu tiêu dùng, cùng với mức giá cạnh tranh… kỳ vọng sẽ được người tiêu dùng Hoa Kỳ lựa chọn.

Để góp phần đưa quả vải Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn nữa, Chi nhánh Thương vụ tại San Francisco phối hợp với Hội Doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ (VENUSA), các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động quảng bá, truyền thông trên các kênh thông tin, đặc biệt là trên các mạng xã hội. Đồng thời, tổ chức gian hàng trưng bày và bán quả vải tại một số khu vực chợ của người Việt, người châu Á. Tổ chức hoạt động nếm thử giúp người dân làm quen và yêu thích quả vải, từ đó thúc đẩy việc tiêu thụ loại trái cây này.

Trong những năm trước, để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vải thiều Việt Nam đều phải vận chuyển bằng đường bộ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là những thời điểm ùn tắc tại khu vực biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai. Tuy nhiên, mới đây, vải thiều đã được xuất khẩu bằng đường sắt qua ga Kép, mở ra một hướng đi mới thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân và bà con nông dân trồng vải trong hoạt động vận chuyển, xuất khẩu vải thiều sang thị trường này.

Mới đây, lô vải không hạt đầu tiên của Việt Nam đã chính thức có mặt tại thị trường Anh. Đây là dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa khi đem được 5 tạ vải không hạt sang Vương quốc Anh bằng đường hàng không.

Từ những thị trường "láng giềng" trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore,… đến các thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Anh,… vải thiều Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Mùa thu hoạch vải thiều năm 2023 tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã tiêu thụ khoảng 6.000 tấn vải thiều chín sớm, trong đó 59% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 41% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Theo UBND huyện Lục Ngạn, ngay từ đầu vụ đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, khảo sát và ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều cho bà con.

Trong khi đó, Hải Dương năm nay đã thu hoạch được hơn 32.000 tấn vải. Ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước thì khoảng 16.000 tấn vải đã được xuất sang thị trường nước ngoài, chiếm 50% tổng sản lượng vải đã thu hoạch. Đáng chú ý, 3.000 tấn vải thiều đã được xuất sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, số còn lại được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Về thị trường xuất khẩu vải thiều Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục là thị trường truyền thống với nhiều lợi thế cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam. Các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan,… được xác định là thị trường tiềm năng cần tiếp cận một các bài bản, nhấn mạnh vào chất lượng hàng hóa và thương hiệu sản phẩm.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, Bộ Công Thương cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào công tác cung cấp, phổ biến thông tin về xu hướng, nhu cầu thị trường, các yêu cầu, quy định về xuất khẩu, qua đó hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp, mở rộng cơ hội tiếp cận, khai thác hiệu quả thị trường quốc tế.

Bài liên quan
Đưa vải thiều Việt Nam lên 'bản đồ trái cây' thế giới
Vải thiều Việt Nam đã nhận được "visa" vào nhiều thị trường khó tính và ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc. Cơ hội ghi dấu loại trái cây này trên "bản đồ trái cây" thế giới rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vải thiều Việt Nam chinh phục thế giới