Hãng tin Deutsche Welle giới thiệu nguyên lý hoạt động, công nghệ cùng vai trò trên chiến trường của các máy bay chiến đấu phản lực như F-16 và MiG-29.
Cựu phi công không quân Đức Joachim Vergin mô tả cảm giác lái máy bay chiến đấu phản lực: “Lúc ngoặt gấp bạn bị ép vào ghế bởi một lực mạnh gấp nhiều lần trọng lực. Bạn chỉ duy trì được ý thức nếu đang ở trong tình trạng thể chất tốt nhất và mặc một chiếc quần đặc biệt để ép máu ra khỏi chân. Bạn hiếm khi bay tốc độ dưới 900 km/giờ. Khả năng tăng tốc rất ngoạn mục”.
Người ta thường so sánh lái máy bay chiến đấu phản lực với ngồi tàu lượn siêu tốc, nhưng trải nghiệm không hoàn toàn giống nhau: máy bay phản lực mạnh gấp đôi và khi chiến đấu phi công phải vận hành đồng thời nhiều hệ thống tác chiến khác nhau. Ở tình huống nguy cấp thì mọi hành động đều mang tính sinh tử, đòi hỏi xử lý chớp nhoáng.
Nguyên lý hoạt động
Lần đầu máy bay chiến đấu phản lực được sử dụng là vào giai đoạn cuối Thế chiến thứ 2. Động cơ phản lực giúp phương tiện này bay nhanh hơn máy bay cánh quạt phổ biến thời điểm đó.
Động cơ phản lực hút không khí ở phía trước, nén lại rồi trộn với nhiên liệu và đốt cháy. Không khí đẩy ra vô cùng mạnh mẽ tạo ra lực đẩy khiến máy bay di chuyển về phía trước.
Mục tiêu
Máy bay chiến đấu phản lực có thể tấn công mục tiêu trên không lẫn trên mặt đất. Với chiến đấu trên bầu trời, máy bay sẽ được trang bị tên lửa không đối không. Còn mục tiêu trên đất sẽ bị tiêu diệt bởi tên lửa không đối đất hoặc bom thả rơi.
Công nghệ
Khi chế tạo cần phải đánh đổi về mặt công nghệ. Máy bay dành cho không chiến cần nhẹ và cơ động, dành cho hoạt động tầm xa cần được trang bị thùng nhiên liệu lớn.
Được thiết kế cho mục đích rất cụ thể là bảo vệ biên giới các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước máy bay của NATO, nên MiG-29 cực kỳ cơ động trong không chiến và thậm chí có thể bay thẳng đứng thời gian ngắn. Ban đầu phương tiện này chỉ có thùng nhiên liệu nhỏ để giảm trọng lượng.
Máy bay đa nhiệm F-16
Đa số máy bay hiện đại đều tích hợp nhiều khả năng khác nhau. Nhà sử học Leonhard Houben (Bảo tàng Lịch sử quân sự Berlin-Gatow) cho biết chế tạo máy bay đa nhiệm tiết kiệm chi phí hơn. Chúng có thể được sản xuất hàng loạt chỉ trong một đợt rồi dùng thực hiện các nhiệm vụ riêng biệt.
F-16 là sản phẩm tiêu biểu, được Mỹ phát triển vào những năm 1970 để xuất khẩu như lựa chọn chi phí thấp.
Đây là máy bay chiến đấu phản lực vẫn đang được sử dụng có số lượng sản xuất lớn nhất trên toàn thế giới. F-16 đến nay liên tục được nâng cấp.
Vũ khí
Ngoài công nghệ máy bay, vũ khí trang bị cho máy bay cũng rất quan trọng.
Không như hệ thống tên lửa phòng không đặt trên mặt đất, máy bay chiến đấu phản lực có thể bảo vệ không phận của cả một quốc gia nhờ tính cơ động cao (bảo vệ một khu vực rộng lớn) cùng tên lửa không đối không (tiêu diệt tên lửa hành trình đang bay).
Huấn luyện phi công
Một phi công chiến đấu phải có năng lực cận chiến trong trường hợp đã bắn hết tên lửa. Họ cũng phải có khả năng đa nhiệm ở tình huống đặc biệt. Vì vậy đào tạo phi công tốn rất nhiều thời gian.
Với chiến đấu cơ Đức Eurofighter, thời gian huấn luyện một phi công kéo dài 5 - 6 năm và tiêu tốn 5 triệu euro (5,4 triệu USD).
Ngay ở lần lái đầu tiên cựu phi công Vergin đã gặp ngay tình huống động cơ hỏng. Dù sợ hãi nhưng ông biết cách xử lý nhờ những gì được huấn luyện trước đó.
Mỗi phi công thường chỉ lái được một loại máy bay chiến đấu phản lực, đào tạo lái loại khác vô cùng tốn kém. Khi chuyển từ chiếc Phantom sang Tornado, cựu phi công Vergin trải qua 7 tháng huấn luyện.
Vai trò
Trong chiến tranh, máy bay chiến đấu phản lực không chỉ là vũ khí mà còn có thể đóng vai trò biểu tượng thúc đẩy sĩ khí, một quân cờ quan trọng trong chiến lược tác chiến. Chỉ cần chiến đấu cơ hiện diện cũng đủ khiến kẻ địch phải suy nghĩ lại.