Tại các quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã vấp phải hàng loạt tranh cãi xoay quanh tư tưởng tính dục và gia đình, đang có ngày càng nhiều phụ nữ mong muốn ‘thoát ly’ khỏi mối ràng buộc ‘lấy chồng, sinh con’.

Văn hóa sống ‘không chồng – không con’ của phụ nữ trẻ Philippines

17/06/2020, 07:27

Tại các quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã vấp phải hàng loạt tranh cãi xoay quanh tư tưởng tính dục và gia đình, đang có ngày càng nhiều phụ nữ mong muốn ‘thoát ly’ khỏi mối ràng buộc ‘lấy chồng, sinh con’.

Bà mẹ trẻ Jeng Basijan có một con gái và con trai với người bạn đời đã gắn bó nhiều năm, dù cả hai quyết định không kết hôn. (Ảnh: SCMP)

Mới 22 tuổi, nhưng Adrienne Onday đã tuyên bố không muốn có con. “Tôi cảm thấy việc đó không phù hợp vói kế hoạch cuộc sống của riêng tôi”, nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội vì nữ quyền, chia sẻ.

“Điều tôi muốn làm là giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực xã hội học. Dự định có thể khiến tôi phải du lịch khá nhiều. Lập gia đình, sinh con đồng nghĩa rằng tôi phải cân nhắc đến sự tồn tại của một đứa trẻ trong đời. Không may là, hoàn cảnh sống tôi mong muốn không thích hợp với việc có con”.

Thời niên thiếu, Onday thừa nhận từng nghĩ đến vai trò làm mẹ, thậm chí mường tượng trước cách thức nuôi dạy trẻ. Thế nhưng trải nghiệm chăm sóc 3 người em ruột và nhiều người em họ nhỏ tuổi hơn, đi cùng kỳ vọng mang tính áp đặt của gia đình lên Onday buộc cô phải nhanh chóng kết hôn ngay khi đủ tuổi, đã khiến cô gái trẻ thay đổi suy nghĩ.

Adrienne Onday là đại diện cho những phụ nữ trẻ Philippines bắt đầu ‘đi ngược’ lại lối tư duy xưa cũ, áp đặt phụ nữ phải sinh con hoặc lập gia đình theo truyền thống.

Ở Philippines, quốc đảo lớn thứ 5 thế giới, việc một phụ nữ sống không con cái vẫn bị xem là ý tưởng ‘cấm kị’. Lối tư duy cấm đoán đặc biệt phổ biến ở thế hệ đi trước, những người tin rằng họ có nghĩa vụ gìn giữ giá trị gia đình truyền thống.

Tiến sĩ Nathalie Verceles, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới tính và vai trò Phụ nữ, trực thuộc đại học Philipphines, cho biết: nhiều người dân Philippines lớn tuổi vẫn giữ niềm tin nhất quán về tầm quan trọng của việc sinh con đối với phụ nữ. “Họ lớn lên ở môi trường văn hóa xã hội không giống chúng ta ngày nay, và mọi người nên hiểu điều đó”, cô nói.

Ngoại trừ thánh địa tôn giáo Vatican, Philippines là đất nước duy nhất trên thế giới ghi nhận ly hôn như hành động bất hợp pháp. Điều bấy lâu đang đặt nặng áp lực cho nữ giới, nhất là thế hệ phụ nữ trẻ tại quốc đảo này. (Ảnh: DPA)

Cũng là một người mẹ, Verceles nhận định ‘đòi hỏi nơi khía cạnh văn hóa’ đối với chức năng sinh nở ở giới nữ, xuất phát từ góc nhìn về phụ nữ Philippines. “Ở đây, chúng tôi gọi kiểu tư duy đó bằng cụm từ ’thuyết áp đặt sinh học’, cho rằng vì phụ nữ có khả năng mang thai và sinh nở, đặc tính này tác động lên toàn bộ chỗ đứng văn hóa xã hội của họ”, nữ tiến sĩ nhấn mạnh.

“Đây là lý do vì sao xã hội Philippines có khuynh hướng quở trách những phụ nữ quyết định không sinh con – đơn giản vì đó được mặc định là trách nhiệm hàng đầu của chúng tôi”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Jazz Tugadi, 25 tuổi, đề cập về ‘bộ đôi tiêu chuẩn’ tại Philippines. “Ngay từ khi chào đời, phụ nữ Philippines được định hướng sống theo một ‘hành trình’ rất đặc trưng, sinh con được xem như mục tiêu cuối trong đời họ phải hoàn tất, như để hoàn thành ‘sứ mệnh’ sống của họ”.

“Nhưng nếu đàn ông lựa chọn không kết hôn, ngược lại, họ thường được ca ngợi, được tận hưởng đời sống độc thân”. Tugadi nói.

Nhóm phụ nữ trẻ cùng ca hát, đi bộ diễu hành nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 2020 tại thủ đô Manila, Philippines. (Ảnh: Reuters)

Xã hội Philippines cũng kỳ vọng phụ nữ kết hôn rồi mới sinh con theo đúng truyền thống. Tình huống này, tuy nhiên, có vẻ bất khả với nhà sản xuất chương trình truyền hình Jeng Basijan, người đang nuôi dạy 2 đứa con, một trai một gái, cùng người bạn đời cô đã chung sống nhiều năm.

“Bố mẹ từng kỳ vọng tôi và những chị em trong nhà tuân theo truyền thống gia đình”, Basijan bày tỏ. “Chúng tôi không được phép yêu đương khi còn đi học, chúng tôi phải kết hôn, và chúng tôi cũng không thể có con trước hôn nhân”. Gia đình bảo thủ đã phản ứng không mấy tích cực khi Basijan mang thai đứa con đầu lòng năm 2016, cô tiết lộ.

“Tôi bị bố mẹ đuổi khỏi nhà. Bố tôi vứt hết những tấm ảnh gia đình có tôi khỏi tường nhà, ông vứt đi cả những quyển sách tôi từng dốc công sưu tầm. Hơn cả việc bị ruồng bỏ, những gì bố làm khiến tôi vô cùng đau lòng”.

Basijan hiện sống cùng bạn trai, 2 người con chung và 3 con riêng anh có với người vợ trước.

Cô cho biết, dẫu hiện quá ‘tuổi kết hôn’, cô vẫn không muốn thúc ép bạn trai nhanh chóng tổ chức hôn lễ. “Tôi trân trọng mối quan hệ của chúng tôi hơn là một buổi lễ”, cô nói. “Hơn nữa, với những đứa con chúng tôi đang cùng nuôi dạy, đám cưới lúc này không thích hợp lắm”.

Cha Roque cạnh chú chó Coochie của cô.

Nhà làm phim Cha Roque, 34 tuổi, là một trường hợp khác muốn đi ngược lại tư duy bảo thủ về hôn nhân ở Philippines. Tuy nhiên, không như Basijan, cô trưởng thành dưới một mái nhà với lối sống mẫu hệ, cởi mở hơn.

“Tôi hiện đang sống cùng con gái Kelsey, bạn gái tôi và 2 chú chó trong căn hộ nhỏ chúng tôi thuê”, cô chia sẻ.

Khuynh hướng giới tính chưa từng khiến Roque bận tâm mãi đến khi vấn đề liên quan đến con gái cô. “Kelsey bị trêu chọc ở trường sau khi đăng một tấm ảnh chụp gia đình tôi lên mạng, và giáo viên của con bé phản hồi rằng, ‘Hãy suy nghĩ kĩ trước khi đăng những thứ như thế’”, cô kể lại. “Tôi không nghĩ một đứa trẻ lớn lên trong gia đình truyền thống có thể bị cười cợt theo cách tương tự”.

Roque thừa nhận, thái độ kỳ thị của xã hội nhắm vào cô và bạn đời đôi lúc khiến Roque nản lòng. Thế nhưng, dù phải hứng chịu bình phẩm ác ý, cô tiếp tục kiên trì đấu tranh, tìm kiếm đổi thay cho tương lai bản thân, cho gia đình cô lẫn nhiều gia đình LGBT khác.

Verceles nói, lối tư duy đã ‘cắm rễ’ từ lâu sẽ cần thời gian lâu không kém để đổi mới. “Tại Philippines, nếu bạn lập gia đình, bạn phải sinh con. Nếu bạn có con, nghĩa là bạn phải lập gia đình. Nhưng chúng tôi cần cởi mở hơn như thế, bởi có rất nhiều khả năng có thể xảy ra”.

Nữ tiến sĩ nhận xét, đẩy mạnh nhận thức về quyền bình đẳng cho phụ nữ là việc quan trọng xã hội cần làm. “Đặc biệt ở thế hệ thanh thiếu niên ngày nay”, cô nói, “Chúng tôi nên bắt đầu sớm”.

Đã có một số bước tiến trong đấu tranh nữ quyền tại Philippines. Người dân quốc đảo đang có xu hướng công khai thảo luận nhiều hơn về vấn đề sinh con, giúp phá bỏ suy nghĩ xưa cũ cho rằng vai trò trước nhất của người phụ nữ là kết hôn và làm mẹ, và rằng cuộc sống không con cái là sai trái với phụ nữ.

Thế giới gần đây bắt đầu chứng kiến tình trạng sụt giảm thấy rõ ở tỉ lệ sinh. Phụ nữ viện dẫn đến nhịp sống tự do và độc lập kinh tế như nguyên nhân khiến họ không muốn sinh con.

Bất kể những đổi thay kể trên, vẫn còn đó một số phụ nữ nương theo nếp tư duy xã hội truyền thống, chẳng hạn nhân viên kế toán 24 tuổi Jasmin Carpio, người tin rằng phụ nữ nên lấy chồng và sinh con. “Tôi nghĩ, phụ nữ nên kết hôn, sinh con bởi những điều đấy hoàn thiện họ”, cô lý giải. “Cá nhân tôi sẽ cảm thấy mình lỡ mất điều gì đó nếu không lập gia đình”.

Jasmin Carpio tin rằng phụ nữ nên lấy chồng và sinh con.

Cô và người bạn trai đã bên nhau 6 năm vừa bàn luận về kế hoạch hôn nhân nhưng chưa định ngày cụ thể. Nữ nhân viên văn phòng theo đạo Công giáo tiết lộ, cô luôn muốn có một đám cưới trang trọng trong nhà thờ.

Dẫu cho hàng loạt phong trào đấu tranh nữ quyền nổ ra và phát triển không ngừng, biểu trưng cho nỗ lực đấu tranh tìm chỗ đứng của những cá nhân chịu bất công hoặc bị đẩy khỏi ‘rìa’ xã hội, những người phụ nữ tôn trọng đức tin truyền thống cũng không nên bị xem thường. Đây là nhận định của Onday, nữ chuyên viên nghiên cứu xã hội học.

“Mỗi phụ nữ có quyền quyết định họ muốn và không muốn làm gì trong đời. Quan trọng là họ đã lựa chọn như vậy. Phụ nữ không nên bị phán xét vì điều đó”, cô nói.

Nhà làm phim Cha Roque giơ tấm hình chụp cùng con gái cô Kelsey.

Tranh luận xoay quanh quyền lợi và lựa chọn của phụ nữ cần được tiếp tục thúc đẩy bên trong xã hội Phillippines, Onday nhấn mạnh, đặc biệt giữa một giai đoạn khi tiến bộ về xây dựng nữ quyền vẫn đang vấp phải khó khăn ở một số nơi trên thế giới.

Mặt khác, theo Onday, nam giới cũng cần thấu hiểu tầm quan trọng của quyền lợi dành cho phụ nữ.

Hành động giúp tăng cường nhận thức, thế nhưng, không cần phải quá lớn lao. Ngược lại, theo những nhà hoạt động xã hội, bạn có thể tạo ra thay đổi bắt đầu từ những ‘bước đi’ nhỏ, đơn giản và thực tiễn.

Theo nhà sản xuất truyền hình Basijan, ‘bước đi’ khởi đầu nên nằm ở cách nuôi dạy con trẻ của những bậc cha mẹ.

“Phụ huynh và môi trường sống tại nhà đóng vai trò tối quan trọng để hình thành thế giới quan ở trẻ, vốn là điều tôi đang nỗ lực hoàn thiện vì con tôi”, cô nói. “Tôi muốn bọn trẻ hiểu chúng không nên ghò ép bản thân bên trong ‘khuôn khổ’ xã hội đã đề ra. Nếu thấy con gái chơi cùng chiếc xe hơi đồ chơi, tôi sẽ để bé thoải mái làm thế. Vì sao tôi phải ngăn con mình lại?”

Như Ý (SCMP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Văn hóa sống ‘không chồng – không con’ của phụ nữ trẻ Philippines