ĐBSCL đang chịu sức ép rất lớn khi nhu cầu cát cho xây dựng bùng nổ chưa từng thấy. Hoạt động khai thác cát trái phép trong vùng diễn ra hết sức phức tạp, khó kiểm soát, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở.
Bảo vệ môi trường

Vấn nạn 'cát tặc' ở Đồng bằng sông Cửu Long

Văn Kim Khanh - Mỹ Tho 16/03/2024 13:55

ĐBSCL đang chịu sức ép rất lớn khi nhu cầu cát cho xây dựng bùng nổ chưa từng thấy. Hoạt động khai thác cát trái phép trong vùng diễn ra hết sức phức tạp, khó kiểm soát, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở.

cat-tac-6.jpg
"Cát tặc" hoành hành ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Mỹ Tho

Bắt giữ 16 phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền

Ngày 10.3, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã tổ chức kiểm tra và phát hiện, bắt giữ 16 phương tiện có hành vi bơm hút cát trái phép, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc trên sông Tiền đoạn giáp ranh giữa thủy phận tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long với phạm vi hoạt động khoảng 12km.

Các đơn vị chức năng của Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, VKSND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức khám nghiệm hiện trường, xác định toạ độ 16 phương tiện vi phạm về hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép trên tuyến sông Tiền.

cat-tac-1.jpg
Phương tiện bơm hút trái phép của "cát tặc" trước kia - Ảnh: Mỹ Tho

Qua đó, cơ quan chức năng xác định, trên 16 phương tiện vi phạm bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường bắt quả tang có 23 đối tượng. Trong đó, có 5 phương tiện đang neo đậu trên địa bàn huyện Cái Bè (Tiền Giang), 2 phương tiện chứa cát, 3 phương tiện không chứa cát; sang mạn tại địa bàn huyện Cái Bè có 6 phương tiện; vận chuyển cát tại địa bàn Cái Bè có 2 phương tiện; khai thác cát trái phép có 3 phương tiện trên địa bàn huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Tổng khối lượng cát trên 8 phương tiện vi phạm đo được là hơn 692m3.

cat-4.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra xà lan chở cát quy mô lớn - Ảnh: Mỹ Tho

Vụ việc đang được cơ quan công an mở rộng điều tra, truy tìm, triệu tập các đối tượng có liên quan, chủ phương tiện, người thuê mướn thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, xác minh các bến bãi, công trình tiêu thụ cát do khai thác trái phép mà có để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Việc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện và bắt giữ các đối tượng, phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép được người dân trong khu vực rất hoan nghênh. Họ mong rằng các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, đúng pháp luật, tránh trường hợp xử lý mang tính “bắt cóc bỏ dĩa”.

“Cát tặc” hoành hành ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều “cát tặc” bị bắt và xử phạt nhưng sau đó vẫn quay lại con đường cũ là hút cát trộm. Dưới đây là một vụ điển hình.

Ngày 14.3, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Tiền Giang đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Huỳnh Văn Hia (39 tuổi, ngụ xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) 1 năm 6 tháng tù và Huỳnh Văn Nhân (44 tuổi, ngụ xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến tre) 1 năm tù về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".

huynh-van-hia-va-huynh-van-nhan.jpg
Huỳnh Văn Hia và Huỳnh Văn Nhân tại phiên tòa - Ảnh: Mỹ Tho

Theo cáo trạng, khoảng 21 giờ 30 ngày 13.12.2022, Huỳnh Văn Nhân điều khiển sà lan cùng với Huỳnh Văn Hia đi khai thác trái phép trên sông Tiền (khu vực thuộc xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) thì bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện bắt quả tang. Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng này đã bơm hút 27,25m3 cát.

Đến đêm 8.2.2023, cũng tại địa điểm này, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục bắt quả tang Nhân và Hia đang sử dụng tàu sắt thực hiện hành vi khai thác cát trái phép với khối lượng hơn 7,2m3.

cat-tac-4(1).jpg
ĐBSCL đang chịu sức ép rất lớn khi nhu cầu cát cho xây dựng bùng nổ chưa từng thấy - Ảnh: Mỹ Tho

Điều đáng nói là vào tháng 5.2021, Huỳnh Văn Hia và Huỳnh Văn Nhân từng bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 30 triệu đồng do hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Hai đối tượng này dù chưa thực hiện việc đóng phạt nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi khai thác khoáng sản là cát, sỏi lòng sông trái phép.

Còn đây là một vụ cát tặc “ăn cắp quen tay”. Ngày 4.9.2022, Vũ và N.V.Đ (SN 1979, ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) điều khiển ghe đến sông Cổ Chiên (thủy phận thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) rồi khởi động máy bơm, thả ống hút cát từ lòng sông lên ghe. Khoảng 30 phút sau, khi đã trộm được 9,1m3, cả hai bị Công an huyện Vũng Liêm bắt quả tang.

Trước đó, Vũ đã bị UBND huyện Vũng Liêm phạt hành chính vì hành vi khai thác cát mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù gây thiệt hại không lớn và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng hành vi phạm tội của bị cáo Vũ đã ảnh hưởng đến an ninh trật tự, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản nên HĐXX cho rằng cần xử lý nghiêm để giáo dục bị cáo và cũng là biện pháp răn đe chung cho toàn xã hội. TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên phạt bị cáo Trương Đình Vũ (SN 1971, ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) 6 tháng tù vì tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

dinh-tuyen-2.jpg
Khai thác cát có phép trên sông Hậu - Ảnh: BTN

Theo thiếu tá Huỳnh Văn Thắng - Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và môi trường - Công an huyện Măng Thít, tính ra mỗi quý, Công an huyện Mang Thít phối hợp tuần tra, phát hiện hàng chục vụ vi phạm về khai thác và vận chuyển cát trái phép. Công an huyện đã lập biên bản xử lý 100% số vụ, tổng số tiền nhiều tỉ đồng.

ĐBSCL đang chịu sức ép rất lớn khi nhu cầu cát cho xây dựng bùng nổ chưa từng thấy. Hoạt động khai thác cát trái phép trong vùng diễn ra hết sức phức tạp, khó kiểm soát, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở nghiêm trọng. Người dân trong vùng mong muốn lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm nghiêm minh để bảo vệ tài nguyên môi trường và giảm nguy cơ sạt lở do nạn khai thác khoáng sản trái phép tràn lan, không theo quy định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vấn nạn 'cát tặc' ở Đồng bằng sông Cửu Long