Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Theo đó, Việt Nam có thể có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada…

Vào TPP, doanh nghiệp Việt có thể mua sắm công tại Mỹ, Nhật

Một Thế Giới | 10/10/2015, 12:00

Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Theo đó, Việt Nam có thể có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada…

Mua sắm công - thị trường hàng chục tỷ USD mỗi năm

Theo báo cáo của Bộ Công thương, về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025 so với kịch bản không có TPP. 
Theo nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada…

Số liệu của Hoa Kỳ cho thấy, chỉ tính riêng mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ hằng năm đã vào khoảng 10-12 tỷ USD. Đây là một kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ Công thương cũng cho hay, các nghĩa vụ chính của Hiệp định bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường; Các doanh nghiệp Nhà nước không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư.

Đồng thời, cũng theo Bộ Công thương các doanh nghiệp Nhà nước phải minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố. Ngoài ra, Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.

Bên cạnh đó, các nước TPP thống nhất đưa ra một bộ quy tắc khá toàn diện về đấu thầu mua sắm của các cơ quan Chính phủ. Các quy tắc này không áp dụng với các gói thầu vì mục đích an ninh, quốc phòng. Không áp dụng với các gói thầu có giá trị dưới một mức nhất định và các trường hợp khác mà ta bảo lưu trong đàm phán.

Về cơ bản sẽ sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà thầu từ các nước TPP; không áp dụng các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên đối với nhà thầu cũng như hàng hóa và dịch vụ trong nước, trừ các trường hợp được bảo lưu. 
Song song với đó, Hiệp định cũng yêu cầu minh bạch thông tin và thủ tục tại tất cả các khâu; có quy định để bảo đảm liêm chính trong quá trình đấu thầu và xây dựng quy trình xem xét khiếu nại của nhà thầu.

TPP có thể thông qua trong năm 2018

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, do một số thủ tục pháp lý khác, dự kiến Hiệp định TPP có thể được thông qua tại Quốc hội của các nước trong khoảng thời gian từ 18 đến 24 tháng.

“Dự kiến từ tháng 1 đến tháng 6.2018 có thể có được quyết định phê duyệt TPP đến từ 12 nước và khi đó TPP chính thức sẽ có hiệu lực”- ông Khánh cho hay.

Ngoài ra, Thứ trưởng Khánh cũng nói thêm, do việc tham gia TPP của Việt Nam được xây dựng theo lộ trình nhất định, nên mức độ ảnh hưởng của TPP sẽ tăng dần theo thời gian kể từ khi TPP được thông qua.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, Hiệp định TPP vẫn có khả năng không được thông qua nếu một số Quốc hội không bỏ phiếu.

 “Tỉ lệ xảy ra việc này là khá thấp” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.

Hoàng Long


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
39 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vào TPP, doanh nghiệp Việt có thể mua sắm công tại Mỹ, Nhật