Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI cho biết tổ chức này đã đề xuất tăng 2% so với mức lương tối thiểu năm 2018, khác với đề nghị giữ nguyên mức lương tối thiểu trong phiên họp lần trước.

VCCI đề xuất tăng 2% lương tối thiểu nhưng vẫn bất đồng quan điểm

27/07/2018, 10:50

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI cho biết tổ chức này đã đề xuất tăng 2% so với mức lương tối thiểu năm 2018, khác với đề nghị giữ nguyên mức lương tối thiểu trong phiên họp lần trước.

Chưa thống nhất được mức lương tối thiểu 2019 cho người lao động - Ảnh: Internet

Chưa tìm được tiếng nói chung

Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa họp xong phiên thứ 2 nhằm thương thảo về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Tuy nhiên, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho người lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thuộc giới chủ doanh nghiệp vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về mức tăng lương tối thiểu năm tới.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI cho biết đã đề xuất tăng 2% so với mức lương tối thiểu năm 2018, khác với đề nghị giữ nguyên mức lương tối thiểu trong phiên họp lần trước.

Ông Phòng chia sẻ từ ngày 1.7, lương cơ sở dành cho công chức, viên chức trong khu vực công đã tăng thêm 90.000 đồng (từ 1.300.000 lên 1.390.000 đồng). Trong khi trước đó 7 tháng, từ ngày 1.1, lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp đã tăng thêm từ 180.000 - 230.000 đồng. Việc điều chỉnh mức đề xuất 2% đã phần nào tính tới sự cân đối giữa đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện chất lượng việc làm, tạo thêm nguồn việc làm mới.

Trong khi đó, phía Tổng Liên đoàn Lao động vẫn kiên định với ý kiến tăng 8%. Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động lý giải: “Điều đầu tiên cần quan tâm là mức trượt giá tới nay đã gần 4%. Do đó việc điều chỉnh lương tối thiểu không thể ở mức 2% như VCCI đưa ra. Nếu như vậy, người lao động chưa thể giải quyết được bài toán chi phí sinh hoạt tối thiểu cho mình và gia đình”.

Bà Tống Thị Minh - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền Lương, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng bức tranh kinh tế tương đối khả quan, GDP năm 2017 tăng 7%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng. Tuy nhiên, những thách thức của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm là rất lớn. Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm đã sắp đạt 4%, sát với mục tiêu của Quốc hội.

Theo bà Minh, Chính phủ đang giữ CPI không tăng để đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động. Nếu tiền lương tăng được vài đồng, nhưng giá cả hàng hóa tăng thì việc tăng lương không còn ý nghĩa với người lao động cả.

Phải xem xét sao cho hợp lý

Nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới trước đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng mức lương hiện nay so với mặt bằng giá cả, nhu cầu chi tiêu tối thiểu của người lao động đang rất thấp. Do đó, việc tăng lương tối thiểu cần được thực hiện nhưng cần phải xem xét mức tăng thế nào cho hợp lý.

Theo ông Thịnh, mức tăng phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động thì mới đảm bảo đươc thu nhập của các bên, nền kinh tế mới phát triển vững chắc. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam trong những năm qua tương đối thấp cho nên các chủ sở hữu doanh nghiệp cũng đắn đo việc tăng lương.

“Tôi nghĩ mức tăng của năm 2019 chỉ nên nằm ở mức 5-6%, dù cho phía chủ sở hữu doanh nghiệp cũng thấy khó khăn khi tăng lương”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho rằng mục đích của lương tối thiểu là quy định mức thấp nhất về mặt lương, để từ đó các chủ sở hữu doanh nghiệp có có sở trả lương cho người lao động trên mức lương tối thiểu. “Tôi nghĩ trong thời gian dài nữa thì mức lương tối thiểu này chưa thể bỏ được vì thị trường lao động đang khó khăn, người lao động ở vào thế yếu nên nếu để đàm phán việc làm theo quy luật cung - cầu thì người lao động dễ bị o ép”.

Tuy nhiên, nếu tăng lương nhanh quá thì lợi nhuận của doanh nghiệp giảm đi, sẽ triệt tiêu động lực đầu tư sản xuất, sáng tạo của chủ doanh nghiệp. Do đó, cũng cần cân nhắc việc tăng lương không gây quá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cũng gửi công văn tới Bộ LĐ-TB-XH đề nghị hạn chế tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Ông Koji Ito - Chủ tịch JCCI cho rằng mức lương tối thiểu ở Việt Nam hiện chỉ sau Campuchia, Indonesia và Trung Quốc, đang được coi là thách thức kinh doanh lớn nhất. Tăng lương gây ảnh hưởng đến kinh tế. Điều này có nguy cơ khiến doanh nghiệp cắt giảm lao động trong tương lai.

Theo đại diện JCCI, tương lai của ngành công nghiệp may, giày dép và ngành sản xuất chế tạo công nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn về chi phí lao động. Vì vậy, việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm cần dựa vào tình hình thực tế của kinh tế trong và ngoài nước; đồng thời cần cân nhắc các yếu tố để có thể xây dựng tiêu chuẩn hợp lý, không làm suy giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…

Ông Koji Ito cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam hạn chế sự gia tăng của lương tối thiểu, nhằm phục vụ phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cấp nền móng công nghiệp.

Hoài Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VCCI đề xuất tăng 2% lương tối thiểu nhưng vẫn bất đồng quan điểm