Đỉnh núi Everest mỗi năm lấy đi nhiều sinh mạng do lở tuyết, đá lăn từ trên cao, nhưng vẫn hấp dẫn du khách khắp thế giới đến chinh phục.

Vì sao Everest được coi là một trong những đỉnh núi chết chóc nhất thế giới

Hoàng Vũ | 13/10/2022, 17:19

Đỉnh núi Everest mỗi năm lấy đi nhiều sinh mạng do lở tuyết, đá lăn từ trên cao, nhưng vẫn hấp dẫn du khách khắp thế giới đến chinh phục.

Everest là đỉnh núi cao nhất trên Trái đất so với mực nước biển, với 8.848 m. Ngọn núi giảm độ cao 2,4cm sau trận động đất tại Nepal ngày 25.4.2015 và đã dịch chuyển 3cm về phía tây nam. Đỉnh nủi nằm trong khối núi Mahalangur Himal thuộc dãy núi Himalaya, biên giới giữa Tây Tạng (Trung Quốc) và Nepal.

Theo Khoa Địa chất học của Trường đại học Montana (Mỹ), đỉnh Everest được xác định lần đầu tiên vào năm 1856. Một cuộc khảo sát toàn diện vùng Ấn Độ khi còn là thuộc địa của Anh đã chốt đặt tên nó là Đỉnh XV (sau này, đỉnh được đặt theo tên George Everest nhằm vinh danh nhà địa lý học người Wales) có độ cao 8.840m. Tuy nhiên, cuộc khảo sát ở thời điểm đó không được thuận lợi vì Nepal không cho các nhà khảo sát nhập cảnh vì các lý do liên quan tới chính trị.

eve-1.png
Quang cảnh nhìn từ phía Nepal của đỉnh Everest - Ảnh: Getty 

Độ cao chính thức được công nhận hiện nay là do cuộc đồng khảo sát của Nepal và Trung Quốc thực hiện vào tháng 11, mặc dù về mặt kỹ thuật, độ cao của Everest đang thay đổi. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, đỉnh núi này đang cao dần do hoạt động của mảng kiến tạo và mực nước biển dâng.

Những người đầu tiên chinh phục đỉnh núi Everest là ai?

Mùa leo núi Everest là khoảng tháng 4-5. Đây là thời gian trên đỉnh Everest trời quang đãng, ít mây. Do đó, mọi người sẽ cố gắng leo núi trước khi mùa mưa bắt đầu (vào cuối tháng 5). Để chinh phục đỉnh Everest có hai đường leo chính: đi theo sườn phía đông nam từ Nepal và đi theo sườn phía bắc từ Tây Tạng. Mặc dù đường đi bên sườn phía bắc ngắn hơn song ngày nay hầu hết các nhà leo núi đều men theo đường phía đông nam vì dễ hơn về mặt kỹ thuật.

Nhà leo núi George Mallory đã lập bản đồ đường leo núi Everest theo sườn phía bắc vào 1921, trong chuyến thám hiểm do thám của Anh, theo Khoa Địa chất học của Trường đại học Montana (Mỹ). Đây chỉ là một cuộc thám hiểm để dò đường chứ không nhằm mục đích cố gắng lên chinh phục đỉnh Everest. Đến năm 1922, Mallory và những người đồng hành gồm Brits Geofrey Bruce, Charles Granville Bruce và nhà hóa học người Áo George Finch đã thử men theo đường này để lên đỉnh lần đầu tiên bằng cách sử dụng oxy, nhưng cuộc thám hiểm đã thất bại do một trận lở tuyết xảy ra.

Vào tháng 6 năm 1924, Mallory và nhà leo núi người Anh Andrew Irvine lại cố gắng chinh phục Everest nhưng họ đã không may thiệt mạng. Một đoàn thám hiểm năm 1999 đã tìm thấy xác của Mallory. Việc băng tuyết ở khu vực này tiếp tục tan do Trái đất nóng lên dễ dẫn đến ngày càng nhiều xác chết của những người leo núi “xấu số” được phát hiện trong những năm gần đây, theo Live Science.

Những nhóm thám hiểm Everest ban đầu vào những năm 1920 và 1930 đã cố gắng đi lên từ phía Tây Tạng, nhưng lối đi này bị đóng lại sau khi Tây Tạng sáp nhập vào Trung Quốc vào năm 1951. Điều này đã thúc đẩy nhà thám hiểm người Anh Bill Tilman và một nhóm nhỏ người Mỹ bao gồm Charles Houston, Oscar Houston và Betsy Cowles tiếp cận Everest qua Nepal dọc theo tuyến đường dần dần được phát triển cho đến ngày nay trở thành lối đi chính để lên đỉnh núi từ phía nam, theo báo cáo năm 1992 được công bố trên Tạp chí Địa lý thuộc Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh.

Các thành viên đoàn thám hiểm Thụy Điển do Edouard Wyss-Dunant dẫn đầu vào năm 1952 đã leo lên đến độ cao 8.595 mét theo đường phía đông nam, lập kỷ lục độ cao leo núi mới, theo Swiss Foundations for Alpine Research. Tenzing Norgay, một thành viên của đoàn và là người Sherpa (dân tộc sống ở các vùng phía đông Nepal) đã tham gia một đoàn thám hiểm khác của Anh tiếp tục chinh phục đỉnh Everest vào năm 1953.

eve-2.png
Tenzing Norgay và Edmund Hillary uống trà dưới chân núi Everest sau khi chinh phục thành công đỉnh núi cao nhất thế giới vào ngày 30.5.1953 - Ảnh: Getty

Cũng trong năm 1953, đoàn thám hiểm Anh do John Hunt dẫn đầu đã quay trở lại Nepal. Hunt đã chọn ra 4 người chia làm 2 cặp để leo lên đỉnh núi. Cặp đầu tiên gồm nhà thám hiểm Tom Bourdillon và Charles Evans đã leo lên cách đỉnh núi 91m thì phải quay lại vì các vấn đề về oxy. Hai ngày sau, cặp thứ hai là nhà leo núi người New Zealand Edmund Hillary và Norgay đã leo được đến đỉnh và chụp một vài bức ảnh, để lại đây một ít đồ ngọt và cây thánh giá.

Ngày nay, dù ngọn núi đã trở nên dễ leo hơn nhưng cũng có nhiều nguy hiểm rình rập các nhà thám hiểm hơn. Một nghiên cứu năm 2022 cho biết các sông băng ở Everest đang tan rất nhanh do biến đổi khí hậu, khiến cho các vụ tuyết lở xảy ra thường xuyên hơn. Theo Live Science, sông băng South Col cao nhất thế giới đã mỏng đi 55m trong vòng 25 năm qua. Tuy vậy, nhiệt độ ấm lên và băng tan lại khiến cho đường chinh phục đỉnh núi dễ dàng hơn.

Công nghệ phát triển cũng góp phần giúp các chuyến leo núi được an toàn hơn. Ngày nay việc bổ sung dễ dàng oxy từ những thiết bị hiện đại trong quá trình leo núi và khi cảm thấy kiệt sức, các nhà thám hiểm sẽ được máy bay trực thăng đưa xuống núi.

Đỉnh Everest luôn là địa điểm chinh phục hấp dẫn các nhà leo núi chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư trên khắp thế giới. Các đoàn leo núi thường nhờ cậy vào những người dân tộc Sherpa làm người dẫn đường vì họ nổi tiếng hiểu biết kiến thức về dãy núi Himalaya cũng như kỹ năng leo núi. Leo hơn 3.350m từ trại nền lên đến đỉnh núi trong môi trường oxy rất loãng không phải là điều dễ đạt được. Chứng say độ cao, thời tiết, gió và trong một số ít trường hợp, rối loạn tâm thần do độ cao là những trở ngại lớn để chinh phục đỉnh núi này.

"Nó giống như vừa nín thở vừa leo một chặng bậc thang, mà không chỉ là bất kỳ bậc thang nào, mà cứ như là bậc thang trong tòa nhà 102 tầng Empire State tại New York, Mỹ", nhà leo núi kỳ cựu và người giữ kỷ lục thế giới Alan Arnette nói với Live Science.

Cho đến nay, đã có hơn 6.000 người đã chinh phục được đỉnh Everest nhưng ghi nhận hơn 300 người đã bỏ mạng khi cố gắng leo lên đó. Trong số những người đặt chân được lên đỉnh Everest, 80% là leo từ năm 2.000 đến nay.

Đỉnh Everest được bao quanh bởi một số đỉnh đáng kể, bao gồm Lhotse (27.940 feet, hoặc 8.516m), Nuptse (25.791 feet, hoặc 7.861m) và Changtse (24.803 feet, hoặc 7.560m), theo Britannica.

Các nhà khoa học cho biết, các đỉnh núi có độ cao lớn hơn thường không thể hỗ trợ sự sống cho động vật hoặc thảm thực vật. Cây bạch dương, cây bách xù, cây thông xanh, tre và cây đỗ quyên phát triển ở các khu vực thấp hơn của Everest. Một loại thảo mộc có tên khoa học là Saxifraga lychnitis, mọc ở độ cao 6.480m trên sườn núi Everest. Hươu xạ, bò Tây Tạng, gấu trúc đỏ, báo tuyết và gấu đen Himalaya cũng được tìm thấy sống ở độ cao dưới 5.000m. Ngoài ra còn có một số lượng nhỏ dê núi sừng ngắn Himalaya, khỉ voọc, thỏ rừng, cáo núi, và sói Himalaya cũng sống ở những khu vực quanh đỉnh núi.

eve-3.png
Một con dê núi sống trên một dãy núi đá gần khu vực đỉnh núi Everest - Ảnh: Getty

Một số cột mốc quan trọng của đỉnh Everest

Năm 1895: Andrew Waugh, chỉ huy khảo sát người Anh đề nghị đặt tên cho đỉnh núi cao nhất thế giới theo tên người tiền nhiệm của ông, ngài George Everest.

Năm 1921: Nhà thám hiểm người Anh George Mallory lập bản đồ tiếp cận đỉnh núi từ sườn phía bắc.

Năm 1953: Tenzing Norgay và Edmund Hillary trở thành hai nhà thám hiểm đầu tiên chính thức chinh phục được đỉnh Everest.

Năm 1965: Người dân tộc Sherpa Nawang Gombu trở thành người đầu tiên chỉnh phục đỉnh Everest hai lần.

Năm 1975: Junko Tabei của Nhật Bản trở thành người phụ nữ đầu tiên leo lên đỉnh Everest.

Năm 1980: Nhà leo núi Nhật Bản Yasuo Kato là người tiếp theo chinh phục hai lần đỉnh Everest (lần đầu vào năm 1973). Kato đã thiệt mạng vào năm 1983 khi cố gắng chinh phục đỉnh Everest lần thứ 3.

Năm 1980: Nhà leo núi người Ý Reinhold Messner là người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest một mình.

Năm 1996: 16 người thiệt mạng khi leo lên đỉnh Everest, số người chết nhiều nhất trong một năm tính đến thời điểm đó.

Năm 2010: Người dân tộc Sherpa có tên Apa đạt kỷ lục tới đỉnh Everest lần thứ 20 (lần đầu vào năm 1990).

Năm 2013: Ở tuổi 80, nhà leo núi người Nhật Bản Minura Yūichirō trở thành người già nhất chinh phục đỉnh Everest.

Năm 2015: Trận động đất Gorkha, Nepal gây ra một trận tuyết lở trên Everest, khiến 22 người thiệt mạng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
34 phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Everest được coi là một trong những đỉnh núi chết chóc nhất thế giới