Sau hai năm đóng cửa để chống dịch COVID-19, Nhật Bản sẽ mở rộng cửa đón du khách trở lại nhưng phải đối mặt với khó khăn thiếu nhân sự trong ngành khách sạn.

Nhật Bản mở cửa đón du khách nhưng lo thiếu nhân viên khách sạn

Bảo Vĩnh | 10/10/2022, 18:40

Sau hai năm đóng cửa để chống dịch COVID-19, Nhật Bản sẽ mở rộng cửa đón du khách trở lại nhưng phải đối mặt với khó khăn thiếu nhân sự trong ngành khách sạn.

japan-tourist-2.jpg
Du khách trước Đền Sensoji ở Tokyo - Ảnh: Asahi Shimbun

Từ ngày 11.10, Nhật Bản sẽ tái lập chương trình nhập cảnh miễn visa cho du khách từ 68 quốc gia và lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Đồng thời, hủy bỏ quy định chỉ cho phép nhập cảnh 50.000 khách/ngày và hủy lệnh cấm du khách đi lẻ từng ban hành hồi tháng 6.

Cũng từ ngày mai, người nhập cảnh (bao gồm cả người Nhật trở về nước) không phải xét nghiệm lấy kết quả âm tính 72 giờ trước khi đến Nhật và sẽ không phải tự cách ly trừ khi có những triệu chứng như sốt cao.

Khách sạn có quyền không nhận khách không đeo khẩu trang

Kể tháng 2.2020, khi chính phủ Nhật không cho phép nhập cảnh đối với người đến từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nơi dịch COVID-19 lan mạnh, Nhật đã đưa ra những quy định hạn chế nhập cảnh.

Nhưng hiện nay, các lệnh hạn chế này cũng đã được bỏ ngoại trừ yêu cầu người nhập cảnh phải chứng minh đã tiêm phòng vắc xin mũi ba hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đến Nhật.

Hiện Nhật vẫn khuyến khích mọi người đeo khẩu trang khi ở trong nhà và không nói to. Chính phủ Nhật hôm 7.10 phê chuẩn thay đổi các quy định đối với ngành khách sạn, cho phép họ từ chối nhận khách nếu không tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Các biện pháp kích cầu du lịch nội địa - như chương trình hỗ trợ du lịch quốc gia - cũng sẽ được khởi động nhằm tăng tốc chủ trương “sống chung với COVID-19” để phục hồi nền kinh tế.

Chương trình hỗ trợ du lịch quốc gia có trợ giá 40% cho chi phí di chuyển bằng các phương tiện vận tải công công và lưu trú, cùng với các tem phiếu lương thực - thức uống. Mức trợ giá tối đa cho một người/ngày là 11.000 yên.

Chính quyền thành phố Tokyo có kế hoạch bắt đầu chương trình trợ giá này từ ngày 20.10. Chương trình khuyến mãi có trợ giá 20% (tối đa 2.000 yên) cho giá vé xem phim, xem thi đấu thể thao cùng các sự kiện giải trí khác cũng sẽ được thực hiện.

japan-tourist-thai-lan.jpeg
Giới trẻ Thái Lan đi du lịch Nhật - Ảnh: AP

Mục tiêu đạt 35 tỉ USD từ khách du lịch

Các hãng máy bay lớn của Nhật như Japan Airlines và All Nippon Airways đang tăng số chuyến bay để đáp ứng nhu cầu du lịch tăng cao. Các chuyến bay của các hãng đã nối lại từ nhiều tháng trước, gồm các hành trình đi và đến những nơi như Honolulu, Frankfurt, New York, Seoul và Paris. Chúng không chỉ đáp ứng dòng du khách đang đến, mà còn nhắm vào người Nhật muốn đón kỳ nghỉ Noel và năm mới ở nước ngoài.

Japan Airlines cho biết số chuyến bay trong nước đã tăng gấp 3 lần kể từ khi Nhật nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh hồi tháng 6. Nhưng lãnh đạo hãng nói phải đến năm 2025 thì nhu cầu du lịch quốc tế mới phục hồi hoàn toàn.

Thủ tướng Kishida Fumio hôm 9.10 đã bày tỏ sự kỳ vọng ngành du lịch giúp phục hồi nền kinh tế và hưởng lợi từ việc tỷ giá đồng yên hạ thấp đáng kể so với đồng USD (hiện 1 USD đổi được 145 yên), điều sẽ khiến du khách vung tiền mua các sản phẩm như đồ dùng điện tử, đồng hồ, các vật lưu niệm như kiếm samurai hay mèo thần tài.

japan-tourist-yomiuri.jpg
Hành khách ở sảnh đi của sân bay Haneda - Ảnh: Yomiuri Shimbun

Thủ tướng Kishida hồi tuần trước nói chính phủ đặt mục tiêu mỗi năm đạt được 5 ngàn tỉ yên (34,5 tỉ USD) từ khoản chi tiêu của du khách. Nhưng theo báo Nhật Asahi Shimbun, có lẽ mục tiêu này là quá tham vọng đối với một ngành bị suy yếu nặng trong dịch COVID-19. Số nhân viên khách sạn đã giảm 22% từ năm 2019 đến 2021, theo dữ liệu chính phủ.

Khoản chi tiêu từ du khách nước ngoài sẽ chỉ đạt 2,1 ngàn tỉ yên kể từ năm 2023, và sẽ không vượt quá mức du khách đến Nhật thời trước dịch COVID-19, cho đến năm 2025, theo nhà kinh tế học Takahide Kiuchi của Viện Nghiên cứu Nomura viết trong một báo cáo.

Tính trong năm 2022, lượng du khách nước ngoài đến Nhật cho đến nay chỉ đạt nửa triệu lượt, so với mức kỷ lục 31,8 triệu lượt khách trong năm 2019 - trước khi xảy ra dịch COVID-19. Chính phủ Nhật đã kỳ vọng có 40 triệu lượt khách trong năm 2020.

Mảng lữ hành và du lịch năm 2019 đóng góp hơn 7% vào nền kinh tế Nhật, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới.

japan-tourist-3(1).jpg
Hướng dẫn viên Nhật chờ khách tham quan - Ảnh: AP

Vấn nạn thiếu nguồn nhân lực của ngành khách sạn

Trước làn sóng du khách nước ngoài trở lại (theo đoàn du lịch hoặc đi lẻ), các cửa hiệu bán dụng cụ điện tử, hàng không và các điểm đến du lịch ở Nhật đặt nhiều kỳ vọng sẽ phục hồi hoạt động mạnh mẽ.

Nhưng một vấn nạn được đặt ra là tình trạng các cửa hàng trông nhờ vào dòng du khách đã phải đóng cửa vì không có nhân viên bán hàng. Chuỗi cửa hàng bán lẻ Laox đã đóng cửa ở phố khu mua sắm Akihabara, chỉ duy trì cửa hàng ở sân bay quốc tế Narita và ở cố đô Kyoto.

Narita là sân bay quốc tế lớn nhất của Nhật, cách thủ đô Tokyo khoảng 70km. Một nửa trong tổng số 260 cửa hiệu bán hàng và nhà hàng ở đây đã đóng cửa.

Nhiều nhân công ngành dịch vụ đã tìm được chỗ làm tốt hơn và lương cao hơn ở các lĩnh vực khác trong hai năm qua, nên việc kéo họ quay lại ngành dịch vụ là khá khó khăn, theo một nhà tư vấn giấu tên của các công ty du lịch Nhật nói với Reuters.

Người này nói thêm: “Ngành khách sạn nổi tiếng là lương thấp nên nếu như chính phủ đánh giá ngành du lịch là một ngành chủ lực, thì có lẽ sự hỗ trợ về tài chính hoặc trợ giá là cần thiết”.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Teikoku Databank, gần 73% các khách sạn ở Nhật thiếu nhân sự đáng kể từ tháng 8, tăng khoảng 27% so với năm ngoái.

Bài liên quan
Sau hai năm đóng biên giới, Nhật Bản vừa mở cửa đón du khách nước ngoài
Sau hai năm đóng cửa biên giới để chống dịch COVID-19, Nhật Bản từ ngày 10.6 mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại, với điều kiện du khách đi theo đoàn và luôn có hướng dẫn viên đi cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản mở cửa đón du khách nhưng lo thiếu nhân viên khách sạn