Cá mập Greenland, rùa Galapagos và cá voi thường trưởng thành muộn và có thể sống hàng thế kỷ. Con người cũng có những điều kiện để tiến hóa như vậy.

Vì sao loài người đang tiến hóa sinh học để sống thọ hơn 100 tuổi?

Anh Tú | 18/02/2023, 19:46

Cá mập Greenland, rùa Galapagos và cá voi thường trưởng thành muộn và có thể sống hàng thế kỷ. Con người cũng có những điều kiện để tiến hóa như vậy.

Nếu loài người không đối mặt với ngày tận thế vì biến đổi khí hậu hoặc bị thiên thạch bắn phá Trái đất trong 10.000 năm tới, liệu chúng ta có khả năng tiến hóa xa hơn thành một loài tiên tiến hơn so với những gì chúng ta đang hiện hữu không?

Nhân loại là kết quả không chắc chắn của 4 tỉ năm tiến hóa

Từ các phân tử tự tái tạo ở vùng biển Archean (sự sống khởi phát ở cấp thấp nhất), đến loài cá không mắt ở tầng sâu kỷ Cambri, đến động vật có vú chạy trốn khỏi khủng long trong bóng đêm và giờ tiến hóa thành chúng ta. Chắc chắn quá trình tiến hóa sẽ không dừng lại.

Các thế hệ sau không phải lúc nào cũng dập khuôn y như thế hệ trước. Những lỗi xảy ra khi sao chép gien đôi khi khiến chúng phù hợp hơn với môi trường, vì vậy những gien đó có xu hướng được truyền lại. Nhiều thế hệ sau nữa nối tiếp và nhiều lỗi sao chép hơn, quá trình lặp lại qua hàng tỉ thế hệ. Cuối cùng, người tinh khôn (Homo sapiens) xuất hiện. Nhưng chúng ta không phải là kết thúc của câu chuyện đã kéo dài 3 tỉ năm đó. Sự tiến hóa sẽ không dừng lại với chúng ta và thậm chí chúng ta có thể đang tiến hóa nhanh hơn bao giờ hết.

tienhoa.jpg
Loài người đang tiến hóa nhanh hơn bao giờ hết

Thật khó để dự đoán tương lai. Thế giới có thể sẽ thay đổi theo những cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Nhưng chúng ta có thể đưa ra những phỏng đoán có khoa học. Nghịch lý thay, cách tốt nhất để dự đoán tương lai có lẽ là nhìn lại quá khứ và giả định rằng các xu hướng trong quá khứ sẽ tiếp tục phát triển. Điều này cho thấy một số điều đáng ngạc nhiên về tương lai của chúng ta.

Chúng ta có thể sẽ sống lâu hơn và trở nên cao lớn hơn, cũng như nhẹ cân hơn. Chúng ta có lẽ sẽ ít hung hăng hơn và hòa đồng hơn, nhưng có bộ não nhỏ hơn... Nhưng để hiểu tại sao lại giả định điều đó có thể xảy ra, chúng ta cần xem xét sinh học.

Sự kết thúc của chọn lọc tự nhiên?

Một số nhà khoa học đã lập luận rằng sự trỗi dậy của nền văn minh đã chấm dứt sự chọn lọc tự nhiên. Đúng là những áp lực có chọn lọc thống trị trong quá khứ – kẻ săn mồi, nạn đói, bệnh dịch, chiến tranh – hầu như đã biến mất.

Nạn đói và khan hiếm lương thực phần lớn đã được chấm dứt nhờ cây trồng năng suất cao, phân bón và kế hoạch hóa gia đình. Bạo lực và chiến tranh ít phổ biến hơn, mặc dù các nước có quân đội hiện đại với vũ khí hạt nhân. Những con sư tử, chó sói và mèo răng kiếm săn lùng chúng ta trong quá khứ giờ đang bị đe dọa hoặc tuyệt chủng. Những bệnh dịch đã giết chết hàng triệu người như đậu mùa, dịch hạch, dịch tả… đã được chế ngự bằng vắc-xin, thuốc kháng sinh, nước sạch.

Nhưng sự tiến hóa không dừng lại; những thứ khác điều chỉnh nó bây giờ. Sự tiến hóa không liên quan nhiều đến sự sống sót của kẻ mạnh nhất mà là sự sinh sản của kẻ mạnh nhất. Ngay cả khi thiên nhiên ít có khả năng giết chúng ta hơn, chúng ta vẫn cần tìm bạn đời và nuôi dạy con cái, vì vậy lựa chọn giới tính hiện đóng một vai trò lớn hơn trong quá trình tiến hóa của chúng ta.

Và nếu thiên nhiên không còn kiểm soát quá trình tiến hóa của chúng ta nữa, thì môi trường phi tự nhiên mà chúng ta đã tạo ra như văn hóa, công nghệ, lối sống đô thị... sẽ là những áp lực chọn lọc mới rất không giống với những áp lực mà chúng ta phải đối mặt trong kỷ băng hà.

Và quá trình đó đã bắt đầu. Khi chế độ ăn uống của chúng ta thay đổi sang chủ yếu là ngũ cốc và sữa, chúng ta đã tiến hóa các gien để giúp chúng ta tiêu hóa tinh bột và sữa. Khi các thành phố đông đúc tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan, các đột biến kháng bệnh cũng theo đó mà phổ biến. Và vì một số lý do, bộ não của chúng ta đã trở nên nhỏ hơn. Môi trường không tự nhiên tạo ra sự lựa chọn không tự nhiên.

Để dự đoán điều này sẽ đi đến đâu, chúng ta sẽ xem xét lịch sử của chúng ta, nghiên cứu các xu hướng trong 6 triệu năm tiến hóa vừa qua. Một số xu hướng sẽ tiếp tục, đặc biệt là những xu hướng đã xuất hiện trong 10.000 năm qua, sau khi nền nông nghiệp và nền văn minh ra đời.

Chúng ta cũng đang phải đối mặt với những áp lực chọn lọc mới, chẳng hạn như... tỷ lệ tử vong giảm. Nghiên cứu quá khứ không giúp ích nhiều ở đây, nhưng chúng ta có thể thấy các loài khác phản ứng thế nào với những áp lực tương tự. Sự tiến hóa ở động vật nuôi trong nhà có thể đặc biệt liên quan. Ở chừng mực nào đó, nó có thể cho thấy chúng ta đang trở thành một loại vượn được thuần hóa, nghe thật kỳ lạ, nhưng chúng ta là một loài được chính chúng ta thuần hóa. Từ đó, người ta có thể suy đoán một số thứ, đặc biệt là tuổi thọ.

Lười sinh sớm giúp sống thọ hơn

Con người gần như chắc chắn sẽ tiến hóa để sống lâu hơn và thọ hơn nữa. Về lý thuyết, vòng đời mỗi loài phải phát triển để đáp ứng với tỷ lệ tử vong, khả năng những kẻ săn mồi và các mối đe dọa khác tiêu diệt. Khi tỷ lệ tử vong cao, động vật phải sinh sản rất sớm nếu không sẽ bị tuyệt chủng. Các loài có tỷ lệ tử vong cao cũng không có lợi ích gì khi tiến hóa các đột biến ngăn ngừa lão hóa hoặc ung thư vì sẽ không sống đủ lâu để đối mặt với bệnh tật.

Khi tỷ lệ tử vong thấp, thì ngược lại. Các loài dành nhiều thời gian để trưởng thành đến tuổi phát dục. Cũng rất hữu ích khi có những sự thích nghi giúp kéo dài tuổi thọ và độ tuổi có khả năng sinh sản,  đó là giúp có thêm thời gian để sinh sản. Đó là lý do tại sao các loài động vật có ít kẻ thù săn mồi như động vật sống trên đảo hoặc dưới đáy đại dương sâu thẳm, hoặc đơn giản là to lớn đã tiến hóa để có tuổi thọ cao hơn. Cá mập Greenland, rùa Galapagos và cá voi thường trưởng thành muộn và có thể sống hàng thế kỷ.

rua.jpg
Rùa Galapagos sống rất dai

Ngay cả trước nền văn minh, con người là loài duy nhất trong số các loài linh trưởng có tỷ lệ tử vong thấp và tuổi thọ cao. Những người săn bắn hái lượm được trang bị giáo và cung tên có thể chống lại những loài săn mồi; chia sẻ thức ăn ngăn chặn nạn đói. Vì vậy, chúng ta đã tiến hóa thành thục sinh dục muộn và tuổi thọ dài - lên tới 70 năm.

Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở trẻ em vẫn cao - lên tới 50% hoặc hơn trước độ tuổi 15. Tuổi thọ trung bình chỉ là 35 tuổi. Ngay cả sau khi nền văn minh phát triển, tỷ lệ tử vong ở trẻ em vẫn ở mức cao cho đến thế kỷ 19, trong khi tuổi thọ thậm chí giảm xuống còn 30 năm do bệnh dịch và nạn đói.

Sau đó, trong hai thế kỷ qua, chế độ dinh dưỡng, thuốc men và vệ sinh tốt hơn đã giúp giảm tỷ lệ tử vong ở thanh thiếu niên xuống dưới 1% ở hầu hết các quốc gia phát triển. Tuổi thọ tăng vọt lên 70 tuổi trên toàn thế giới và thậm chí lên 80 ở các nước phát triển. Những sự gia tăng này là do trình độ y tế được cải thiện chứ không phải sự tiến hóa nhưng chúng tạo tiền đề cho sự tiến hóa để kéo dài tuổi thọ của chúng ta.

Bây giờ, có rất ít nhu cầu sinh sản sớm. Trên con đường học tập trau dồi trong sự nghiệp để trở thành một tiến sĩ, một doanh nhân... sẽ khiến bạn không muốn có con sớm. Và vì tuổi thọ của chúng ta đã tăng gấp đôi, nên việc thích nghi để kéo dài tuổi thọ và số tuổi sinh đẻ giờ đây trở nên thuận lợi. Càng ngày càng có nhiều người sống đến 100 hoặc thậm chí 110 tuổi (kỷ lục là 122 tuổi) thì có lý do để nghĩ rằng gien của chúng ta có thể tiến hóa cho đến khi một người bình thường sống 100 tuổi hoặc thậm chí hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
42 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao loài người đang tiến hóa sinh học để sống thọ hơn 100 tuổi?