Thống kê cho thấy, hiện nay tại các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh, số bệnh nhân bị suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo lên đến 70%, thậm chí có những bệnh nhân chỉ mới tuổi đôi mươi.
Có đến 60 - 70% bệnh nhân chạy thận là những người trẻ
Hôm nay (14.3) là ngày Thận học thế giới, cũng là lúc thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh vượt bậc về các kỹ thuật mới trong điều trị bệnh nhân bị suy thận mạn, đặc biệt bệnh ở giai đoạn cuối.
Nếu như trước đây, bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối xem như đã bị “thần chết” gõ cửa, chỉ chờ ngày ra đi, nhưng sau đó kỹ thuật lọc thận nhân tạo ra đời giúp bệnh nhân kéo dài sự sống. Ngày nay, với sự tiến bộ hơn nữa của y học, thực hiện kỹ thuật ghép thận để thay thế quả thận đã bị hư nhằm giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt.
Tuy nhiên, theo PGS-TS-BS Đỗ Kim Quế - Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), mỗi năm Việt Nam có khoảng 7.500 ca ghép tạng, trong đó chiếm phần lớn là ghép thận. Trong khi đó, nguồn tạng để thực hiện cho các ca ghép thận đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn tạng để ghép thận hiện nay đến từ người cho còn sống và người cho chết não, nhưng chủ yếu đến từ người cho còn sống. Điển hình tại Bệnh viện Thống Nhất, trong số 11 ca ghép thận tại đây, toàn bộ đều là từ người cho còn sống, trong đó có 9 ca có cùng huyết thống và 2 ca không cùng huyết thống.
“Mặc dù y học có nhiều tiến bộ, nhiều người sẵn sàng hiến tạng, nhất là tạng từ người chết não, nhưng chủ yếu nguồn tạng vẫn từ người cho sống, nên không đủ. Trong đó, nguồn tạng người cho còn sống đến từ những người có cùng huyết thống, nhưng không phải người cùng huyết thống nào cũng đảm bảo đủ điều kiện, nhiều người có yếu tố nguy cơ không thể cho người thân được”, bác sĩ Quế nói.
Ngoài ra, không phải người suy thận giai đoạn cuối nào cũng ghép thận được mà phải đảm bảo được sức khỏe để có thể sử dụng thuốc chống thải ghép sau khi ghép thận. Việc ghép thận từ người cho sống liên quan đến 2 con người, phải làm sao đảm bảo được sức khỏe của cả người cho và người nhận.
Điều đáng nói, hiện nay tình trạng bệnh nhân bị suy thận mạn đang tăng cao ở người trẻ. PGS-TS-BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Thống Nhất) cho biết thống kê tại các bệnh viện cho thấy bệnh nhân dưới 60 bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận chiếm từ 60 đến 70%, trong đó những bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm một số lượng lớn, thậm chí có những bệnh nhân chưa đầy 20 tuổi.
Ngay như tại Bệnh viện Thống Nhất - một bệnh viện chuyên về lão khoa, nhưng số bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận tại đây chiếm đến 20%, thậm chí có bệnh nhân mới 17 tuổi đã bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận ở đây hơn 3 năm qua.
Điều đó cho thấy vấn đề quan trong hiện nay là phòng ngừa, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu đã lỡ mắc bệnh thận thì cần phát hiện sớm để điều trị kịp thời, không để đến giai đoạn cuối phải chạy thận, hay ghép thận rất tốn kém và mất nhiều thời gian.
Chủ quan trong ăn uống và lạm dụng sử dụng thuốc
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Bách, hiện nay Bệnh viện Thống Nhất đang tổ chức triển khai chương trình tầm soát miễn phí bệnh thận cho 10.000 người trẻ tuổi ở các khu dân cư và công nhân ở các khu công nghiệp kéo dài trong vòng 1 năm. Thực tế cho thấy những người mắc bệnh suy thận mạn thường là những công nhân, gia đình nghèo, không có điều kiện để đi kiểm tra tầm soát bệnh thận.
“Chúng tôi sẽ đo huyết áp, xét nghiệm tầm soát nước tiểu, xét nghiệm máu. Chi phí cho những việc kiểm tra trên tốn không quá nhiều. Nếu những người có nước tiểu không bình thường, chức năng thận giảm thì chúng tôi sẽ tách ra để làm xét nghiệm chuyên sâu nhằm xác định bệnh nhân đó có bị bệnh thận hay không”, bác sĩ Bách cho biết.
Theo phân tích của bác sĩ Bách, những người trẻ tuổi mắc bệnh thận ngày càng nhiều do họ chủ quan trong sinh hoạt, ăn uống và lạm dụng sử dụng thuốc hằng ngày.
“Có nhiều nguyên nhân khiến cho người trẻ mắc bệnh suy thận mạn gia tăng nhưng nguyên nhân chủ yếu là bệnh viêm cầu thận và viêm ống thận do sử dụng thức ăn và thuốc không đúng cách. Hiện nay, nhiều người trẻ, cứ thấy ho, cảm, sốt là tự ra nhà thuốc tây mua thuốc về uống, không cần khám bệnh, đó là chưa kể sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc”, bác sĩ Bách nhấn mạnh.
Để phòng bệnh thận, bác sĩ Bách khuyến cáo mọi người nên tập thể dục thường xuyên; hạn chế việc sử dụng đạm động vật và nhiều muối; phòng ngừa bệnh lý đái tháo đường, cao huyết áp; không được hút thuốc lá; xét nghiệm chức năng thận, nước tiểu định kỳ mỗi năm; không được tự ý sử dụng thuốc, nhất là các thuốc giảm đau; thường xuyên uống nước.
“Mỗi ngày khi khởi đầu làm việc, những người trẻ nên bắt đầu bằng việc uống khoảng 300ml nước lọc, đồng thời quan sát nước tiểu, nếu thấy bất thường (màu đỏ, có bọt…) thì phải đi kiểm tra ngay, còn nếu thấy nước tiểu có màu vàng là do thiếu nước, cần phải bổ sung nước uống”, bác sĩ Bách khuyên.