Cô gái 25 tuổi chết não đã hiến tạng cứu bé trai bị suy thận mạn giai đoạn cuối, có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.

Bé trai suy thận giai đoạn cuối được cứu nhờ tạng của cô gái trẻ chết não

Hồ Quang | 09/09/2022, 16:00

Cô gái 25 tuổi chết não đã hiến tạng cứu bé trai bị suy thận mạn giai đoạn cuối, có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.

Ngày 9.9, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết đã ghép thận thành công cho một bé trai 15 tuổi (quê Đồng Nai) từ người cho chết não là cô gái 25 tuổi. Bé trai này bị suy thận mạn giai đoạn cuối được thẩm phân phúc mạc. Tháng 4.2020, bệnh nhi này phải nghỉ học và chạy thận nhân tạo mỗi tuần 3 lần tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.

be-trai-suy-than-giai-doan-cuoi-duoc-co-gai-25-tuoi-chet-nao-giup-khoi-benh-hinh-anh(1).png
Các bác sĩ tiến hành ghép thận cho bệnh nhi 15 tuổi bị suy thận mạn giai đoạn cuối - Ảnh: PV

Tình trạng của bệnh nhi ngày càng xấu đi sau khi chạy thận, có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Đến tháng 10.2020, bệnh nhi được đăng ký vào danh sách chờ ghép thận từ người hiến chết não.

Bác sĩ Võ Thị Tường Vy - khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh nhi chờ đằng đẵng suốt hơn 2 năm dài nhưng vẫn không có thận phù hợp từ người cho chết não. Cha của bé có dự định cho thận nhưng vì tuổi cao và lại là lao động duy nhất trong gia đình nên không thể.

May mắn là vào ngày 20.8 vừa qua, bệnh viện nhận được tin báo có người hiến chết não từ Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngay lập tức Bệnh viện Nhi đồng 2 kích hoạt báo động đỏ. Sau khi tiến hành phản ứng đọ chéo trước ghép âm tính, hoàn tất các xét nghiệm tiền phẫu, khám chuyên khoa, đăng ký máu, chạy thận nhân tạo.

Trưa 21.8, ê kíp ghép thận Bệnh viện Nhi đồng 2 cùng với bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành hội chẩn. Sau khi thận của người cho chết não được lấy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nam bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng được chuyển vào phòng mổ. Đúng 16 giờ 30 ngày 21.8, thận của người chết não được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 và tiến hành ghép cho bệnh nhi.

“Ca ghép kéo dài gần 4 giờ đồng hồ, đến 21 giờ cùng ngày thì thực hiện thành công. Ngay sau ca ghép, bệnh nhi đã có thể tiểu được và chức năng thận cải thiện, tưới máu thận tốt, thận không ứ nước. Đến sáng 22.8, bệnh nhi được rút nội khí quản. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhi đã xuất viện”, bác sĩ Vy chia sẻ.

Theo bác sĩ Vy, hiện bệnh nhi đang tái khám 3 ngày/lần trong tháng đầu, sau đó sẽ tái khám 1 tuần/lần và 1 tháng/lần. Sau 6 tháng bệnh nhi có thể đi học trở lại.

BSCK2 Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết gia đình bệnh nhi rất khó khăn, không có tiền để trả chi phí cho ca ghép thận. Do đó, toàn bộ chi phí ghép thận đều được bệnh viện vận động từ nguồn lực xã hội để hỗ trợ. Hiện bệnh viện đã huy động được hơn 200 triệu đồng cho chi phí của ca ghép thận này.

Quá xúc động khi chứng kiến con trai mình khỏe mạnh, mẹ của bệnh nhi nức nở khóc cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy. Bà cho biết gia đình mình rất nghèo, khi phát hiện con bị suy thận mạn giai đoạn cuối thì cả nhà gần như bất lực.

“Nhờ Bệnh viện Nhi đồng 2 mà con tôi được cứu sống, cháu như sống lại lần 2. Không chỉ bệnh viện mổ ghép thận thành công mà còn lo cả chi phí cho cháu. Nếu không thì gia đình tôi cũng chẳng biết làm sao. Tôi chỉ biết cảm ơn mà thôi chứ không biết nói gì nữa”, mẹ bệnh nhi nghẹn ngào nói trong nước mắt.

Bác sĩ Tùng cho biết, đây là ca ghép thận từ người cho chết não thứ 2 và là ca ghép thận thứ 23 kể từ ca ghép đầu tiên vào năm 2004 tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

“Chúng tôi là bệnh viện nhi duy nhất phía Nam thực hiện ghép gan, thận, tế bào gốc. Đến nay thường quy việc ghép gan, thận… được bệnh viện chủ động hoàn toàn, không lệ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài nữa”, bác sĩ Tùng nói.

Theo bác sĩ Tùng, trước đây bệnh viện thường thực hiện các ca ghép thận ở người cho sống. Nguồn tạng có sự giới hạn, không nhiều bởi người cho là người thân trong gia đình, họ hàng và phụ thuộc vào tính tương thích, điều kiện kinh tế. Đó là trở ngại đối với nhiều gia đình không có điều kiện hoặc người hiến có bệnh lý, trong khi nhu cầu ghép thận ở trẻ em hiện nay nhiều và có chiều hướng tăng. Nguồn tạng nói chung và thận nói riêng từ người cho chết não là vô cùng quý báu, đồng thời là xu hướng chung trên thế giới. Điều này nên được duy trì và phổ biến trong văn hóa hiến tạng ở Việt Nam.

GS.BS Trần Đông A - cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hiện nay việc ghép tạng từ người cho chết não tại Việt Nam vẫn còn quá khiêm tốn. Trong số hơn 6.500 bệnh nhân được ghép thận, chỉ có khoảng 5% ca ghép từ người cho chết não, ngưng tim.

Hiện nay luật của Việt Nam chưa cho phép người cho tạng dưới 18 tuổi. Đây là một bất cập khiến nguồn tạng chết não ở trẻ em không có, ảnh hưởng đến nguồn tạng ghép cho bệnh nhân.

“Nếu nói người dưới 18 tuổi không cho phép hiến tạng thì có thể chấp nhận được, vì họ còn trẻ, tương lai còn ở phía trước, chứ người chết não rồi mà không cho nhận tạng thì quá phi lý. Chúng ta nên nhớ rằng, tạng của trẻ sơ sinh ghép cho người lớn sẽ rất tốt, vì nó còn phát triển nữa. Điều này cả thế giới đã làm hết. Chúng tôi đang kiến nghị sửa đổi điều này”, bác sĩ Đông A chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
9 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bé trai suy thận giai đoạn cuối được cứu nhờ tạng của cô gái trẻ chết não