Trong một lá thư gửi Ủy ban Hạ viện về Năng lượng và Thương mại trong tuần này, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) thừa nhận đã tài trợ cho phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Viện Y tế quốc gia Mỹ thừa nhận tài trợ cho phòng thí nghiệm Vũ Hán nghiên cứu coronavirus

Hoàng Vũ | 24/10/2021, 14:18

Trong một lá thư gửi Ủy ban Hạ viện về Năng lượng và Thương mại trong tuần này, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) thừa nhận đã tài trợ cho phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Trong lá thư gửi cho các thành viên của Ủy ban Hạ viện hôm 20.10, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã thừa nhận 2 sự thật.

Một là NIH đã tài trợ cho nhóm nghiên cứu EcoHealth Alliance - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York - hợp tác với các phòng thí nghiệm ở xa để nghiên cứu và ngăn chặn sự bùng phát của các bệnh mới nổi. Nhóm này sau đó đã chuyển khoản tiền tới Viện Vi rút học Vũ Hán để tìm hiểu về nguy cơ vi rút corona từ dơi lây nhiễm sang người.

Thứ hai là EcoHealth Alliance đã vi phạm các điều khoản của điều kiện tài trợ.

Trước đó, điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 5, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (thuộc NIH) Anthony Fauci thừa nhận, NIH đã tài trợ  cho phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Quốc để nghiên cứu.

106913815-16268047142021-07-20t175144z_1420565605_rc2eoo92b0ig_rtrmadp_0_health-coronavirus-usa-senate(1).jpeg
Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) Anthony Fauci - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ông Anthony Fauci cho rằng, việc tài trợ cho nghiên cứu của phòng thí nghiệm Vũ Hán là cần thiết để tìm hiểu, nghiên cứu xem liệu vi rút có thể lây nhiễm từ dơi sang người hay không. Ông khẳng định việc NIH tài trợ cho nghiên cứu là cần thiết, khi đợt bùng phát dịch SARS vào đầu những năm 2000 cũng bắt nguồn từ loài dơi. Một phát ngôn viên của NIH cho biết tiến sĩ Fauci “hoàn toàn trung thực trong các tuyên bố của mình trước Quốc hội”.

Đáng chú ý, bức thư từ NIH kèm theo một kết quả phân tích, theo đó, vi rút mà EcoHealth Alliance cùng Viện Vi rút học Vũ Hán đang cùng nhau nghiên cứu không thể gây ra đại dịch SARS-CoV-2, do sự khác biệt về gen giữa hai loại vi rút này. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 20.10, Giám đốc NIH, Tiến sĩ Francis Collins khẳng định rằng bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc nghiên cứu của EcoHealth Alliance có thể gây ra đại dịch SARS-CoV-2 là “không đúng sự thật”.

EcoHealth Alliance cho biết trong một tuyên bố rằng khoa học đã chứng minh rõ ràng rằng nghiên cứu của họ không thể dẫn đến đại dịch và rằng họ đang làm việc với NIH để giải quyết kịp thời về các yêu cầu báo cáo các khoản tài trợ và dữ liệu từ nghiên cứu khi liên kết với Viện Vi rút học Vũ Hán.

Lá thư NIH được công bố sau nhiều tháng Quốc hội Mỹ yêu cầu thêm thông tin minh mạch trước những cáo buộc viện khoa học hàng đầu của Mỹ đã tài trợ và không giám sát đúng cách liên quan đến hợp tác nghiên cứu với Viện Vi rút học Vũ Hán. 

Tờ Vanity Fair cho biết, thay vì giúp dẫn đầu cuộc tìm kiếm nguồn gốc của COVID-19, NIH đã “quanh co”, bảo vệ hệ thống tài trợ và đánh giá khoa học của mình trước làn sóng nghi vấn đang gia tăng.

“Đây là câu chuyện đáng buồn về sự giám sát không đầy đủ, coi thường rủi ro và tầm quan trọng của tính minh bạch. Thật khó hiểu tại sao NIH và EcoHealth Alliance vẫn không giải thích một số bất thường trong báo cáo về khoản tài trợ cho phòng thí nghiệm Vũ Hán”, Tiến sĩ vi sinh vật học tại Đại học Stanford, David Relman, nói.

“NIH tài trợ cho nghiên cứu quốc tế để giúp tìm ra các mầm bệnh mới và ngăn ngừa chống lại chúng. Nhưng họ lại không có cách nào để biết loại vi rút nào đã được thu thập, những thí nghiệm nào đã được tiến hành và những tai nạn nào có thể đã xảy ra”, Alina Chan, một nhà khoa học ở Boston cho biết.

Bức thư của NIH gửi tới Hạ viện Mỹ cũng cho biết rằng cơ quan này sẽ cho EcoHealth Alliance 5 ngày để gửi bất kỳ dữ liệu nào chưa được công bố từ các thử nghiệm mà cơ quan này tài trợ cho Viện Vi rút học Vũ Hán.

Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện hôm 20.10 cho biết họ “không thể chấp nhận được việc NIH đã trì hoãn đề nghị EcoHealth Alliance gửi dữ liệu chưa được công bố về nghiên cứu rủi ro mà họ được yêu cầu".

Khi các nhà khoa học vẫn còn bế tắc về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, một giả thuyết “động trời” vào tháng trước đã nổi lên khi cho rằng EcoHealth Alliance hợp tác với Viện Vi rút học Vũ Hán có thể vô tình làm lây lan đại dịch.

Nghi vấn vi rút SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 có thể đã rò rỉ, vô tình hoặc theo cách nào đó, từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, đã được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra mà không có bằng chứng vào tháng 4 năm 2020. Kể từ đó, đã có nhiều cuộc tranh cãi nổi lên trong giới khoa học liên quan tới giả thuyết này. Mỹ và các đồng minh cũng đã hối thúc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mở cuộc điều tra mới về nguồn gốc COVID-19. 

Theo kết quả đánh giá tình báo do Tổng thống Joe Biden yêu cầu và được công bố hồi tháng 8, cộng đồng tình báo Mỹ vẫn chưa chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về nguồn gốc COVID-19.

Một số cơ quan trong cộng đồng tình báo cho rằng vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện có thể liên quan đến các yếu tố tự nhiên. Tuy nhiên, theo bản đánh giá, các cơ quan này cũng thừa nhận mức độ tin tưởng cho giả thuyết trên là "thấp". Một nhóm khác trong cộng đồng tình báo lại có "niềm tin trung bình" rằng ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở người có khả năng là do "tai nạn trong phòng thí nghiệm, có thể liên quan đến việc thí nghiệm, xử lý động vật hoặc lấy mẫu của Viện Vi rút học Vũ Hán". Cộng đồng tình báo Mỹ thừa nhận họ không thể có "lời giải thích rõ ràng hơn" nếu không có thông tin mới từ Trung Quốc, chẳng hạn như các mẫu lâm sàng và dữ liệu dịch tễ học về các ca bệnh sớm nhất.

Trước đó, nhóm chuyên gia WHO tới Vũ Hán vào đầu năm nay đã không đưa ra kết luận rõ ràng về nguồn gốc đại dịch. Báo cáo chung của WHO và Trung Quốc sau cuộc điều tra cho rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra". Trong báo cáo cuối cùng, nhóm chuyên gia WHO cho biết dữ liệu do các nhà khoa học Trung Quốc cung cấp trong chuyến công tác này không đủ để trả lời các câu hỏi quan trọng về thời gian, địa điểm và cách thức vi rút bắt đầu lây lan.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sau đó thừa nhận là quá sớm để bác bỏ lý thuyết vi rút SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

WHO hồi giữa tháng này cũng đã công bố một danh sách đề xuất gồm các chuyên gia để cố vấn cho tổ chức này về các bước tiếp theo trong việc tìm kiếm nguồn gốc COVID-19 sau khi các nỗ lực trước đó của họ bị chỉ trích. Theo các quan chức WHO, nhóm chuyên gia mới nói trên chịu trách nhiệm điều tra về các khả năng COVID-19 xuất hiện. Trong số này có giả thuyết COVID-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm - giả thuyết đã khiến Trung Quốc tức giận và kiên quyết bác bỏ thời gian qua.

 

Bài liên quan
Apple lên tiếng khi xóa TikTok, CapCut và Lemon8 khỏi App Store ở Mỹ, lượng tìm kiếm VPN tăng vọt
TikTok đã ngừng hoạt động tại Mỹ vào đêm 18.1 và biến mất khỏi cửa hàng ứng dụng của Apple, Google trước khi luật có hiệu lực hôm 19.1 yêu cầu đóng cửa nền tảng được hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viện Y tế quốc gia Mỹ thừa nhận tài trợ cho phòng thí nghiệm Vũ Hán nghiên cứu coronavirus