Giáo sư Đặng Đình Áng, người đã mang toán học hiện đại vào phía Nam đầu thập niên 60, cây đại thụ của ngành toán học Việt Nam, qua đời ngày 29.8, hưởng thọ 94 tuổi.
Giáo sư Áng sinh năm 1926, quê huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Từ năm 1953 đến năm 1955, ông học kỹ thuật hàng không vũ trụ Đại học Kansas, Mỹ rồi nhận bằng cử nhân. Ba năm sau đó, ông vào Viện Công nghệ California và nhận bằng tiến sĩ với luận án về giải tích và cơ học năm 1958.
Ông về nước năm 1960, đảm nhiệm Trưởng ban Toán của Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn, nay là Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM). Tại đây, ông đã hiện đại hóa chương trình giảng dạy, đưa vào một số môn chưa từng được dạy như toán học tôpô, đại số trừu tượng và giải tích hàm.
Ông làm trưởng ban cho đến năm 1975, sau đó làm Giám đốc Viện nghiên cứu giải tích đến năm 1994. Năm 1980, trong đợt phong học hàm đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, ông được phong hàm giáo sư.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh viết trên Thanh Niên, không ai làm toán ở miền Nam trước 75 và cả Việt Nam sau 1975 không biết đến GS Đặng Đình Áng. Ông là một người gốc nhà nho, cháu 7 đời của danh hiền Đặng Đình Tướng, một trong 4 danh hiền thời hậu Lê bên cạnh các bậc danh hiền Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông được đào tạo theo Tây học, là học sinh trường Bưởi đến Tú Tài I, rồi được học bổng Fulbright sang Mỹ học, đậu tiến sĩ năm 1958 ngành hàng không học, cũng là thời điểm thế giới, nhất là Mỹ bị sửng sốt về vệ tinh Sputnik đầu tiên (1957/58) của Nga được phóng lên quỹ đạo trái đất.
Ông là người đã mang toán học hiện đại vào phía Nam đầu thập niên 60, được giao chức vụ Khoa trưởng Khoa Toán của ĐH Khoa học Sài gòn lúc 34 tuổi để làm cuộc cải cách giáo dục toán ở đại học, cùng với cuộc cải cách đại học, phong trào chuyển ngữ cả miền Nam đang diễn ra lúc đó. Ông đã đem ngọn gió mới vào đại học, gây một sự hưng phấn trong các sinh viên toán. Toán học không những được hiện đại hoá mà còn được nâng cấp lên bậc cao học. Sinh viên được hướng dẫn bước vào đường nghiên cứu và có thể công bố kế quả nghiên cứu của mình ở những tạp chí quốc tế, dưới sự hướng dẫn của vị giáo sư trẻ vừa tốt nghiệp.
Giáo sư Áng đã đào tạo 12 tiến sĩ Toán có trình độ quốc tế. Năm 1988, ông làm chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học TP HCM. Gần 50 năm nghiên cứu, giảng dạy, giáo sư Áng đã có hơn 130 bài báo được công bố trên các tạp chí trong, ngoài nước, là tác giả của 6 sách chuyên đề giải tích và cơ học.
Không chỉ được biết đến trong Toán học, giáo sư Áng còn rất tài hoa trong âm nhạc. Ông có thể thổi sáo (flue) với nhiều CD nhạc hòa tấu thính phòng.
P.V