Em Dương Ngọc Trâm, học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang là một trong hai thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua lại trở thành tâm điểm công kích của dư luận. Mọi chuyện bắt nguồn từ một bài báo trích lời phỏng vấn đối với Trâm.
Theo thông tin bài báo, Trâm cho rằng sở dĩ bài thi của em đạt điểm cao là vì em biết đưa các dẫn chứng vào một cách phù hợp. Trong lúc hào hứng Trâm còn cho biết đã dùng nhân vật Gatsby trong tiểu thuyết của người Mỹ F.Scott Fitzgerald để minh họa làm sáng rõ tư tưởng “Đất nước của nhân dân” (Nguyễn Khoa Điềm).
Điều đáng nói nhân vật Gatsby lại là một nhân vật được xây dựng theo hướng phản diện, gắn liền với một số hoạt động phi pháp ở nước Mỹ đầu thế kỷ XX. Sau khi đọc được bài báo, em Trâm liền phản hồi lại với PV bằng tin nhắn: “Dạ chị ơi, cho em xin lỗi chuyện phỏng vấn này ạ. Gần đây có tranh cãi việc em đưa dẫn chứng của đại gia Gatsby vào ấy ạ, em thành thật xin lỗi ạ. Lúc đó là do em nói không rõ, lúc em làm bài thi, em hoàn toàn không viết dẫn chứng của đại gia Gatsby vào, em nói thật. Lúc phỏng vấn đầu óc em cứ sao ấy ạ, em xin lỗi chị nhiều ạ”.
Nhà văn Trương Chí Hùng (An Giang) cho biết: “Dư luận thấy không phù hợp về mặt diễn đạt vì lấy một tay không đàng hoàng cho lắm về lai lịch, nhân thân và hành động đưa ra làm biểu tượng anh hùng đặt song hành con người người đất nước Mỹ hay đất nước Việt Nam là trái khoáy. Đồng thời, họ cũng đặt ra vấn đề những người chấm cần phải xét kỹ nội dung như vậy thì không thể nào em Trâm đạt điểm tuyệt đối.
Tuy nhiên mình phải hiểu em Trâm có dẫn chứng trong bài và cách diễn đạt trong bài viết hay cách trả lời với báo chí là hai cách nghĩ hoàn toàn khác nhau. Có thể, em Trâm đang phấn khích hay “sướng quá” cách trả lời không kiểm soát tốt về ngôn từ đâm ra làm mọi người hiểu lầm. Tôi mong chúng ta hãy công tâm nhìn lại vấn đề cho chính xác đừng để ảnh hưởng cho em Trâm sau này”, nhà văn Hùng bộc bạch.
Một giám khảo trong Hội đồng chấm thi THPT quốc gia không giấu được vẻ buồn chán khi hay tin em Trâm bị dư luận công kích. “Tôi nói thiệt tình, học trò làm bài thi trong vòng 120 phút mà phải viết 3 phần thi khác nhau, bao gồm: đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Các em phải dốc toàn lực để hoàn thành bài thi. Các em đâu có được ngồi nhởn nhơ tìm từ, tìm ý cho bài làm của mình trong thời gian eo hẹp đó, trong không gian phòng thi căng thẳng đó.
Em nào có những ý tưởng hay, có cách diễn đạt tốt là giám khảo rất phấn khởi. Những bài làm tốt thì giám khảo chấm điểm cao, thậm chí chấm điểm 10 cũng là điều bình thường. Tại sao các môn khác đạt điểm 10 thì mọi người cho là bình thường, còn môn Ngữ văn đạt điểm 10 thì mọi người lại thấy bất thường”, vị giám khảo này nói.
Tin nhắn của Dương Ngọc Trâm phản hồi với PV - Ảnh: Facebook
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho biết thông tin từ em Trâm chia sẻ qua bài báo làm cho cộng đồng mạng suy luận theo hướng tiêu cực, ông mới nghe thông tin. “Đây là bài văn duy nhất đạt 10 điểm. Về công tác chấm thi, chúng tôi thực hiện theo quy chế chấm thi rất nghiêm ngặt, mỗi bài thi đều do hai giám khảo độc lập chấm.
Ở hai đội chấm khác nhau thì sẽ ngồi hai phòng chấm khác nhau để đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn của bộ. Nói chung toàn bộ quá trình chấm của sở là đúng rõ ràng để tạo sự công bằng cho các em”, ông Khanh thông tin.
Cũng theo ông Khanh, việc em Trâm trả lời phỏng vấn với báo chí dẫn đến bị công kích thì ông thấy thiếu sự công bằng cho em. Nếu sự thật em Trâm đưa tác phẩm Gatbsy vào trong bài viết của mình thì phải nhận định em viết theo câu chữ và khai thác góc độ thế nào.
“Đồng thời chúng ta xem em Trâm sử dụng hình tượng đó làm minh họa cho một nhận định nhỏ hay ý tưởng nào đó về góc độ cách viết. Việc em Trâm trả lời với báo chí thì cũng còn chung quá, em chỉ nói có liên hệ mà cũng chưa rõ cụ thể liên hệ nội dung nào trong bài”, ông nói.
Em Trâm đã tắt điện thoại, không chịu gặp mặt ai. Do đó cũng không thể xác định là em có đưa nhân vật Gatsby vào bài viết của mình hay chỉ là nhầm lẫn như sau đó em nhắn tin cho PV. Và như ông Khanh nói, nếu thực sự em có đưa nhân vật này vào bài, thì phải xem kỹ đưa trong bối cảnh nào, nhằm chứng minh điều gì chư không phải cứ đưa vào là sai.
Tô Văn