Viết ra được một tác phẩm, nhiều khi là một cái duyên. Nhiều khi, do may mắn. Nhiều khi, nhận được sự phù hộ. Trong đó, yếu tố “được phù hộ” có thể là quan trọng nhất.
Tôi có cảm giác, khi từ trong tâm tưởng xác quyết mình là người hữu thần, thì những tác phẩm của tôi viết ra thường rất nhanh, nhiều lúc như xuất thần. Không có sự phù hộ, thật khó để một người bình thường như tôi có thể hoàn thành những tác phẩm dài hơi như trường ca trong một thời gian ngắn đến vậy.
Đó cũng là trường hợp khi tôi viết trường ca Người khiêng võng.
Tôi có may mắn được dự hai cuộc hội thảo về Lê Đại Cang, một cuộc ở QuyNhơn, một cuộc ở Châu Đốc. Trong lần dự hội thảo thứ hai ở Châu Đốc, tôi được đi viếng Đền thờ Bà Chúa Xứ. Đó là Bà Chúa linh thiêng của lưu dân Nam Bộ, mà tôi thì từ rất lâu rồi đã tự xếp mình vào hàng ngũ những lưu dân ở miền sông nước phương Nam này. Tôi đã có nhiều dịp về chơi Tuy Phước (Bình Định), và tôi cảm nhận thiên nhiên ở đây không chỉ đẹp mà còn được văn hóa phủ sóng, từ văn hóa Chàm tới văn hóa Việt, từ những tháp Chàm tới những đình chùa miếu mạo làm nên sự giao hòa giữa văn hóa Việt và văn hóa Chàm. Nơi ấy sinh ra những con người đặc biệt như Lê Đại Cang cũng là chuyện bình thường.
Tuy Phước là một cái nôi của nghệ thuật Tuồng Bình Định, quê hương của Đào Tấn vĩ đại. Có một đặc chất của Tuồng mà tôi cảm nhận được, là Tuồng biểu dương, ngưỡng mộ những con người nghĩa khí, ca ngợi đức hy sinh và tinh thần chịu đựng, vượt qua nghịch cảnh vì nghĩa lớn. Lê Đại Cang là một người chịu đựng lịch sử, là người khát khao thay đổi và dám làm dám chịu. Ông ra Bắc vào Nam, lúc chỉ huy đánh giặc, lúc đắp đê ngăn lũ, khi đào kênh thủy lợi và giao thông, lúc âm thầm…khiêng võng:
“tôi sinh ra làm người khiêng
trách nhiệm
làm người khiêng
số phận
làm người khiêng
lo lắng
làm người khiêng
cay đắng”
Đó là người ý thức rằng mình đang “khiêng” một sứ mệnh.
Nhưng nói ta đang “khiêng” một sứ mệnh có vẻ dễ chịu và oai hơn khi nói ta phải trực tiếp võng một người to béo, có thể vốn là quan chức cấp thấp dưới quyền mình. Lê Đại Cang chấp nhận cả sự thật đó:
“những bước chân không lấn bấn
đòn khiêng nghiến trên vai
những giọt mồ hôi lắng
rơi thấm con đường dài”
Đâu chỉ một lần bị giáng cấp phải làm lính khiêng võng, nhưng Lê Đại Cang không hề nản lòng. Dù sự đày ải này thách thức ghê gớm khả năng chịu đựng của một con người, nhất là khi người ấy đã là một vị quan cỡ đại thần. Đó là điều khiến tôi kính phục nhất ở Lê Đại Cang, trước cả những chiến tích cũng như những công tích của ông.
Ra đi từ Huế, rồi từ làng quê Tuy Phước, trong những bước thăng trầm của cuộc đời, Lê Đại Cang luôn nhớ về cha mẹ mình, về chốn làng quê Bình Định thương yêu của mình, như bất cứ một đứa con bình thường nào:
“mẹ ơi
làng quê mình tuy mang tên Tuy Phước
nhưng mỗi mùa đều lũ lụt
buổi chiều mẹ nghe bìm bịp kêu
hun hút
nhớ đứa con lận đận cuối chân trời
đời làm quan khác chi ngồi trên lửa
biết đâu là may rủi mẹ ơi”
Câu hát “khiêng võng cho quan, à la, khiêng võng cho quan” lặp lại tới mấy lần trong trường ca này, như một hài hước cay đắng, và như sự chấp nhận. Nói “à la”, chẳng có nghĩa gì cả, nhưng cũng có nghĩa là “ô kê” như bây giờ chúng ta hay nói. Khiêng võng cho quan, ô kê, thì khiêng võng cho quan. Có hai đoạn thơ trong trường ca mà tôi cảm thấy thấm thía, đó là hai đoạn hồi tưởng của Lê Đại Cang về quê nhà Tuy Phước và về xứ Huế, nơi gia đình ông đã sống nhiều năm, nơi ông sinh ra lớn lên rồi được học hành.
Đây là cảm xúc khi Lê Đại Cang nhớ về xứ Huế, quê hương thứ hai của ông, nơi ông sinh ra:
“cánh diều xanh trên núi Ngự Bình
bay nghiêng nghiêng dọc sông Hương
phải nơi này tôi sinh
mập mờ mây khói
mẹ ơi đâu là nơi cắt rốn chôn nhau
cha mẹ vốn làng quê Tuy Phước
lại đẻ con cuối dòng Hương lặng nước
với con, Huế chợt quê nhà
Huế bánh bèo bánh nậm bánh đa
Huế cơm hến mà canh cũng hến
hoa mộc thơm lên chùa Phật hiện
dòng Hương vang tiếng gõ mạn thuyền
một người tựa cửa Hiển Nhơn
thổi sáo
một người đi không biết về đâu
chiều Ngọ Môn mây vàng lấp lối
tôi tìm cây ríu rít chim sâu
sao mà thèm bánh bèo Đập Đá
thương miên man cháo bò Đại Nội
về Thủy Dương ăn cá lóc bánh canh
dáng Huế như cô gái nhà lành
tuổi thơ tôi ở tầng sâu quên nhớ
ngựa nào dừng chân dưới bóng ngô đồng
đôi lúc ngồi tập đọc dòng sông
thuộc từng con cá hanh bống thệ”
Nhà văn Nguyễn Thế Khoa, một hậu duệ phía ngoại của Lê Đại Cang, khi đặt hàng tôi viết trường ca Người khiêng võngđã nhớ ra ngay, tôi có 5 năm ở chiến trường Nam Bộ, và 10 năm ở QuyNhơn. Có một điều anh Khoa quên, hoặc chưa nhớ ra, tôi là con rể xứ Huế. Từ mấy chục năm nay, Huế đã trở nên thân thiết với tôi, vì mỗi năm tôi đều nhiều lần ra Huế, dù thời ở QuyNhơn hay thời đã về Quảng Ngãi. Huế là quê ngoại của các con tôi, nơi đứa con trai đầu lòng của tôi được sinh ra. Mỗi vùng đất mà mình thân thiết đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn mình, và đó là cơ sở cho những tác phẩm.
Dù cha mẹ đều quê Tuy Phước, nhưng Huế mới là nơi sinh Lê Đại Cang. Ông gắn bó với kinh đô này là phải. Những hồi ức của Lê Đại Cang là những ám ảnh của một người chinh chiến, một người đắp đê, một người lang thang, một người cơ nhỡ chất chứa bao vui buồn của phận người. Đó là một con người đặc biệt với một số phận đặc biệt.
Khi viết xong dòng cuối trường ca này, tôi có cảm giác đúng như cảm giác của Lê Đại Cang khi hạ võng: ông quan lớn hay nhỏ gì đó bước ra, và tất cả như trút được một gánh nặng. Chỉ có điều, với Lê Đại Cang là gánh nặng của trách nhiệm, của bổn phận hay của gì đó nữa, còn gánh nặng của tôi chỉ là gánh nặng nghĩa tình. Nhiều khi, đó không hề là gánh nặng.
Thanh Thảo
Quảng Ngãi mùa lũ lụt, 11.2017