Vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hoạt động du lịch, thương mại dịch vụ trong 2 tháng đầu năm ở TP.HCM đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, vốn FDI vào TP.HCM đã giảm hơn một nửa so với năm ngoái.

Vốn FDI, du lịch, khách sạn ở TP.HCM ‘thấm đòn’ bởi Covid-19

02/03/2020, 14:26

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hoạt động du lịch, thương mại dịch vụ trong 2 tháng đầu năm ở TP.HCM đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, vốn FDI vào TP.HCM đã giảm hơn một nửa so với năm ngoái.

Ngành du lịch, dịch vụ TP.HCM sụt giảm mạnh vì Covid-19 - Ảnh: Internet

Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào TP.HCM đạt 480,6 triệu USD, chỉ bằng 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 186 dự án với vốn đăng ký đạt 83,3 triệu USD. Điều chỉnh vốn đầu tư có 27 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 60,7 triệu USD. Góp vốn, mua cổ phần có 839 trường hợp với tổng vốn đạt 336,5 triệu USD.

Phân theo ngành hoạt động, thương nghiệp dẫn đầu với 84 dự án, vốn đầu tư là 53,6 triệu USD, chiếm gần 2/3 tổng vốn đầu tư cấp phép mới trong 2 tháng đầu năm 2020.

Kế đến là hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 39 dự án, vốn đầu tư là 13,3 triệu USD, chiếm 16%; thông tin và truyền thông 33 dự án, vốn đầu tư là 3,5 triệu USD, chiếm 4,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ có 4 dự án, với vốn đầu tư là 2,1 triệu USD

Về đối tác đầu tư, Singapore dẫn đầu với 27 dự án, vốn đầu tư là 28,1 triệu USD, chiếm 33,7% tổng vốn cấp mới; Nhật Bản với 19 dự án, vốn đầu tư là 10,5 triệu USD, chiếm 12,6%; Malaysia 4 dự án, vốn đầu tư là 10,4 triệu USD, chiếm 12,5%.

Bên cạnh vốn FDI giảm, Cục Thống kê TP.HCM cũng cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của TP.HCM cũng giảm 0,18% so với tháng trước. Trong đó, có 4/11 nhóm giảm bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,83%; nhóm giao thông giảm 2,8%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,31%. Hai nhóm không đổi so với tháng trước bao gồm bưu chính viễn thông và giáo dục.

Có 5/11 nhóm tăng so tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,64%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,51%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,41%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,35%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23% so với tháng trước.

Tuy nhiên, Cục Thống kê TP.HCM cũng cho biết hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 2 của thành phố chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tâm lý lo sợ về dịch bệnh nên người dân hạn chế đi lại khiến lượng khách đến các nơi công cộng như các trung tâm thương mại, địa điểm ăn uống sụt giảm đáng kể.

Doanh thu từ ngành dịch vụ nhà hàng và khách sạn chịu ảnh hưởng nặng nề, với tỷ lệ doanh thu tháng 2 giảm đến 20,6%; ngành du lịch lữ hành có mức giảm là 22,3% so với tháng trước.

Điều này đã làm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2 của TP.HCM ước chỉ đạt 103.373 tỉ đồng, giảm 7,1% so với tháng trước.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vốn FDI, du lịch, khách sạn ở TP.HCM ‘thấm đòn’ bởi Covid-19