Trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C, luật sư đề nghị HĐXX triệu tập nguyên Phó chủ tịch Hà Nội.
Sáng 10.12, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.
Cùng hầu tòa với ông Nguyễn Đức Chung còn có bị cáo Nguyễn Trường Giang (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic - Công ty Arktic) và Võ Tiến Hùng (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - Công ty Thoát nước Hà Nội).
Cả 3 bị cáo bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; theo khoản 3 điều 356 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt 10-15 năm tù.
Theo thông báo tại phiên tòa, HĐXX đã triệu tập đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội đến tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự. Một số cán bộ của công ty này cũng được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tòa còn triệu tập thêm một số cá nhân, tổ chức có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác, trong đó có đại diện UBND TP.Hà Nội; đại diện Công ty Arktic; bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung)…
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung đề nghị HĐXX cho triệu tập tất cả những người có liên quan có mặt tại phiên tòa để các luật sư và bị cáo có thể hỏi rõ hơn nội dung. Bị cáo Võ Tiến Hùng cho biết do tình hình sức khỏe giảm sút nên mong HĐXX cho phép bị cáo được ngồi.
Luật sư Trần Hồng Phúc bào chữa cho bị cáo Hùng đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Cục Hóa chất - Bộ Công Thương... Ngoài ra, luật sư Phúc cũng đề nghị HĐXX triệu tập ông Nguyễn Doãn Toản (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội). Trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư Phúc cũng đề nghị được xuất trình tài liệu chứng cứ mới.
Một luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị HĐXX triệu tập ông Nguyễn Thế Hùng (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội).
Chủ tọa phiên tòa cho biết HĐXX ghi nhận những đề nghị của các luật sư và bị cáo. Trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết, HĐXX sẽ tiến hành triệu tập.
Theo cáo trạng, đầu năm 2016, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn Hà Nội bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến phù hợp. Cựu Chủ tịch Hà Nội đã đề nghị Công ty Watch Water (Đức) nghiên cứu chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch nước ao hồ trên địa bàn thủ đô.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung với nhiệm vụ là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức), tổ chức đoàn thăm quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại TP.Hà Nội.
Tuy nhiên ông Chung lại chỉ đạo Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm qua Công ty Arktic thay vì nhập khẩu trực tiếp từ công ty của Đức. Công ty Arktic do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) thành lập, góp 5 tỉ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên.
Từ năm 2016-2019, theo chỉ đạo và được ông Chung tạo điều kiện, Arktic đã nhập khẩu hơn 489.000 kg chế phẩm Redoxy-3C với chi phí hơn 115 tỉ đồng. Arktic bán lại cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội giá hơn 151 tỉ đồng, hưởng lợi 36,1 tỉ đồng.
VKS xác định bị cáo Nguyễn Đức Chung là người quyết định việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C trái pháp luật và phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước để Công ty Arktic được hưởng khoản lợi nhuận không chính đáng, gây thiệt hại hơn 36 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.
Cựu Chủ tịch Hà Nội gửi đơn trình bày trước phiên tòa
Trước khi phiên tòa được mở, từ nơi tạm giam, bị cáo Nguyễn Đức Chung có đơn gửi Chánh án TAND TP.Hà Nội để trình bày một số quan điểm liên quan vụ án.
Trong đơn, bị cáo Chung nói bản thân không đồng tình với việc cơ quan tố tụng quy kết sai phạm từ vụ mua bán Redoxy-3C gây thiệt hại cho UBND TP.Hà Nội hơn 36 tỉ đồng.
Cựu chủ tịch UBND TP.Hà Nội phủ nhận cáo buộc chỉ đạo ông Võ Tiến Hùng phải mua Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic.
Ngoài ra, theo bị cáo Chung lý giải, vợ ông là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (trong vụ án được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) làm Giám đốc Công ty TNHH từ năm 1995 và kinh doanh nhiều mặt hàng tiêu dùng. Bị cáo không trực tiếp quản lý, cấp phép kinh doanh hóa chất này, không có quyền trực tiếp mua Redoxy-3C như cáo trạng nêu.
Cuối đơn, bị cáo kiến nghị cơ quan tố tụng trưng cầu giám định để xác định thiệt hại của vụ án, đánh giá hiệu quả hoặc tác hại của việc dùng Redoxy-3C...