Về vụ sai phạm xảy ra tại Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Đồng Nai, ngày 10.6, Viện KSND tỉnh đã truy tố 5 bị can.
Theo đó, 2 bị can bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" là Nguyễn Quang Tuấn (43 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai) và Nguyễn Hồng Đăng Khoa (42 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Nhà Nguyễn, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Trí Nguyễn - Công ty Trí Nguyễn).
Ba bị can gồm: Nguyễn Ngọc Phương (50 tuổi, nguyên Phó giám đốc Sở KH-CN); Lê Thị An Nhiên (41 tuổi, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai) và Trần Thị Huỳnh Hương (45 tuổi, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở KH-CN) bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Làm sai quy định của Nhà nước
Theo cáo trạng, năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai thành lập Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai và bổ nhiệm Nguyễn Quang Tuấn làm Giám đốc, Lê Thị An Nhiên làm Phó giám đốc.
Quá trình lập hồ sơ, báo cáo thuyết minh, báo cáo kinh tế kỹ thuật và triển khai thực hiện dự án Nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP (gọi tắt là Nhà màng VietGAP) và dự án Nhà màng nông nghiệp, các bị can Tuấn, Khoa và một số cá nhân khác đã có nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước với tổng số tiền hơn 28 tỉ đồng.
Đây là dự án KH-CN được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2015, thực hiện tại xã Xuân Đường (H.Cẩm Mỹ) và giao trách nhiệm cho ông Phạm Văn Sáng (nguyên Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai, hiện tại đã bỏ trốn) tổ chức quản lý triển khai thực hiện với tổng kinh phí gần 87 tỉ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước hơn 16 tỉ đồng và kinh phí khác gần 71 tỉ đồng (do Công ty Trí Nguyễn bỏ vốn đầu tư). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 - 2018.
Quá trình xét hồ sơ các dự án để đưa vào xét duyệt thuyết minh chi tiết trước khi trình Hội đồng KH-CN cấp tỉnh thông qua thì có 6 đề tài được chọn. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Sáng đã ký công văn thông báo chọn dự án Nhà màng VietGAP để thuyết minh, trong khi có đến 4 đề tài khác có thứ tự ưu tiên cao hơn.
Hơn nữa, hồ sơ dự án Nhà màng VietGAP chưa có đơn đăng ký thực hiện đề tài; giấy xác nhận phối hợp nghiên cứu nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh; văn bản cam kết pháp lý và giấy xác nhận việc đóng góp vốn của tổ chức tham gia dự án… nhưng ông Sáng vẫn đưa hồ sơ này vào xét duyệt và thống nhất thông qua thuyết minh dự án Nhà màng VietGAP.
Cáo trạng của Viện KSND cũng nêu rõ, quá trình lắp 3 khối nhà màng theo dự án, ông Phạm Văn Sáng và Nguyễn Quang Tuấn cũng không xác định tọa độ, vị trí lắp nhà màng, không triển khai thực hiện các giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, tổ chức thi công…
Trong quá trình triển khai, giữa ông Sáng và các bị can Tuấn, Khoa đã thỏa thuận bằng miệng về việc hợp tác giữa Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai và Công ty Trí Nguyễn (do Khoa góp vốn 17,5 tỉ đồng và bà Nguyễn Thị Xuân, vợ ông Sáng góp vốn 12,5 tỉ đồng). Cụ thể, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai góp vốn bằng khối nhà màng, còn Công ty Trí Nguyễn góp đất đã thuê để thực hiện dự án. Do đó, ông Sáng và các bị can Tuấn, Khoa đã cố ý lắp dựng 3 khối nhà màng trái quy định.
Sau khi nghiệm thu hoàn thành công trình, 3 khối nhà màng này đã bị Khoa chiếm dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Trí Nguyễn, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hơn 14 tỉ đồng.
Tương tự, vào năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt dự án Nhà màng nông nghiệp với tổng mức đầu tư 14,5 tỉ đồng tại xã Xuân Đường. Với cách làm tương tự, ông Sáng và các bị can Tuấn, Khoa đã cùng nhau xây lắp 2 khối nhà màng trong dự án Nhà màng nông nghiệp và để cho Công ty Trí Nguyễn chiếm dụng gây thiệt hại tài sản nhà nước gần 14 tỉ đồng.
Gây hậu quả nghiêm trọng vì thiếu trách nhiệm
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Nai cho biết, để ông Sáng và các bị can Tuấn, Khoa có thể xây dựng 5 khối nhà màng trái quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 28 tỉ đồng, một số bị can khác với chức năng, nhiệm vụ được giao đã thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, bị can An Nhiên được phân công tham gia với tư cách cá nhân đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học và là đại diện tổ chức chủ trì với dự án Nhà màng VietGAP. Dù trong nội dung báo cáo thuyết minh của dự án không nêu rõ địa điểm, vị trí xây dựng nhà màng và phương án huy động vốn từ nguồn khác khi tham gia dự án và các hồ sơ giấy tờ liên quan đến việc tham gia dự án của Công ty Trí Nguyễn nhưng Nhiên vẫn ký giấy xác nhận đại diện tổ chức chủ trì, báo cáo thuyết minh dự án và giấy phối hợp xây dựng dự án với công ty này.
Đáng chú ý, thẩm quyền ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh không thuộc thẩm quyền của Sở KH-CN mà thuộc thẩm quyền UBND tỉnh, nhưng Nhiên đã không nghiên cứu kỹ quy định pháp luật nên đã ký một số giấy tờ không đúng quy định. Điều này đã tạo điều kiện cho ông Sáng và Tuấn, Khoa xây lắp nhà màng trên phần đất của Công ty Trí Nguyễn thuê rồi chiếm dụng.
Bên cạnh đó, bị can Nguyễn Ngọc Phương (thời điểm đó là Tổ trưởng Tổ Thẩm định kinh phí) và Trần Thị Quỳnh Hương (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Tổ phó Tổ Thẩm định kinh phí) với chức năng nhiệm vụ là tư vấn giúp Sở KH-CN thẩm định kinh phí thực hiện dự án và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 2015, Phương và Hương đã họp tổ thẩm định thông qua kinh phí thực hiện dự án Nhà màng VietGAP với tổng số tiền gần 87 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Trí Nguyễn góp vốn gần 71 tỉ đồng. Tại thời điểm thẩm định, Công ty Trí Nguyễn không có văn bản chứng minh năng lực về nhân lực khoa học và công nghệ, trang thiết bị của đơn vị phối hợp và khả năng huy động vốn. Tuy nhiên, Phương và Hương đã không tổ chức kiểm tra, xác minh phần kinh phí Công ty Trí Nguyễn cần góp vốn mà vẫn họp thông qua kinh phí này, dẫn đến Công ty Trí Nguyễn không có đủ năng lực tài chính phối hợp thực hiện dự án như cam kết.
Đặc biệt, trong quá trình họp kiểm tra đánh giá tiến độ thực hiện dự án Nhà màng VietGAP, Phương và Hương không yêu cầu thành viên tổ kiểm tra xuống hiện trường xây lắp nhà màng mà chỉ dựa vào báo cáo trên giấy nên dẫn đến việc xây lắp nhà màng sai quy định.