Vụ kiện giữa Vinasun và Grab là vụ án dân sự, tuy nhiên kiểm sát viên tham gia phiên tòa ngoài quyền kiểm sát tư pháp thì đươc quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, về quy định này, có ý kiến cho rằng không nên cho kiểm sát viên quyền phát biểu về nội dung giải quyết vụ án.

Vụ Vinasun-Grab: Ý kiến về vụ án của kiểm sát viên chỉ có giá trị...tham khảo?

Trí Lâm | 26/10/2018, 13:15

Vụ kiện giữa Vinasun và Grab là vụ án dân sự, tuy nhiên kiểm sát viên tham gia phiên tòa ngoài quyền kiểm sát tư pháp thì đươc quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, về quy định này, có ý kiến cho rằng không nên cho kiểm sát viên quyền phát biểu về nội dung giải quyết vụ án.

Phát biểu của kiểm sát viên có tính chất… tham khảo

Trong vụ kiện của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam bồi thường, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã yêu cầu Grab bồi thường cho VinaSun 41,2 tỉ đồng vì những thiệt hại mà doanh nghiệp này gây ra cho Vinasun.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, trong vụ án dân sự, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, kiểm sát viên có quyền kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự; nghiên cứu hồ sơ vụ việc; yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định…

Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

“Như vậy, có thể thấy rằng kiểm sát viên tham gia phiên tòangoài quyền kiểm sát tư pháp thì còn được phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Trước đây, luật có quy định tại phiên tòa sơ thẩm thì kiểm sát viên không phát biểu về ý kiến giải quyết vụ án nhưng quy định hiện hành đã sửa đổi lại và cho phép”, ông Vũ nói.

Đại diện Viện Kiểm sát phát biểu tại phiên tòa Vinasun kiện Grab - Ảnh: TTXVN

Theo ông Vũ, luật không quy định rõ giá trị pháp lý của ý kiến phát biểu về nội dung vụ án của kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, với nguyên tắc Hội đồng xét xử giải quyết vụ việc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thì phát biểu của kiểm sát viên cũng có tính chất “tham khảo”, để Hội đồng xét xử xem xét thêm, trên cơ sở xem xét toàn diện các ý kiến của các đương sự, luật sư… để đưa ra quyết định cuối cùng.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng phát biểu của kiểm sát viên có thể gây tác động nhất định đối với Hội đồng xét xử vì Bản án của Hội đồng xét xử có thể bị kháng nghị (Viện kiểm sát có quyền kháng nghị; đương sự có quyền kháng cáo) nếu không chấp nhận ý kiến phát biểu của kiểm sát viên.

Theo luật sư Vũ, vấn đề này chưa có cơ sở rõ ràng, thực tế rất nhiều bản án Hội đồng xét xử vẫn quyết định khác với phát biểu của kiểm sát viên và cũng không bị kháng nghị.

Không nên quy định quyền phát biểu cho kiểm sát viên

Luật sư Kiều Anh Vũ cho rằng không nên quy định kiểm sát viên có quyền phát biểu về nội dung giải quyết vụ án mà chỉ nên quy định thẩm quyền về kiểm sát tư pháp đơn thuần, bởi vì trong vụ việc dân sự, việc chứng minh, tranh luận để bảo vệ quyền lợi của mình là việc của các bên và Hội đồng xét xử sẽ xem xét để quyết định trên cơ sở đó”, ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, kiểm sát viên, với tư cách là người tiến hành tố tụng thì nên độc lập, chỉ kiểm sát về tư pháp, thủ tục. Vấn đề về nội dung, về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử quyết định.

Bên cạnh đó, liên quan đến vụ kiện giữa Vinasun và Grab, ông Vũ cho rằng phát biểu của kiểm sát viên trường hợp này không được đảm bảo nguyên tắc tranh tụng cho lắm. Vì theo quy định, kiểm sát viên phát biểu sau khi sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, tức là khi đó không tranh luận nữa và người tham gia tố tụng và kiểm sát viên không tranh luận với nhau, mặc dù kiểm sát viên có phát biểu về nội dung.

Nói về vụ việc này với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Chiến cho biết, tòa án đóng vai trò trung gian tiếp nhận tài liệu chứng cứ của các bên, từ đó có các phán quyết phân xử phù hợp với nguyên tắc chung.

“Nếu bên nguyên đơn có đầy đủ căn cứ thì tòaán sẽ chấp nhận, nhưng nếu xét thấy không đủ căn cứ pháp lý thì tòa án có thể chấp nhận một phần, thậm chí bác yêu cầu của nguyên đơn mà không phụ thuộc vào kết luận của đại diện viện kiểm sát tại phiên tòa”, ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, vai trò của Viện Kiểm sát là xem xét về quy trình tuân thủ pháp luật của tòa án trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, việc tham gia tố tụng của các bên đương sự và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có đảm bảo tuân thủ quy định hay không.

Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bình luận về vụ việc này với Một Thế Giới,luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Phápcho biết cần xác định về quan hệ tranh chấp trong vụ kiện của Vinasun với Grab là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trường hợp trên, Viện Kiểm sát không đề nghị xử phạt Grab mà đề nghị Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho Vinasun.

"Vinasun cho rằng doanh nghiệp này bị thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận do hành vi vi phạm pháp luật của đối thủ Grab gây ra như cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo, khuyến mại trái phép. Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có án lệ cho những vụ việc như thế này do đó các cơ quan tố tụng ngoài việc căn cứ vào các quy định pháp luật của Việt Nam thì cũng cần cân nhắc các kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết các vụ việc tương tự", ông Cường nói.

Theo luật sư này, hiện tại các bên đều lập luận có căn cứ pháp luật kèm theo việc đưa ra các tài liệu, chứng cứ của mình. Cơ quan tố tụng sẽ khá khó khăn để đưa ra phán quyết bởi phán quyết này vô cùng quan trọng, có thể sẽ là một án lệ mới của nền tư pháp nước nhà và quan trọng hơn là có thể gây ảnh hưởng và làm thay đổi lớn tương quan giữa hai loại hình taxi phổ biến hiện tại là taxi công nghệ và taxi truyền thống.

Luật sư Đặng Văn Cường - Ảnh: VietQ

Về quy định pháp luật thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một bên có hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp khác của bên còn lại mà gây thiệt hại. Phía gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Vì vậy, ông Cường cho rằng để xác định đề nghị của Viện Kiểm sátlà phù hợp quy định pháp luật hay không cần phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện thiệt hại của Vinasun là do hành vi vi phạm của Grab (trường hợp xác định Grab có hành vi vi phạm pháp luật như xe không đăng ký kinh doanh hay hành vi tự tăng giá, giảm giá cước, khuyến mại không đúng quy định luật thương mại, luật cạnh tranh) hay do bản thân lỗi của Vinasun (thái độ của tài xế, thời gian chờ xe lâu, chất lượng xe…) từ đó mới xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Grab đối với Vinasun có phát sinh hay không.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Vinasun-Grab: Ý kiến về vụ án của kiểm sát viên chỉ có giá trị...tham khảo?