BYD (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) là hãng bán ô tô điện thuần túy lớn nhất thế giới quý 4/2024 khi doanh số của Tesla trong giai đoạn này không đạt kỳ vọng.
Thế giới số

Vượt Tesla, BYD trở thành hãng bán nhiều ô tô điện thuần túy nhất quý 4/2024

Sơn Vân 03/01/2025 16:10

BYD (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) là hãng bán ô tô điện thuần túy lớn nhất thế giới quý 4/2024 khi doanh số của Tesla trong giai đoạn này không đạt kỳ vọng.

BYD vượt Tesla (có trụ sở tại thành phố Austin, bang Texas, Mỹ) hơn 20% về doanh số ô tô điện trong quý 4/2024.

Trong quý này, BYD đã giao 595.412 ô tô điện chạy bằng pin (BEV) cho khách hàng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, BYD còn bán được 918.556 xe hybrid sạc điện (PHEV) trong quý 4/2024, tăng 120,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett là cổ đông BYD.

Tesla của Elon Musk đã giao 495.570 ô tô điện trên toàn cầu trong quý 4/2024, thấp hơn dự báo đồng thuận là 512.277 xe, theo khảo sát của hãng tin Bloomberg với các nhà phân tích.

Dù thấp hơn BYD, doanh số ô tô điện của Tesla tăng 2,3% trong quý 4/2024 so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,1% so với quý 3. Tất cả ô tô điện Tesla đều là BEV.

"BYD có dòng sản phẩm mạnh mẽ với các mẫu BEV giá rẻ hấp dẫn với hơn nhiều người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp trên toàn thế giới. Năm nay, công ty sẽ giữ vững danh hiệu là hãng sản xuất BEV lớn nhất thế giới", theo Phate Zhang - nhà sáng lập hãng cung cấp dữ liệu ô tô điện CnEVPost (có trụ sở ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc).

Nổi tiếng nhất với các mẫu ô tô giá rẻ có giá dao động từ khoảng 80.000 nhân dân tệ (10.960 USD) đến 200.000 nhân dân tệ, BYD là công ty hưởng lợi nhiều nhất từ ​​tốc độ điện khí hóa ô tô chóng mặt ở Trung Quốc trong thập kỷ qua.

Năm 2024, BYD đã giao 4,27 triệu BEV và PHEV, tăng 41,3% so với 2023. Dự kiến BYD sẽ vượt Volkswagen để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất ở Trung Quốc, gồm cả xe điện và xe chạy bằng xăng, vào năm 2024. Volkswagen vẫn chưa công bố số liệu bán hàng cả năm 2024.

Lần đầu tiên, Tesla ghi nhận sự sụt giảm doanh số hàng năm, giảm 1,1% so với 2023, xuống còn 1,79 triệu ô tô điện, theo thông tin từ công ty. Cổ phiếu của Tesla (được niêm yết tại thành phố New York, Mỹ) giảm 6% xuống còn 379,28 USD hôm 2.1.2025 sau khi tăng 61% trong năm 2024.

Thua BYD về doanh số trong quý 4/2024 nhưng Tesla lại là hãng ô tô điện bán chạy nhất thế giới trong ba quý đầu năm ngoái.

Trung Quốc là thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới. Các công ty hàng đầu Trung Quốc đang dẫn đầu chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ loại pin hiệu suất cao và công nghệ số trong các tính năng giải trí trên xe, giúp họ sản xuất các mẫu ô tô điện tốt hơn so với các đối thủ quốc tế, theo David Xu Daquan - Chủ tịch Bosch Trung Quốc (nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn nhất thế giới).

Thế nhưng, BYD và các đối thủ trong nước đang phải vật lộn với mức thuế quan cao hơn từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khi họ cố gắng mở rộng ra nước ngoài.

"Các hãng ô tô Trung Quốc vẫn cần phải học hỏi từ Tesla vì công ty này có khả năng thiết kế và sản xuất ô tô điện để phục vụ người tiêu dùng ở nhiều thị trường khác nhau. Điều quan trọng với họ là quốc tế hóa doanh nghiệp của mình bằng công nghệ tiên tiến và lợi thế sản xuất", David Zhang, Tổng thư ký của Hiệp hội Kỹ thuật Xe thông minh Quốc tế, đánh giá.

Trong quý 4/2024, doanh số ô tô của BYD bên ngoài Trung Quốc chỉ chiếm 7,8% tổng số. Ngược lại, doanh số ô tô điện của Tesla tại Trung Quốc chiếm khoảng 37% tổng doanh số toàn cầu. Tesla là thị trường lớn thứ hai của Tesla.

Nhà máy của Tesla tại thành phố Thượng Hải đã giao 657.000 ô tô Model 3 và Model Y cho người mua Trung Quốc vào năm 2024, tăng 8,8% so với 2023.

vuot-tesla-byd-tro-thanh-hang-o-to-dien-thuan-tuy-ban-chay-nhat-quy-4-2024.jpg
vuot-tesla-byd-tro-thanh-hang-o-to-dien-thuan-tuy-ban-chay-nhat-quy-4-2024-1.jpg
BYD là hãng bán ô tô điện thuần túy lớn nhất thế giới quý 4/2024 khi doanh số của Tesla trong giai đoạn này không đạt kỳ vọng - Ảnh: SCMP

Tỷ lệ tự cung tự cấp chip ô tô của Trung Quốc dưới 10%, chật vật để thoát phụ thuộc vào hàng nhập khẩu

Một quan chức tại Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết tỷ lệ tự cung tự cấp chip ô tô của quốc gia này hiện dưới 10%.

Theo các nhà phân tích và người trong ngành, sản lượng ô tô điện Trung Quốc tăng vọt đã thúc đẩy nhu cầu về chip ô tô, nhưng các công ty trong nước vẫn phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài để đáp ứng hơn 90% nhu cầu của họ.

Các quan chức từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện đã nhiều lần nhấn mạnh đến khả năng tự cung tự cấp thấp của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn ô tô.

"Hiện tại, tỷ lệ tự cung tự cấp chip ô tô của Trung Quốc dưới 10%", Luo Daojun, Phó giám đốc Viện Linh kiện và vật liệu tại MIIT, cho biết trong một số hội nghị ngành năm 2024.

Wang Qing, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển, phát biểu tại một hội nghị khác vào năm 2024 rằng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nhà cung cấp chip ô tô nước ngoài lên tới 95%. “Với chip điện toán và điều khiển, tỷ lệ tự cung tự cấp của Trung Quốc là dưới 1%, trong khi với chip nguồn và bộ nhớ, tỷ lệ là 8%”, ông cho biết.

Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào chip ô tô nhập khẩu trở thành vấn đề cấp bách hơn khi nước này tìm cách khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường ô tô điện toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng với Mỹ. Hồi tháng 5.2024, trang Nikkei Asia đưa tin chính phủ Trung Quốc kêu gọi các nhà sản xuất ô tô trong nước tăng tỷ lệ sử dụng chip nội địa lên đến 25% vào năm 2025.

Áp lực này xuất hiện khi sản xuất ô tô điện bùng nổ. Tính đến tháng 11.2024, Trung Quốc đã sản xuất 11,49 triệu ô tô điện trong năm ngoái, tăng 37,5% so với cùng kỳ 2023, theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia. Ngoài ra, xe điện chiếm 40,8% tổng số ô tô được sản xuất ở Trung Quốc.

Sự bùng nổ ô tô điện đã dẫn đến nhu cầu về chất bán dẫn tăng vọt. Lý do vì ô tô điện và xe thông minh cần nhiều chip hơn đáng kể so với xe hơi động cơ đốt trong truyền thống. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết ô tô truyền thống thường cần 600 đến 700 chip cho mỗi xe, trong khi xe điện cần khoảng 1.600 chip. Xe thông minh, được trang bị nhiều tính năng tiên tiến hơn, cần tới 3.000 chip.

Mật độ chip tăng cao cũng làm gia tăng giá trị bán dẫn trên mỗi chiếc ô tô điện. He Hao, Chủ tịch Seres Automobile - hãng sản xuất ô tô hợp tác với Huawei, phát biểu tại một hội nghị của ngành vào tháng 6.2024 rằng chi phí chip tính theo tỷ lệ phần trăm tổng chi phí ô tô sẽ tăng từ 4% trong năm 2019 lên 20% vào năm 2030.

Bất chấp sự thúc đẩy từ chính phủ, ngành ô tô Trung Quốc vẫn còn lâu nữa mới đạt được sự độc lập về chất bán dẫn. Các công ty nước ngoài như Infineon Technologies, NXP Semiconductors, STMicroelectronics, Texas Instruments và Renesas Electronics vẫn tiếp tục thống trị thị trường chip ô tô.

Trong phân khúc chip tiên tiến, chẳng hạn chip điều khiển miền lái xe thông minh - "bộ não" của ô tô tự lái, các công ty nước ngoài dẫn đầu với biên độ lớn. Theo công ty nghiên cứu ngành công nghiệp địa phương Gasgoo, từ tháng 1 đến tháng 9.2024, chip Orin-X của Nvidia và chip FSD của Tesla lần lượt chiếm 37,8% và 26,7% thị trường bộ điều khiển miền lái xe thông minh được cài đặt sẵn ở Trung Quốc. Qualcomm (Mỹ) dẫn đầu về cung cấp chip cho bảng điều khiển trong khoang lái xe.

Sự gián đoạn trong nguồn cung chip có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng ô tô. Đầu tháng 12, hãng truyền thông 36Kr đưa tin hai hãng ô tô Trung Quốc là Xpeng và Nio đang xem xét lại quyết định áp dụng chip Drive Thor của Nvidia sau khi rộ tin công ty Mỹ gặp phải sự chậm trễ trong sản xuất.

Khi chính quyền Biden thắt chặt lệnh trừng phạt với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, các hiệp hội được nhà nước hậu thuẫn vào đầu tháng 12.2024 đã kêu gọi các công ty trong nước này, gồm cả những thành viên của họ trong ngành công nghiệp ô tô, chip và viễn thông, tránh sử dụng chip do Mỹ sản xuất.

"Để bảo vệ an ninh và sự ổn định của chuỗi ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng rộng hơn, các hiệp hội đề xuất rằng những doanh nghiệp ô tô Trung Quốc nên thận trọng khi mua chip của Mỹ", theo một tuyên bố từ CAAM.

Luo Daojun, Phó giám đốc Viện Linh kiện và vật liệu tại MIIT, nói những tiến bộ trong sản xuất chip nút trưởng thành ở Trung Quốc đang thúc đẩy những cải tiến về khả năng tự cung tự cấp cho chip analog, thiết bị điện và cảm biến. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng sản xuất hàng loạt chip tiên tiến đang phải đối mặt với nút thắt đáng kể và sẽ mất thời gian để khắc phục.

Chip analog là một loại vi mạch được thiết kế để xử lý tín hiệu analog. Tín hiệu analog có thể đại diện cho nhiều dạng vật lý, chẳng hạn âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, điện áp...

Ngày càng có nhiều công ty, gồm cả các công ty khởi nghiệp và nhà sản xuất ô tô, đang tham gia vào cuộc đua phát triển chip. Ví dụ, cả Nio và Xpeng đều công bố rằng chip lái xe thông minh do họ tự phát triển đã hoàn thành giai đoạn tape-out. Đây là giai đoạn thiết kế cuối cùng của một chip mới.

Ceyuan Liu, nhà phân tích tại hãng nghiên cứu thị trường Canalys, nói: "Những nỗ lực này nhằm mục đích kết hợp chip tùy chỉnh với phần mềm hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến độc quyền để nâng cao trải nghiệm hỗ trợ lái xe và tạo ra sự khác biệt. Thị trường có thể sẽ chuyển sang các giải pháp đồng bộ và chuẩn hóa. Nếu vậy, việc phát triển các hệ thống trên chip (SoC) riêng biệt hoặc tùy chỉnh sẽ không còn tiết kiệm chi phí như trước nữa. Lý do vì chi phí phát triển sẽ cao hơn khi không thể sử dụng các sản phẩm chung và chuẩn hóa”.

SoC là loại vi mạch tích hợp, trong đó một hệ thống đầy đủ của máy tính hoặc thiết bị điện tử được tích hợp vào một chip duy nhất.

Bài liên quan
Tài xế xe Tesla phát nổ trước khách sạn Trump muốn ‘cảnh tỉnh’ đất nước
Đài CNN dẫn lời cảnh sát trưởng thành phố Las Vegas cho biết Matthew Alan Livelsberger - tài xế chiếc Tesla Cybertruck phát nổ ngay ngoài khách sạn Trump International ngày 1.1 - viết về “bất bình chính trị”, xung đột vũ trang ở khắp nơi trên thế giới và hàng loạt vấn đề trong nước trước khi tự tử.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm gây lãng phí lớn để làm gương
một giờ trước Theo dòng thời sự
Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình yêu cầu tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm gây lãng phí lớn để làm gương.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt Tesla, BYD trở thành hãng bán nhiều ô tô điện thuần túy nhất quý 4/2024