Ngân hàng thế giới cho rằng trong thời gian tới cần hỗ trợ thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân để giúp khôi phục kinh tế và đóng góp cho tăng trưởng. Hướng đi cần thiết là hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 12 của Ngân hàng thế giới (WB), mặc dù số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 gia tăng trong tháng 11, nhưng nhờ đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin nên tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm bắt đầu theo xu hướng giảm. Tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện.
Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều ghi nhận tăng trưởng tháng thứ 3 liên tiếp. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức cao kỷ lục 31,9 tỉ USD, giúp thặng dư cán cân thương mại được duy trì tháng thứ 2 liên tiếp, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký phục hồi sau khi giảm trong tháng 10.
Cũng theo báo cáo, lạm phát tăng nhẹ do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm trong nước đang phục hồi và chi phí logistics tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức ổn định, cung cấp thanh khoản dồi dào để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Số liệu của WB cũng cho biết số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 45% trong tháng 11 (so với tháng trước), tháng tăng thứ 2 kể từ tháng 5. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn so với số lượng doanh nghiệp gia nhập. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao hơn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.
Báo cáo của WB cũng nhận định Chính phủ tiếp tục chính sách tài khóa thắt chặt. Tính đến cuối tháng 11, thặng dư ngân sách tăng lên mức 120,3 nghìn tỉ đồng (5,2 tỉ USD) nhờ bội thu 45,4 nghìn tỉ đồng (2 tỉ USD) trong tháng 11.
Tổng thu ngân sách tháng 11 ước tăng 12,3% (so tháng trước) và 33,4% (so cùng kỳ năm trước) một phần do một số khoản thuế và tiền thuê đất đã hết thời hạn được gia hạn. Trong 11 tháng kể từ đầu năm, tổng thu đã vượt dự toán năm 2021 (cao hơn 3,4%). Tổng chi ngân sách tăng 9,4% trong tháng 11 (so cùng kỳ năm trước), lần tăng đầu tiên kể từ tháng 4.2021, nhờ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (tăng trên 150% so cùng kỳ năm trước).
Mặc dù vậy, tổng chi ngân sách trong 11 tháng qua vẫn thấp hơn 7,4% so cùng kỳ năm trước và đạt 75,2% dự toán. Chi ngân sách giảm do cả chi thường xuyên và chi đầu tư đều giảm (lần lượt 5,8% và 12,3% so cùng kỳ năm trước).
Chính phủ vay 26,2 nghìn tỉ đồng (1,1 tỉ USD) trên thị trường nội địa trong tháng 11, nâng tổng vay nợ tính từ đầu năm lên 290,6 nghìn tỉ đồng (12,5 tỉ USD), tương đương 83,0% kế hoạch. Nhờ thanh khoản dồi dào, chi phí vay nợ tiếp tục được giữ ở mức thấp, với lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp giảm nhẹ xuống còn 2,07% vào cuối tháng 11.
WB cho rằng chính sách sống chung với COVID đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải tiếp tục thận trọng và hành động nhanh chóng. Mặc dù tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm đang theo xu hướng giảm, nhưng số ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh chóng.
Chính vì vậy, theo WB, bên cạnh việc tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin, các biện pháp thận trọng về giãn cách xã hội, xét nghiệm và cách ly y tế vẫn có vai trò quan trọng để tránh dẫn đến một làn sóng lây nhiễm mới, ảnh hưởng đến sinh mạng và buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.
Về chính sách tài khóa, WB cho rằng trong thời gian tới, rõ ràng cần hỗ trợ thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân để giúp khôi phục kinh tế trong nước và đóng góp cho tăng trưởng. Hướng đi cần thiết để phục vụ mục tiêu này là hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng.
“Với dư địa tài khóa hiện có và những khó khăn được ghi nhận trong thực hiện chi ngân sách năm 2021, Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước. Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân. Cần tiếp tục theo dõi sát khu vực tài chính”, WB nêu.