Ngày 25.6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận đậu mùa khỉ chưa phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông rất lo ngại về sự bùng phát của bệnh này.

WHO: Đậu mùa khỉ chưa là tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu

Đan Thùy | 26/06/2022, 10:25

Ngày 25.6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận đậu mùa khỉ chưa phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông rất lo ngại về sự bùng phát của bệnh này.

"Tôi vô cùng lo ngại về sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, đây rõ ràng là một mối đe dọa sức khỏe đang phát triển mà chúng tôi phải theo dõi rất chặt chẽ", ông Tedros nói.

 WHO cho biết dù nội bộ có quan điểm khác nhau nhưng tổ chức này đã nhất trí ở giai đoạn này, đợt bùng phát đậu mùa khỉ chưa phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu (PHEIC) - mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố.

Nhãn "tình trạng khẩn cấp toàn cầu" hiện chỉ áp dụng cho đại dịch COVID-19 và những nỗ lực không ngừng nhằm xóa sổ bệnh bại liệt.

Theo WHO, đã có hơn 3.200 trường hợp được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ và một trường hợp tử vong được báo cáo trong 6 tuần qua từ 48 quốc gia nơi bệnh này không phổ biến. Cho đến nay, gần 1.500 trường hợp mắc và 70 trường hợp tử vong ở Trung Phi cũng đã được ghi nhận, chủ yếu là ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

istock-1399004693-9507.jpeg

Đậu mùa khỉ là một căn bệnh do vi rút gây ra, có triệu chứng giống cúm và gây ra các tổn thương trên da. Đậu mùa khỉ đã và đang lây lan phần lớn ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tại các quốc gia không phổ biến căn bệnh này.

Trước đó, vào ngày 15.6, WHO cho biết họ đang xem xét các báo cáo cho rằng vi rút đậu mùa khỉ tồn tại trong tinh dịch của bệnh nhân, một trong những tác nhân làm bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Các nhà khoa học cho biết họ đã phát hiện dấu vết của vi rút đậu mùa khỉ trong tinh dịch của một số bệnh nhân ở Ý và Đức, bao gồm một mẫu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy vi rút được tìm thấy trong tinh dịch của một bệnh nhân có khả năng lây nhiễm sang người khác.

Các chuyên gia WHO nhìn nhận vi rút gây ra bệnh đậu mùa khỉ có hai dòng gồm chủng Tây Phi, được cho là có tỉ lệ tử vong khoảng 1% và chủng này lan rộng ở châu Âu và các nơi khác, và chủng Congo Basin, có tỉ lệ tử vong gần 10%.

Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ không lây lan dễ dàng như COVID-19, vắc xin và phương pháp điều trị bệnh này đã có sẵn song còn hạn chế.

Gregg Gonsalves, Phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Yale (Mỹ), người đã cố vấn cho ủy ban nhưng không phải là thành viên của WHO, nói với Reuters rằng ông cho rằng quyết định của WHO là "sai lầm" khi đợt bùng phát đậu mùa khỉ đã đáp ứng các tiêu chí để được công bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Một số chuyên gia y tế toàn cầu cho biết WHO có thể đã do dự vì khi tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu vào tháng 1.2020, tổ chức này từng vấp phải nhiều hoài nghi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO: Đậu mùa khỉ chưa là tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu