Tổ chức Y tế thế giới cho rằng những người cơ thể dễ bị tổn thương như người già sẽ cần tiêm vắc xin tăng cường hằng năm để được bảo vệ chống lại các biến thể COVID-19.
Dự báo này được WHO đem ra thảo luận với Liên minh Toàn cầu về vắc xin (GAVI) vào ngày 24.6. Trong đó, kịch bản cơ sở của WHO trong năm 2022 cho rằng vi rút corona chủng mới gây bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục biến đổi và cần phải cập nhật vắc xin thường xuyên. Dự báo này có thể thay đổi và được ghép nối với hai kịch bản khác ít khả năng xảy ra hơn.
Các nhà sản xuất vắc xin Moderna và Pfizer cùng đối tác BioNtech cũng đã lên tiếng rằng thế giới sẽ sớm cần đến các mũi vắc xin tăng cường để duy trì mức độ miễn dịch cao.
WHO đang cân nhắc việc tiêm nhắc lại mỗi năm cho người dễ bị tổn thương và mỗi 2 năm với người bình thường.
Trong kịch bản cơ bản, thế giới sẽ sản xuất được 12 tỉ liều vắc xin trong năm 2022, cao hơn một chút so với dự báo 11 tỉ liều. Điều này cho thấy WHO không kỳ vọng việc sản xuất vắc xin sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Tài liệu này cũng dự đoán các vấn đề về sản xuất, phê duyệt và sự chuyển đổi công nghệ vắc xin.
WHO cũng không báo hiệu công nghệ nào bị loại bỏ nhưng Liên minh châu Âu (EU) đã đặt cược rất nhiều vào các mũi tiêm sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA) như công nghệ của Pfizer và Moderna và cũng từ chối một số giao dịch mua vắc xin véc tơ vi rút từ AstraZeneca và Johnson&Johnson.
Ngoài ra, WHO còn đưa ra 2 kịch bản khác, tệ nhất là khả năng thế giới chỉ sản xuất được 6 tỉ liều và lạc quan nhất là 16 tỉ liều trong năm 2022.
Các kịch bản này sẽ được sử dụng để xác định chiến lược tiêm chủng toàn cầu của WHO và các dự báo có thể thay đổi khi dữ liệu mới xuất hiện về vai trò của việc tiêm vắc xin nhắc lại và thời gian bảo vệ của vắc xin.
Cho đến nay, khoảng 2,5 tỉ liều vắc xin đã được tiêm trên toàn thế giới, chủ yếu ở các nước giàu. Hơn một nửa số dân ở các nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, trong khi ở nhiều nước nghèo chưa có đến 1% người dân được tiêm chủng.
WHO dự báo khoảng cách này có thể tăng lên vào năm tới vì nhu cầu tiêm vắc xin nhắc lại hằng năm có thể đẩy các nước nghèo phải tiếp tục chờ đợi.