Ngày 18.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11.2021. Thủ tướng lưu ý việc xây dựng Luật Giá (sửa đổi) phải khắc phục được các bất cập, hạn chế, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm... liên quan tới giá.

Xây dựng Luật Giá (sửa đổi): Phải khắc phục lợi ích nhóm, tham nhũng

Lam Thanh | 18/11/2021, 18:01

Ngày 18.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11.2021. Thủ tướng lưu ý việc xây dựng Luật Giá (sửa đổi) phải khắc phục được các bất cập, hạn chế, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm... liên quan tới giá.

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về các đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính xây dựng, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) do Bộ Y tế xây dựng, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng, Luật Lưu trữ (sửa đổi) do Bộ Nội vụ xây dựng, Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) do Ngân hàng Nhà nước xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dịch điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.

tt-4.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ xác định dành ưu tiên cao nhất cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, phục vụ ba khâu đột phá chiến lược.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chung với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là bám sát Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương các khóa; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.

Trong quá trình thiết kế chính sách, pháp luật, cần giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Về đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm tính linh hoạt, cơ động theo cơ chế thị trường; xử lý hài hòa, hợp lý quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội, phù hợp tình hình thực tiễn.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước tập trung xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, điều kiện, các bộ ngành, địa phương bám sát thị trường để chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

“Việc xây dựng luật sửa đổi phải khắc phục được các bất cập, hạn chế, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm... liên quan tới giá. Chú ý công cụ bình ổn giá, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, bỏ qua an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Thủ tướng nêu.

Về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ, đây là nội dung được nhiều đại biểu quốc hội rất quan tâm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Thủ tướng yêu cầu phân tích kỹ thêm tác động của các chính sách trên cơ sở bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân gắn với bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn. Đồng thời, cần đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý, chuyển đổi số, tăng cường kiểm tra, giám sát, phân cấp, phân quyền, bảo đảm công khai, minh bạch.

Thủ tướng cũng yêu cầu quán triệt, bám sát các quan điểm mới về an sinh xã hội trong Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết 20 của Trung ương khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, nhất là bảo đảm nguyên tắc đóng – hưởng, nguyên tắc chia sẻ rủi ro, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh cho người dân…

Đối với đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dịch điện tử, Thủ tướng nêu rõ, đây là lĩnh vực có những thay đổi rất nhanh trong thời gian qua nên việc sửa đổi, bổ sung luật là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, phạm vi giao dịch điện tử rất rộng, do đó, phạm vi điều chỉnh của luật cần cân nhắc phù hợp, hiệu quả trên cơ sở rà soát các luật khác có liên quan.

Thủ tướng lưu ý một số vấn đề như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quy định hiện hành, xử lý các khoảng trống pháp lý; các vấn đề liên quan an ninh mạng, hoàn chỉnh và chia sẻ cơ sở dữ liệu, quản lý các nền tảng số, trong đó có các nền tảng số của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam…

Thủ tướng lưu ý một số vấn đề mới khi đề nghị xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Cụ thể, đó là các chính sách về lưu trữ tư nhân, lưu trữ điện tử; nâng cao năng lực chuyển đổi số, bảo đảm an ninh mạng; trưng mua, trưng dụng tài liệu lưu trữ; quyền khai thác dữ liệu…

Thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, có các công cụ phù hợp, hiệu quả để phát huy mặt tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực có thể phát sinh.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc đề nghị xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) là vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục lấy ý kiến các đối tượng liên quan và tham khảo kinh nghiệm, pháp luật của các nước; hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống rửa tiền, góp phần phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực, thất thoát tài sản…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng Luật Giá (sửa đổi): Phải khắc phục lợi ích nhóm, tham nhũng