Những chuyến xe chở tôn, sắt...quá khổ với đầy rủi ro có thể gây tai nạn chết người, như vụ việc đã từng xảy ra và cướp đi sinh mệnh của một em nhỏ tại Hà Nội.
Ngày 26.9, theo ghi nhận của PV ở một số tuyến đường ở quận 9, quận 2, Thủ Đức... tình trạng xe ba gác chở tôn, sắt, vật liệu xây dựng công kềnh vẫn còn rất nhiều.
Xe ba gác chở tôn thép nghênh ngang trên phố
Các xe ba gác này chủ yếu chở tôn, sắt hộp, sắt phi, cửa sắt... quá chiều cao của xe và dài hơn xe rất nhiều. Tuy nhiên, khi di chuyển ngoài đường, các xe này thường xuyên chạy với tốc độ nhanh, các thanh sắt không được bao bọc nên rất nguy hiểm cho người đi đường và mất ATGT.
Trưa cùng ngày, chúng tôi chứng kiến một xe ba gác chở một cuộn tôn và nhiều thanh sắt hộp có chiều dài gấp 3 lần chiều dài xe đi ra từ một cửa hàng ở đường Lê Văn Việt (quận 9, TP. HCM). Khi vừa ra khỏi cửa hàng, chiếc xe này ì ạch luồnlách qua dòng xe đông nghẹt. Nhiều người đi đường vì sợ va phải nên dừng xe lại, né qua một bên, chờ xe ba gác này đi qua mới dám đi tiếp.
Cũng trên tuyến đường Lê Văn Việt này, chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ, chúng tôi chứng kiến hàng chục xe ba gác chở thép cồng kềnh đi qua.
Bà Lê Thị Huệ (51 tuổi), người dân sống trên đường Lê Văn Việt cho biết, hàng ngày có rất nhiều xe ba gác chở tôn, sắt từ các cửa hàng sắt thép, vật liệu xây dựng đi qua. Các xe này chở cồng kềnh, dài hơn kích thước của xe nhưng không bao bọc rất nguy hiểm cho người đi đường.
“Nhà tôi có cháu nhỏ, mỗi khi cháuđi học phải có người nhà đưa đón. Nhất là từ khi ngoài Hà Nội xảy ra hai trường hợp tử vong do xe ba gác chở tôn cứa đứt cổ, gia đình tôi càng cẩn thận hơn” – bà Huệ nói.
Ông Bốn, một người lái xe ba gác tại khu vực ngã tư Thủ Đức cho biết, ông thường hay chở tôn, thép và tất cả các mặt hàng hóa trên địa bàn. Ông cũng thừa nhận: “Tôi cũng hay chở tôn, thép cho một số cửa hàng. Họ gọi thì tôi chở, cũng có lúc chở tôn, thép rất dài, nhưng người ta gọi mà không chở thì không được. Mỗi chuyến như vậy tôi được trảtừ 100.000 đồng trở lên tùy thuộc vào quãng đường và hàng hóa. Biết là chở sẽ vi phạm nhưng thùng xe ba gác rất nhỏ, nếu chở vừa đủ thì không thể nào chở hết hàng và chúng tôi không thể sống được”.
Khó xử lý xe ba gác chở cồng kềnh
Trước tình trạng này, cùng ngày, đội CSGT quận 9 đã ra quân tăng cường xử phạt các xe ba gác chở cồng kềnh.
Có mặt tại hiện trường, Thiếu tá Lê Quốc Việt (Đội CSGT quận 9) cho biết, sau hai trường hợp đáng tiếc xảy ra ở Hà Nội, đội CSGT quận 9 nhận thấy trên địa bàn cũng có một số trường hợp xe ba gác chở cồng kềnh gây nguy hiểm nên tăng cường xử phạt.
Theo Thiếu tá Việt, các xe ga bác thường chở sắt, tôn, vật liệu xây dựng nhưng không nhiều. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người đi đường, đội đã tăng cường tuần tra, xử phạt. Chỉ trong sáng cùng ngày, đội CSGT quận 9 đã xử phạt gần 10 trường hợp xe ba gác vi phạm. Sau khi lập biên bản đã yêu cầu chủ xe hạ hàng ngay tại chỗ.
Cũng theo Thiếu tá Việt, về quy chuẩn chở hàng ở xe ba gác là không được chở hàng cao quá chiều cao và dài quá bửng xe.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban ATGT TP. HCM cho biết, hiện nay, tình trạng xe ba gác, xe 3 bánh, 4 bánhthô sơ hoặc tự chế đã giảm đáng kể sau một thời gian triển khai chủ trương cấm hoạt động.
Tuy nhiên, ở một số tuyến đường ngoại thành vẫn còn xuất hiện nhiều xe thô sơ, tự chế hoạt động, chở hàng cồng kềnh nhưng lại rất khó xử phạt, thu giữ xe, đa số các chủ xe đều là hộ nghèo hoặc cận nghèo.
Ông Tường cho rằng,trong thời gian sắp tớicần triển khai nghiêm việc quản lý các phương tiện này, đặc biệt cũng xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, chế độ xe ba gác, xe thô sơ trái quy định.
Một lãnh đạo đội CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CA TP. HCM (PC67) cũng cho biết lực lượng CSGT thường xuyên xử lý những chiếc xe ba gác vi phạm lỗi xếp hàng vượt qua quy định.
Theo thống kê hiện TP có hơn 24.000 xe 3, 4 bánh tự chế bị đình chỉ lưu thông, trong đó hơn 3.000 xe của những người thuộc diện hộ nghèo.
Triệu Vân